Vào tối ngày 10/2 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh điều hành tăng mạnh thuế quan áp lên các nhôm và thép nhập khẩu và Mỹ, chấm dứt hạn ngạch miễn thuế quan cho nhôm và thép từ các nhà cung cấp lớn như Canada, Mexico và Brazil. Ngoài ra, ông cũng tuyên bố có thể sẽ áp thuế quan lên nhiều hàng hóa khác.
Theo hãng tin Reuters, giới phân tích nhận định rằng động thái của ông Trump đặt ra khả năng về một cuộc chiến thương mại đa phương giữa Mỹ với các đối tác thương mại của nước này, phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu.
Trong sắc lệnh vừa được ký, ông Trump tăng thuế quan đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ lên 25% từ mức thuế 10% mà ông đưa ra vào năm 2018 nhằm cải thiện sức mạnh cho ngành công nghiệp sản xuất nhôm trong nước đang chật vật. Bên cạnh đó, sắc lệnh áp lại mức thuế quan 25% đối với hàng triệu tấn thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ hàng năm theo hạn ngạch miễn thuế quan, các trường hợp miễn trừ và hàng nghìn sản phẩm được miễn trừ.
Sắc lệnh này là sự tiếp nối của chương trình áp thuế quan mà ông Trump đã triển khai vào năm 2018, trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của ông, theo Mục 232 thuộc Đạo luật Mở rộng thương mại 1962 nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhôm và thép trong nước trên cơ sở an ninh quốc gia. Một quan chức Nhà Trắng nói rằng các biện pháp miễn trừ đã xói mòn tính hiệu quả của thuế quan áp lên nhôm và thép.
Ông Trump cũng đưa ra một tiêu chuẩn Bắc Mỹ mới, đòi hỏi thép nhập khẩu phải được “nấu chảy và đổ” và nhôm phải được “nấu chảy và đúc” tại khu vực này, nhằm hạn chế tình trạng thép Trung Quốc được chế biến ở mức độ tối thiểu tìm đường vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, sắc lệnh còn áp thuế quan đối với các sản phẩm thép hạ nguồn sử dụng thép nhập khẩu.
Cố vấn thương mại Mỹ Peter Navarro nói các biện pháp thuế quan mới được công bố sẽ giúp ích cho các nhà sản xuất thép và nhôm của Mỹ, cũng như củng cố an ninh kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.
“Thuế quan thép và nhôm 2.0 sẽ đặt dấu chấm hết cho tình trạng nước ngoài bán phá giá, thúc đẩy sản xuất trong nước và đảm bảo vị thế ngành công nghiệp nhôm và thép như là những ngành công nghiệp xương sống và trụ cột đối với an ninh kinh tế và quốc gia Mỹ”, ông Navarro nói với các nhà báo.
“Đây không chỉ là vấn đề thương mại, mà còn là việc đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ không bao giờ phải phụ thuộc vào các quốc gia khác về các ngành chủ chốt như thép và nhôm”, vị cố vấn thương mại nhấn mạnh.
Ý định áp thuế quan lên thép và nhôm mới được công Trump đưa ra với các nhà báo vào hôm Chủ nhật. Sắc lệnh được ký tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào tối ngày thứ Hai.
Khi ký sắc lệnh áp thuế quan lên thép và nhôm, ông Trump cũng nói với các nhà báo có mặt tại đó rằng ông còn đang xem xét áp thuế quan lên ô tô, con chip và dược phẩm. Tuần trước, ông Trump tuyên bố nội trong tuần này sẽ áp thuế quan có đi có lại lên tất cả các quốc gia.
Khi được khỏi về khả năng các quốc gia khác trả đũa thuế quan Mỹ, ông Trump đáp: “Tôi chẳng lấy làm bận tâm”.
Theo dữ liệu từ Viện Sắt thép Mỹ (AISI), các nguồn nhập khẩu thép lớn nhất của Mỹ gồm Canada, Brazil và Mexico, tiếp đến là Hàn Quốc và Việt Nam.
Dẫn đầu với khoảng cách lớn, Canada là nguồn cung cấp kim loại nhôm cơ bản lớn nhất của Mỹ, chiếm 79% tổng lượng nhập khẩu của Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2024. Trong khi đó, Mexico là một nhà cung cấp chính của Mỹ về nhôm vụn và hợp kim nhôm.
Theo Bình Minh (Vneconomy.vn)