Xuất hiện cuối cùng trong Shark Tank mùa 4 – tập 4 phát sóng tối 30/5 là màn gọi vốn của nhà sáng lập DH Foods- doanh nghiệp sở hữu danh mục hơn 150 sản phẩm với đầy đủ những loại gia vị tự nhiên, chấm, nấu, ướp... từ phổ biến đến đặc sản từng vùng miền.
Đây cũng là thương vụ để lại rất nhiều dư âm cho khán giả bởi câu chuyện về hành trình khởi nghiệp thương hiệu gia vị Việt, với rất nhiều sản phẩm mà nổi tiếng nhất là muối tôm Tây Ninh "thần thánh", cùng đó là thông điệp "Không bao giờ là quá muộn để làm điều mình thích, ở bên người mình yêu".
Nhà sáng lập DH Foods Nguyễn Trung Dũng chia sẻ, trong 30 năm học tập và sinh sống tại Ba Lan, ông đã rất nhớ gia vị đặc sản Việt. Khi ấy, trên kệ của các siêu thị ở Ba Lan có hàng ngàn loại gia vị bản địa, hàng trăm loại gia vị Thái Lan, Nhật Bản, nhưng gia vị đặc sản Việt không có.
Vì nhớ gia vị quê hương, ông thường xuyên lái xe hàng trăm kilomet đến những khu cộng đồng người Việt, mua những chai nước mắm, hũ cà pháo. Năm 2010 khi về Việt Nam sinh sống, đi dọc Việt Nam, ông thấy có rất nhiều gia vị đặc sản vùng miền nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, bao bì chưa bắt mắt nên không phổ biến rộng rãi.
Năm 2012, ở tuổi 50, ông Nguyễn Trung Dũng quyết định khởi nghiệp với DH Foods. Sau 8 năm phát triển, nhà sáng lập DH Foods tự hào khi sản phẩm đã xuất hiện ở hầu hết hệ thống siêu thị toàn quốc, xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh hay Hà Lan.
Dẫn lời của cha đẻ của Marketing hiện đại Philip Kotler "Việt Nam hãy là nhà bếp của thế giới", ông Dũng mong DH Foods trở thành góc gia vị trong nhà bếp đó. Ông kêu gọi đầu tư 12 tỷ đồng cho 3% cổ phần DH Foods.
Shark Phạm Thanh Hưng khá quan tâm về lý do nhà sáng lập Nguyễn Trung Dũng trở về Việt Nam khi sau 30 năm sinh sống tại Ba Lan.
Ông Dũng cho hay, trước khi về Việt Nam, ông từng thành công với rất nhiều dự án ở nước ngoài, thành lập nhà máy sản xuất mỳ tôm theo công nghệ Nhật Bản. Có thành công cũng có thất bại. Tuy nhiên, khi hôn nhân đổ vỡ, ông đã có những thay đổi khá nhiều về cách suy nghĩ.
"Lấy vợ người nước ngoài, có những điều mà thời trẻ thì không thấy sự khác biệt nhưng càng về lớn sẽ càng thấy sự khác biệt về văn hóa. Khi hôn nhân tan vỡ, tôi gặp lại người bạn thời học phổ thông.
Chúng tôi thấy hợp nhau và quyết định "mình đều 50 tuổi rồi, mình không còn gì để phải đắn đo cả, mạo hiểm cuộc đời của mình, sống cái cách mà mình muốn". Thậm chí, khi mới về Việt Nam, lần đầu tiên tôi chấp nhận đi làm thuê cho công ty khác", ông Dũng chia sẻ về quyết định hồi hương.
Như thường lệ, Shark Nguyễn Xuân Phú rất quan tâm đến bức tranh tài chính của DH Foods. Theo ông Dũng, DH Foods thành lập được 8 năm, trong 5 năm gần nhất tăng trưởng trung bình 50%/1 năm, doanh thu 100 tỷ đồng (chưa tính VAT), lợi nhuận ròng là 10%.
Shark Hưng tính nhanh, đầu tư 12 tỷ đồng đồng nghĩa với việc các Shark sẽ cần 36 năm hoàn vốn, không tính đồng tiền không mất giá.
Theo ông Dũng, kế hoạch 5 năm tới, dù DH Foods có tăng trưởng chậm đi 30% thì đến 2025, các nhà đầu tư sẽ hoàn vốn và có lời, bởi khi đó, giá trị của công ty đã tăng lên rất nhiều.
Tuy nhiên, các cá mập cho rằng, dù mức tăng trưởng gấp 50% thì cũng rất khó để đạt được con số mà DH Foods tính toán.
Chia sẻ quãng thời gian từng đi du học với nỗi nhớ ẩm thực Việt, Shark Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, các món ăn Việt có hương vị ngon và gia vị là 1 trong những yếu tố quan trọng để tạo nên hương vị riêng của từng món. Vị cá mập rất thích ý tưởng khởi nghiệp của nhà sáng lập DH Foods.
Tuy nhiên, Shark Bình cho rằng, việc ông Dũng kinh doanh các sản phẩm gia vị nhưng tính tỷ suất định giá trên lợi nhuận cao hơn 36 lần các công ty công nghệ - vốn có mức tỷ suất định giá cao hàng đầu. Mức định giá công ty là gần 400 tỷ đồng cũng quá lớn.
Ông Dũng cho rằng, vì gia vị là thứ mà người ta phải ăn, sống không thể thiếu.Chia sẻ thêm về bức tranh tài chính, ông Dũng nói, giá vốn chiếm 50%, chi phí marketing cho năm 2020 chỉ chiếm 1,9% do chỉ tập trung vào mảng online.
Năm 2020, công ty đầu tư khá nhiều cho các hạng mục như vận hành nhà máy mới 3.000 m2 và có 1 nhà máy đối tác gia công độc quyền là 1.500m2.
Chi phí lương khoảng 10%, chi phí khuyến mãi khoảng 5-10%. Các sản phẩm của DH Foods được đối tác vận chuyển đến từng cửa hàng phân phối. Chi phí cho kho vận chiếm khoảng 4-5%.
Các sản phẩm chủ yếu được phân phối ở thị trường Việt Nam với hơn 90%, xuất khẩu chiếm khoảng 7%.
Shark Phú cho biết, ông cũng kinh doanh ngành thực phẩm với thương hiệu Richy, nên hiểu rằng giá vốn chiếm 50% đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có lãi.
Phản biện ý kiến này, ông Dũng nhấn mạnh, giá vốn hiện đang là giá vốn xuất xưởng, còn giá vốn nguyên liệu thấp hơn rất nhiều.
Shark Phú cho rằng với tỉ lệ 1,9% dành cho marketing là rất ít và khó để DH Foods mở rộng thị trường.
Quan tâm đến gia vị sạch, Shark Liên khá băn khoăn về việc DH Foods sẽ làm thế nào để biết được nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo cho sản xuất gia vị. Và nhắc đến DH Foods là nhắc đến sản phẩm "ngôi sao" nào thường xuất hiện trong nhà bếp.
Ông Nguyễn Trung Dũng cho hay, muối tôm, muối ớt Tây Ninh đang là dòng sản phẩm được ưa chuộng nhất.
Dẫu vậy, "bà ngoại U60" cho rằng, nếu chỉ nhắc đến muối tôm, muối ớt thì chưa hẳn là độc đinh để nhớ đến thương hiệu. Đồng tình quan điểm này, Shark Phú khuyên DH Foods nên có dòng sản phẩm thực sự đặc biệt. Ngoài ra, vị cá mập cũng lăn tăn về việc công ty có giải pháp để nâng được quy mô, sản lượng lên thật lớn.
Mặc dù rất hứng thú với dự án này song các "cá mập" đều cho rằng mức giá mà ông Nguyễn Trung Dũng đưa ra khá cao.
Lần đầu tiên, có một đề nghị cả 5 cá mập sẽ đầu tư hoặc là cả 5 cùng không đầu tư tại Shark Tank, shark Hưng đề nghị: 12 tỷ đồng cho 15% (mỗi Shark 3%). Tuy nhiên, DH Foods đề nghị: 12 tỷ đồng cho 5% (mỗi Shark 1%).
Cuối cùng, thương vụ khép lại khi không có sự đồng thuận giữa nhà sáng lập DH Foods và "dàn cá mập". Tuy nhiên, màn gọi vốn đã tạo dư âm rất tốt khi sản phẩm muối tôm Tây Ninh "thần thánh" và câu chuyện của nhà sáng lập thương hiệu này đã phủ kín nhiều kênh, mạng xã hội, trang Facebook.
Chỉ riêng Fanpage của Shark Tank Việt Nam, hàng trăm bình luận đều bày tỏ sự thích thú với những gia vị của thương hiệu này.
Theo Hoàng Linh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)