Ảnh hưởng không đáng kể
TTCK tăng trở lại trong phiên 29/3 sau khi giảm khá mạnh 15 điểm trong phiên trước đó vì những thông tin tiêu cực liên quan tới cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
Tối 29/3, Bộ Công an thông tin về quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK).
Ngay sau đó, Tập đoàn FLC cũng ra thông báo về việc bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó TGĐ Tập đoàn FLC, được ủy quyền thực hiện các công việc, quyền chủ tịch HĐQT tại FLC, Bamboo Airways. Ông Trịnh Văn Quyết cũng ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.
Thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại nhóm cổ phiếu “họ FLC” sẽ tiếp tục giảm sàn và TTCK chung sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, “cú nổ FLC” sẽ không ảnh hưởng nhiều tới TTCK nói chung.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder của FIDT, cho rằng, mức độ ảnh hưởng của vụ việc tới TTCK không đáng kể vì quy mô kinh doanh của hệ sinh thái này rất bé ngoại trừ BVA (Bamboo Airways) chưa có số liệu cụ thể vì không phải là công ty đại chúng.
Theo FIDT, tổng doanh thu hệ sinh thái tập đoàn này vào khoản 13 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 500 triệu USD, chỉ bằng khoảng 0,014% GDP Việt Nam. Về nợ bao gồm cả ngắn và dài hạn, chưa tính BVA, vào khoảng 8.400 tỷ đồng, tương đương với khoản 360 triệu USD, rất nhỏ nếu so với quy mô nợ hơn 11 triệu tỷ đồng của nền kinh tế Việt Nam.
Một loạt nhà băng liên quan
Về Bamboo Airways, theo FIDT, hiện chưa có đầy đủ số liệu để đánh giá về dư nợ và quy mô vốn. Tuy nhiên, BVA sẽ có liên đới tới các ngân hàng cho vay cầm cố bổ sung tài sản đảm bảo là cổ phần BVA này như STB (1.840 tỷ đồng), OCB (1.400 tỷ đồng). Các ngân hàng sẽ phải trích lập theo chuẩn quản trị rủi ro của mình trong các trường hợp khẩn cấp như CEO hay chủ tịch bị vướng vòng lao lý; đánh giá lại toàn bộ các khoản vay cũng như yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo để nâng hệ số an toàn. Cổ phần BVA còn được cầm cố tại NVB (Nam Việt Bank).
Lấy chuẩn tham chiếu từ Sacombank, ngân hàng này cho vay cầm cố cổ phần với mức định giá khoản 8.500 đồng (dưới mệnh giá). Giả sử nếu tổng vốn điều lệ của BVA là 16 nghìn tỷ đồng thì mức cầm cố từ số cổ phần này sẽ vào khoảng 13,6 nghìn tỷ đồng. Đây là mức dự phòng tối đa cho dư nợ phát sinh từ cổ phần của BVA.
Hầu hết các máy bay do BVA đang vận hành là máy bay thuê bởi các hợp đồng đặt mua từ trước tới giờ chưa được ghi nhận. Vì vậy, các tài sản này không thuộc về BVA và không phát sinh dư nợ với hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tổng thể, bóc tách dư nợ toàn bộ hệ thống Tập đoàn FLC sẽ vào khoản gần 1 tỷ USD, trong đó hơn 60% được đánh giá là an toàn bởi sự vận hành của BVA là khá hiệu quả theo khảo sát của FIDT.
Cũng theo FIDT, rủi ro từ sự kiện này là thấp và sẽ không xảy ra hiện tượng hòn tuyết lăn như những lo ngại năm xưa khi các yếu nhân vướng vòng lao lý.
Hai nhóm bị ảnh hưởng
Còn về TTCK, theo FIDT, sẽ có hai nhóm ảnh hưởng trực tiếp bởi sự kiện này gồm: Hệ sinh thái của FLC như các mã AMD, KFL, ART, ROS, GAB... vì tính gia đình. Diễn biến bán tháo là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, BVA cũng sẽ rơi mạnh trên thị trường OTC.
Nhóm tiếp theo bị ảnh hưởng là nhóm ngân hàng mà hệ sinh thái này đang có dư nợ gồm STB, OCB, BID, NVB,... vì quy trình trích lập và gọi bổ sung tài sản cũng như rà soát lại chất lượng tài sản, đánh giá lại mức giá cho vay.
Ở nhóm ngân hàng này, quy mô nợ xấu này (nếu có) cũng khá nhỏ với quy mô tổng tài sản của từng ngân hàng như STB , OCB hay NVB. Vì vậy, mức độ phản ứng khoảng 1-2 phiên và đi kèm với đó là những thông tin được công bố về cơ cấu nợ sẽ làm thẩm thấu những lo ngại này vào thị giá các nhà ngân hàng này.
Ở góc độ thứ hai, với toàn bộ thị trường và các nhóm ngành còn lại, sự kiện này thật sự không liên quan gì vì nhóm FLC này từ lâu đã tách bạch và "định vị" mình ở nhóm đầu cơ rất rõ. Có chăng chỉ là một lượng tiền đầu cơ tương đối sẽ bị nhốt trong này cũng như liên đới tới một vài "kho hàng" tự phát theo kiểu bán bổ sung tài sản.
Nhiều khả năng sẽ không có nhiều hoạt động bán giải chấp liên đới ở các "kho hàng" này khi đã bị "xử lý" ở tháng 1 vừa rồi.
Như vậy, ảnh hưởng tiêu cực là ngắn hạn. Còn về trung và dài hạn, thị trường vẫn rất tốt.
Lịch sử cũng cho thấy, với những lần vướng lao lý của các yếu nhân có quy mô ảnh hưởng lớn hơn hệ sinh thái của FLC, nhưng TTCK phục hồi rất tốt về sau.
Bên cạnh đó, sự kiện cũng cho thấy quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh và minh bạch của thị trường sẽ thúc đẩy một luồng vốn quy mô lớn vào TTCK vì đây vẫn là nơi phân bổ tài sản chất lượng và là nơi huy động vốn trung và dài hạn tốt cho nhóm công ty làm ăn đàng hoàng minh bạch.
Sau vụ việc, tâm lý đánh bạc, đầu cơ, đội lái sẽ giảm bớt và sự nắn dòng vốn đầu tư sẽ diễn ra rất rõ. Có thể nói nhóm cổ phiếu hưởng lợi là nhóm cổ phiếu làm ăn tốt, quy mô lớn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và uy tín từ người lãnh đạo sẽ hút hàng.
Đây có thể coi là một pha "ghi điểm" trong mắt các nhà đầu tư ngoại đi kèm với triển vọng sáng sủa cho việc lên hạng của TTCK trong tương lai gần (2024-2025), khi những lực cản trở định tính được gỡ bỏ (minh bạch, hệ thống giao dịch lỗi thời... ). Đồng thời, là bước ngoặt về môi trường đầu tư sạch, an toàn và bảo vệ tốt cho toàn bộ nhà đầu tư.
Theo V. Hà (VietNamNet)