Như VnEconomy đưa tin, ngày 29/3 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch FLC ông Trịnh Văn Quyết. Sự việc gây xôn xao thị trường suốt mấy ngày qua.
Xung quanh vụ việc này, ngày 31/3/2022 trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một lần nữa khẳng định thị trường chứng khoán vẫn đang diễn biến tích cực nhờ yếu tố nền tảng, nhà đầu tư nên bình tĩnh trước các sự việc đơn lẻ.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán, xin ông cho biết cụ thể hơn về vụ việc này?
Chiều ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tiến hành điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (mã Ck: FLC), các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo quyết định của C01, hành vi trên của ông Trịnh Văn đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự. Bước đầu, ngày 29/3/2022, C01 đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết; đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.
Như thông tin đã công bố, ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã có hành vi bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không thông báo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC. Ngay sau đó, Uỷ ban đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.
Tiếp đó, ngày 11/1/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết. Ngày 18/1/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-xử phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng; đồng thời đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán của ông Quyết trong vòng 5 tháng.
Cùng với việc xử lý vi phạm, thời điểm đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý vụ việc.
Vậy sau khi thông tin chính thức từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an được công bố, Uỷ ban Chứng khoán đã triển khai những vấn đề gì để đảm bảo đúng quy định của pháp luật chứng khoán và ổn định tâm lý thị trường, thưa ông?
Ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố thông tin chính thức, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã ngay lập tức họp để tiến hành các công việc tiếp theo theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo đó, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu Công ty CP Tập đoàn FLC thực hiện công bố thông tin theo quy định và báo cáo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, ngay trong tối 29/3, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã công bố thông tin chính thức trên website và gửi các cơ quan thông tấn, báo chí về Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Trong thông tin phát đi, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.
"Những tác động đến thị trường chứng khoán chỉ là ngắn hạn và không quá lớn do giá trị vốn hóa của FLC, cũng như các công ty trong hệ sinh thái FLC chiếm giá trị không lớn trên thị trường, lần lượt chiếm khoảng 0,16% và 0,35% vốn hóa toàn thị trường.
Vì thế, nhà đầu tư nên bình tĩnh để có góc nhìn khách quan, nên phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư".
Ông Trần Văn Dũng.
Liên quan tới vụ việc này, Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo quyết liệt, rõ ràng, cụ thể đối với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ.
Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán. Đây cũng là tinh thần hành động của Uỷ ban trong vụ việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn chưa thoát xu hướng giằng co bởi các thông tin quốc tế tiêu cực, vụ việc lần này tại FLC ít nhiều cũng gây tâm lý hoang mang đối với nhà đầu tư trên thị trường. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp, ông có khuyến nghị gì cho nhà đầu tư hiện nay?
Thị trường chứng khoán được ví là thị trường của thông tin, của lòng tin. Vì thế, khi các thông tin liên quan xuất hiện, thì ít nhiều sẽ có tác động tới thị trường và tâm lý nhà đầu tư theo chiều hướng cả tiêu cực và tích cực.
Các thông tin liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết, do đó cũng khó tránh khỏi những tác động tâm lý tới nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, những tác động đó đến thị trường chứng khoán chỉ là ngắn hạn và không quá lớn do giá trị vốn hóa của FLC, cũng như các công ty trong hệ sinh thái FLC chiếm giá trị không lớn trên thị trường, lần lượt chiếm khoảng 0,16% và 0,35% vốn hóa toàn thị trường.
Vì thế, nhà đầu tư nên bình tĩnh để có góc nhìn khách quan, nên phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.
Dù có thể sẽ có nhiều biến động vì nhiều yếu tố khách quan, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt.
Theo các số liệu chính thức vừa được công bố, trong quý 1/2022, các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô trong nước vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay. Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ ổn định để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát trong mục tiêu đề ra.
Về nội tại thị trường, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ khác như: dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh, ...
Về phía cơ quan quản lý, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp quan trọng để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tính minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, hỗ trợ thúc đẩy tính bền vững của thị trường trong năm 2022 và những năm tới.
Theo Kiều Linh (VnEconomy.vn)