Được mệnh danh là “nữ hoàng vàng bạc”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), hiện đang sở hữu khối tài sản trên 1.400 tỷ đồng
Tài sản nghìn tỷ từ PNJ
Nhìn diễn biến giá cổ phiếu PNJ của nữ hoàng vàng bạc trên thị trường chứng khoán có thể thấy, PNJ đã có 5 phiên tăng điểm liên tiếp và trong phiên sáng ngày hôm nay, mã cổ phiếu PNJ đang giao dịch quanh mốc 96.300 đồng/cp.
Với số lượng cổ phiếu hiện đang sở hữu là 14.950.064 cp, tài sản của bà Dung tương ứng tính tới hiện tại xấp xỉ 1.440 tỷ đồng
Chưa kể, 2 “ngọc nữ” của bà Dung là Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Thảo hiện cũng đang sở hữu một khối lượng lớn cổ phiếu PNJ, giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, Trần Phương Ngọc Giao với 5.438.154 cổ phiếu PNJ có tài sản tương ứng là 523,6 tỷ đồng. Trong khi đó, Trần Phương Ngọc Thảo với 3.556.050 cố phiếu PNJ tương ứng tài sản là trên 342 tỷ đồng.
Như vậy, khối tài sản trên sàn của 3 mẹ con nữ hoàng vàng bạc hiện nay là hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Nếu như không bốc hơi 550 tỷ vào hồi tháng 6.2018 do mã cổ phiếu PNJ liên tục sụt giảm sau thông tin bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Thành viên HĐQT PNJ, đã xin từ nhiệm và bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi "thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong thời gian làm Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng Đông Á (DAB), thì khối tài sản của gia đình bà Dung đã lên tới 3 nghìn tỷ đồng
Hiện bà Cao Thị Ngọc Dung giữ vị trí thứ 47 trong danh sách người giàu sàn chứng khoán Việt, còn Trần Phương Ngọc Giao ở vị trí 102 và Trần Phương Ngọc Thảo là 147.
Thực tế, trước đây, PNJ cũng có nhiều mối quan hệ với DongABank, đế chế 1 thời của ông Trần Phương Bình (chồng bà Dung) khi nắm giữ tới 7,7% cổ phần tại ngân hàng này. Tuy nhiên, khi những khó khăn và rắc rối DongABank xuất hiện, PNJ đã tìm cách thoát khỏi những vũng lầy rắc rối của DongAbank. Hoạt động tại PNJ sau đó cũng có sự khởi sắc.
Báo cáo tài chính quý III.2018 cho thấy PNJ đạt 3.151 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 38% so với mức 2.279 tỷ đồng cùng kỳ. Lãi gộp qua đó tăng gấp rưỡi, từ 396 tỷ lên 600 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 19%, và cũng là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Riêng quý III, PNJ đạt 221 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PNJ đạt 10.508 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2.753 tỷ (35%) so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận trước thuế tăng 38%, từ 631 tỷ lên 869 tỷ đồng.
Trần Phương Bình: Từ công thần đến tội đồ tại ĐongABank
Trong khi PNJ không ngừng bứt phá, khối tài sản của d của bà Cao Thị Ngọc Dung và 2 con gái lên tới trên 2 nghìn tỷ thì đế chế DongABank dưới thời ông Trần Phương Bình cũng có những năm tháng thăng hoa nhưng rồi lao dốc. Đến nay, DongABank vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi ông Cao Sỹ Kiêm từ nhiệm, ông Trần Phương Bình, chồng bà Dung, cũng là người quyền lực nhất tại ngân hàng này với vai trò là Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và cũng là Chủ tịch Hội đồng tín dụng của ngân hàng Đông Á.
Từ khi thành lập, ông Bình đã có nhiều nỗ lực để đưa ngân hàng này đi lên. Từ mức vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đến năm 2014, số vốn điều lệ tại ngân hàng này đã tăng lên mức 5.000 tỷ đồng. DongABAnk cũng là 1 trong số ngân hàng tiên phong trong chế tạo được máy ATM bán vàng tự động, nhận tiền mặt trực tiếp… Nhưng sau đó, DongABank phát triển ngày càng thụt lùi và vướng vào nợ xấu.
Ngân hàng rơi vào trình trạng kiểm soát đặc biệt do những vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng của một số cán bộ nguyên là lãnh đạo, quản lý của ngân hàng. Lãnh đạo ngân hàng Đông Á trong đó có ông Bình vướng vào vòng lao lý.
Theo cáo trạng của Viện kiểm soát nhân dân tối cao, ông Trần Phương Bình bị truy tố về hai tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cáo trạng xác định với vai trò là tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng Đông Á Bank, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt gần 2.100 tỷ đồng; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng; tổng cộng gây thiệt hại cho Đông Á Bank là hơn 3.600 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tại thời điểm ngày 31.12.2015 Đông Á Bank lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.400 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn hơn 47.000 tỷ đồng.
Đến nay những vấn đề liên quan đến những sai phạm của ông Trần Phương Bình và đồng phạm vẫn đang tiếp tục được làm rõ song hậu quả để lại cho DongABank thì chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được?
Theo Huyền Anh (Dân Việt)