Từng đưa ra nhiều ý tưởng mới khi còn là Thủ tướng Anh, ông Tony Blair chia sẻ điều lo sợ nhất là khi đưa ra ý tưởng cải cách mà không xuất hiện ý kiến trái chiều.
"Có người hỏi tôi đã về hưu tại sao không đi đánh golf mà lại chọn công việc đi khắp thế giới như thế này. Đơn giản, tôi nghĩ thế giới đang phát triển, không có gì quan trọng bằng việc các nước rút ra bài học từ các quốc gia khác và người dân ngày càng thịnh vượng, có cơ hội sáng tạo hơn. Khi đóng góp được phần nhỏ như vậy thì thú vị hơn", ông Blair chia sẻ.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh không ngại những ý kiến phản biện bởi sự đối lập sẽ giúp quá trình đổi mới tốt hơn. Ảnh: P.V |
Tuy nhiên, vị cựu Thủ tướng Anh cho rằng bất kỳ một cuộc cải cách nào cũng gặp trở ngại, đặc biệt trong việc hiện thực hóa các ý tưởng và chứng minh quá trình tái cơ cấu này là đúng đắn. "Thay đổi nào cũng đều có sự khó khăn. Ví dụ khi cải cách doanh nghiệp Nhà nước, sẽ có những người không thích và chống đối vì họ tin rằng làm việc trong những doanh nghiệp này sẽ yên ổn hơn. Nhưng bài học trên thế giới cho thấy những cuộc cải cách sẽ tạo ra những lợi ích lớn hơn, dần dần chiến thắng sự phản kháng", ông phát biểu.
Nguyên lãnh đạo Đảng Lao động Anh dẫn chứng ông đã phải giải trình và tranh luận gay gắt khi tư nhân hóa ngành viễn thông, bởi nhiều ý kiến cho rằng khi Nhà nước không còn nắm giữ thì quyền lợi của người dân và công nhân sẽ bị ảnh hưởng. Song, thời gian đã chứng minh khi tư nhân hóa, người lao động vẫn được đầu tư, thậm chí nhiều hơn để phát huy năng lực. Ngoài ra, Nhà nước vẫn có thể thực hiện vai trò điều tiết thông qua các văn bản pháp luật mà không cần phải nắm quyền sở hữu mới bảo vệ người dân.
Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong lần chia sẻ với báo chí trước Tết Nguyên đán cũng cho hay trong quá trình đổi mới, Việt Nam vẫn gặp cản trở khi còn tồn tại tàn dư của bộ máy đi ngược lại với lợi ích của doanh nghiệp, người dân. "Thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt là luật tốt nhưng người thực hiện không có cái tâm để triển khai, vì lợi ích cá nhân mà hành doanh nghiệp. Tôi có thể nói rằng đây là tàn dư của bộ máy mà chúng ta vẫn nghĩ là quản lý, nghĩa là tôi có quyền quản anh, có quyền yêu cầu anh", ông phát biểu.
Liên quan đến hành động chống đối, ông Tony Blair cũng nhận được câu hỏi khá hóc búa của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: "Ở đâu cũng có sự chống đối trong cải cách doanh nghiệp Nhà nước, từ phía người lao động hay Đảng đối lập. Nhưng nếu những người chống đối nằm ngay trong đảng cầm quyền, là người đồng nghiệp của ông thì sẽ xử lý như thế nào?".
Thẳng thắn trả lời, vị chuyên gia người Anh cho biết để vượt qua sự phản kháng, ông sẽ ưu tiên chọn những trường hợp đang yếu kém nhất để cải cách, bởi khi đó rất ít ý kiến có thể lập luận mô hình hiện tại đang hiệu quả. "Phải chọn cẩn thận để làm sao thực hiện có kết quả. Đây phải là các dự án điển hình và thiết thực để chỉ cho mọi người thấy kết quả và nhân rộng", ông bày tỏ.
Bên cạnh sự chống đối mang hàm ý "cản trở", ông Tony Blair cũng đề cập đến khía cạnh "tốt" khi những lời phản biện sẽ giúp cho cải cách toàn diện hơn. Chẳng hạn như khi đề xuất cải cách tiền lương, không thấy ai phát biểu, vị cựu Thủ tướng Anh không lấy làm mừng mà còn lo lắng bởi "im lặng" chính là chưa có sự đổi mới rõ rệt. "Thực tế, khi cải cách thật thì người ta la hét. Do đó, chống đối sẽ là điều đương nhiên phải đối mặt và nhà điều hành cần vượt qua", vị này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại diện văn phòng Tony Blair Asscociates cho rằng cải cách doanh nghiệp Nhà nước là quá trình vừa đối phó với phản kháng, vừa phải rút kinh nghiệm. Do vậy, Chính phủ cần lựa chọn ngành, lĩnh vực mang tính chiến lược để cổ phần hóa, tùy thuộc vào điều kiện quốc gia đó.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nhận định cải cách thực sự nhất định phát sinh những ý kiến trái chiều. "Quá trình đổi mới của chúng ta không thể không gặp những điều không đồng thuận. Việc phản biện ấy làm cho chúng ta tốt hơn, nên không có gì phải ngại khi đưa ra những quan điểm mới. Nếu cứ suôn sẻ, đưa ra cái gì ai cũng gật thì không có gì đổi mới cả", vị tư lệnh ngành nêu.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Vinh, trong 20 năm qua Việt Nam đã không ngừng thực hiện cải cách khu vực Nhà nước. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đang chi phối rất nhiều ngành - lĩnh vực dù vốn chỉ chiếm 1%, chẳng hạn như đóng góp 85% sản lượng điện, 90% dịch vụ viễn thông, 70% xuất khẩu gạo… Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa cũng bị đánh giá là "chưa thực chất" khi nhiều lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài của các tập đoàn lớn rất thấp. "Cổ phần hóa không tạo ra sự thay đổi, dù chúng ta mong muốn quá trình này giúp quản trị doanh nghiệp minh bạch hơn", ông nói.
Ông Tony Blair sinh năm 1953, là Thủ tướng Anh và là lãnh đạo của Đảng Lao động (Công đảng) từ năm 1997 đến năm 2007. Hết nhiệm kỳ, ông trở thành diễn giả công du khắp thế giới. Công ty tư vấn do ông thành lập - Tony Blair Associates cũng chuyên thực hiện các cuộc tư vấn về cải cách cho Chính phủ các nước. Chuyến thăm lần đầu tiên của ông Blair đến Việt Nam sau khi kết thúc nhiệm kỳ là vào năm 2012, từ đó đến nay, ông liên tiếp thực hiện các chuyến công du, gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Bộ ngành để bàn về cải cách. Trong hai ngày làm việc (3-4/3), ông Tony Blair đã có buổi gặp với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình để bàn về các giải pháp hỗ trợ phát triển các dự án giao thông đầu tư theo hình thức PPP, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, cải cách trong lĩnh vực ngân hàng... |