JICA: Metro Sài Gòn chậm vốn sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế / TP HCM quyết tâm kiến nghị vốn cho metro số 1 với Quốc hội
Bên hành lang Quốc hội sáng 24/10, trả lời VnExpress, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bộ cũng có trách nhiệm khi đã thiếu đôn đốc trong phê duyệt tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
- Thưa ông, vướng mắc lớn nhất khiến chậm giải ngân vốn cho tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM) là gì?
- Dự án metro số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên đang vướng mấy khía cạnh, hiện Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có báo cáo trình Chính phủ, Quốc Hội. Vấn đề lớn là Bộ Giao Thông vận tải, TP HCM phải xem lại phê duyệt điều chỉnh dự án. TP HCM đã phê duyệt rồi, nhưng ai là người có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh này? Thứ 2, cần phải chống nhất được cơ chế cấp phát và vay lại, trong đó Chính phủ cấp bao nhiêu, thành phố bao nhiêu trong số vốn 30.000 tỷ đồng tăng thêm.
Dự án lúc đầu có tổng vốn là 17.000 tỷ, nhưng sau điều chỉnh lên 47.000 tỷ đồng. Theo quy định thì dự án vượt trên 35.000 tỷ đồng sẽ phải báo cáo Quốc hội.
Khi các bên đã thống nhất được những vướng mắc mà tôi nêu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới có thể đưa dự án vào kế hoạch giải ngân vốn trung hạn và bố trí vốn giải ngân. Do đây là dự án trọng điểm, vì thế sẽ có cơ chế riêng, đặc thù.
- Vậy trách nhiệm sự chậm trễ này nằm ở đâu?
- Các bên gồm TP HCM, Bộ Giao thông vận tải và cả Bộ Kế hoạch & Đầu tư đều có phần trách nhiệm khi để dẫn tới chậm trễ này.
Về phía Bộ Kế hoạch, chúng tôi nhận trách nhiệm của mình khi đã thiếu đôn, báo cáo phê duyệt tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án. Bộ Kế hoạch đã rà soát lại các văn bản, quy định để đưa ra hướng giải quyết cho dự án thời gian tới. Chúng tôi sẽ trình và báo cáo lên Chính phủ hướng xử lý này.
- Có ý kiến cho rằng phải mất thêm 6 tháng nữa Quốc hội mới có thể đưa ra Nghị quyết về tăng vốn cho dự án?
- Tinh thần là rất khẩn trương, nhưng còn phụ thuộc vào phía các bộ, ngành liên quan. Thực tế, hiện đang có việc hiểu chưa đúng quan điểm chỉ đạo trước đây của lãnh đạo cấp có thẩm quyền đối với dự án này. Văn bản Chính phủ ký tước đây là đồng ý cho phép điều chỉnh dự án, chứ không phải phê duyệt điều chỉnh đó. Đó là 2 cách hiểu khác nhau. Còn khi làm phải theo quy trình thủ tục.
Do cách hiểu chưa đúng nên TP HCM nghĩ đã được phê duyệt tăng thêm vốn rồi. Bộ Giao thông thiếu trách nhiệm theo dõi, giám sát. Bộ Kế hoạch cũng có trách nhiệm thiếu đôn đốc, báo cáo. Trong báo cáo công trình trọng điểm hàng năm, Bộ Kế hoạch vẫn đưa dự án này vào báo cáo của mình, nhưng thực tế chưa ai phê duyệt.
Dự án này hiện chưa đưa vào trung hạn vì chưa được phê chuẩn, nên chưa thể có cơ chế thoả thuận cấp phát bao nhiêu, vay lại bao nhiêu. Nên Trung ương chưa biết bố trí vốn theo số nào, và ai là người có thẩm quyền.
- TP HCM đã tiếp xúc trực tiếp với Bộ Kế hoạch, tìm cách tháo gỡ dự án này như thế nào?
Chúng tôi có trao đổi 1-2 lần nhưng chưa bàn được cách tháo gỡ. Hiện Bộ đang chủ động đưa ra cách tháo gỡ cho dự án trọng điểm này. Tinh thần là làm nhanh hết cỡ và phải có giải pháp xử lý làm sao cho công trình hiệu quả, không ảnh hưởng tới tiến độ dự án và nhà tài trợ. Nhưng trước hết phải thống nhất lại cách hiểu, thống nhất quy trình: ai phê duyệt, xác định mức tăng có hợp lý hay không? Tăng 30.000 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ.
Ngay trong các kỳ họp này các bộ ngành sẽ ngồi lại, vì hiện nay cách hiểu khác nhau mà chưa ai "khâu lại". Bộ sẽ nhận vai trò quản lý đầu tư, quản lý ODA.
- Ông nghĩ thế nào về đánh giá của JICA rằng, họ không biết giải trình thế nào với nhân dân Nhật Bản nếu phía Việt Nam không giải ngân được, và rất khó để Chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam vay tiếp?
- Điều này rất đáng suy nghĩ. Với dự án này nếu càng chậm phê duyệt vốn thì hiệu quả dự án càng thấp, ảnh hưởng đến đối ngoại.
- Vậy ông cho biết nguyên nhân trong báo cáo kế hoạch đầu tư trung hạn của Bộ Kế hoạch & Đầu tư hiện vẫn chưa đề cập tới dự án metro số 1?
- Hiện dự án chưa được phê duyệt nên Bộ Kế hoạch chưa đưa vào báo cáo kế hoạch đầu tư trung hạn. Nhưng đây chỉ là thủ tục bổ sung, ngay khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chúng tôi sẽ đưa vào.
Về nguồn vốn thì đã có, phía Nhật đã chuyển, nhưng cân đối ngân sách, kế hoạch thì chúng ta phải xem xét, xử lý.
- Từ tồn tại của dự án metro số 1 cho thấy hiện vẫn còn độ vênh trong các quy định giữa lập kế hoạch, dự toán và giải ngân vốn vay. Quan điểm của ông thế nào?
- Nhiều dự án khi đặt kế hoạch thế này nhưng thực tế lại khác, và nhiều khi chúng ta cũng phụ thuộc vào nhà tài trợ, rồi vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng...
Tôi cho rằng sắp tới sẽ phải điều chỉnh, vì theo thực tế khi xây dựng kế hoạch đặt cao lên thì không có tiền làm, nhưng đặt cao quá thì không giải ngân hết. Giữa xây dựng kế hoạch và giải ngân thực tế chưa có sự chính xác lắm, bây giờ nắm sát kế hoạch để làm sao sát nhất.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM: “Tuyến Metro số 1 chậm được rót vốn sẽ ảnh hưởng tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ODA vào quốc gia, chứ không riêng TP HCM. Cần soát xét lại các điểm nghẽn để tháo gỡ. Tôi tin rằng Chính phủ đã tiếp nhận sự tắc nghẽn này. Hiện TP HCM đã tạm ứng gần 1000 tỷ cho dự án này. Trong tuần này tuyến đường này đã bắt đầu đặt thử những mét đường ray đầu tiên, đảm bảo lộ trình không bị tắc nghẽn. "Tôi mong là tại kỳ họp này Quốc hội sẽ có nghị quyết điều chỉnh vốn cho metro số 1 TP.HCM", ông Khuê nói. |
Theo Anh Minh (Vnexpress.net)