“Ông lớn” thoái vốn, mua sao nổi!

30/09/2016 14:46:00

Trong khi nhà đầu tư ngoại có cơ hội rất lớn từ việc các tập đoàn, tổng công ty như Vinamilk, Sabeco thoái vốn nhà nước thì doanh nghiệp trong nước lại đứng ngoài cuộc.

Trong khi nhà đầu tư ngoại có cơ hội rất lớn từ việc các tập đoàn, tổng công ty như Vinamilk, Sabeco thoái vốn nhà nước thì doanh nghiệp trong nước lại đứng ngoài cuộc.

Khó có cơ hội tiếp cận

Theo ông Johan Nyvene, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán HSC, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có cơ hội rất lớn từ việc các DNNN thoái vốn cổ phần do nhà nước sở hữu. Thế nhưng, ai sẽ là người mua và thị trường trong nước có hấp thụ được lượng vốn này? “Tôi vừa nói chuyện với một nhóm nhà đầu tư nước ngoài và họ cho rằng với quy mô nền kinh tế khoảng 200 tỉ USD của Việt Nam, sẽ có nhiều quỹ hưu trí, quỹ tự nguyện… sẵn sàng mua hết lượng cổ phần này. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy và đây là điều đáng tiếc” - ông Johan Nyvene chia sẻ.

“Ông lớn” thoái vốn, mua sao nổi! - 1
Dây chuyền sản xuất sữa bột của Vinamilk Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Johan Nyvene chứng minh cho điều mình nói “lấy làm tiếc” bằng cách đặt câu hỏi: “Bao nhiêu DN Việt Nam có đủ 1 tỉ USD để mua lại cổ phần của Vinamilk hoặc Sabeco được định giá khoảng 2 tỉ USD và sẽ bán ra một nửa cổ phần sở hữu tương đương khoảng 1 tỉ USD?”. Theo ông, cơ hội đầu tư vào những “ông lớn” này không nhỏ nhưng để tiếp cận được, tìm cơ hội mua lại cổ phần từ các DNNN thoái vốn đối với DN vừa và nhỏ trong nước không đơn giản.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, khi họ đổ vốn vào đầu tư thì không chỉ đơn giản là bỏ tiền vào mà quan trọng muốn biết DN đó hoạt động như thế nào, có khả năng đạt lợi nhuận như kỳ vọng không… Dưới góc nhìn của một quỹ đầu tư nước ngoài, ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital, cho rằng rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới thị trường vốn của Việt Nam, nhất là các thương vụ thoái vốn của DNNN. Nếu không tận dụng được “sự quan tâm” này sẽ rất lãng phí.

Có điều trong chuyện cổ phần hóa và thoái vốn của DNNN, ông Dominic Scriven cho rằng khi nhà nước có chủ trương thoái vốn tại những DN không cần thiết, nhà đầu tư nước ngoài cực kỳ quan tâm. Song câu chuyện này đã nói từ hơn chục năm nay và giờ nhắc đến cổ phần hóa là họ không muốn nghe nữa vì… chờ hoài! Do đó, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh tiến trình này.

Đừng quá lệ thuộc ngân hàng

Tại diễn đàn, khá nhiều ý kiến đề cập đến chuyện DN vẫn khó vì vốn và đang trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước để có thể tiếp cận vốn một cách bài bản. Theo giám đốc một DN hoạt động ở lĩnh vực khí hóa lỏng, nền kinh tế không thiếu vốn nhưng lại không đến được những DN sản xuất thật sự cần mà đang chảy vào bất động sản, trái phiếu Chính phủ…

“Các ngân hàng luôn đòi phải có tài sản thế chấp và dù có nhiều quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng DN cũng không vay được. Làm sao để nhà nước có chính sách thay đổi để giúp vốn vào đúng chỗ DN cần” - vị giám đốc DN này than phiền.

Đối với vốn cho DN khởi nghiệp, như Singapore có chính sách hỗ trợ thuế, liệu Việt Nam có chính sách nào để khuyến khích? Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói rõ nhà nước và xã hội không có trách nhiệm lo vốn cho DN. Còn lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng liên tục giảm, đồng nghĩa vốn đang nằm trong hệ thống ngân hàng. “Lãi suất gần đây chỉ dao động từ 6-9%/năm nhưng DN không vay được thì phải xem lại mình. Ngay việc kinh doanh dựa quá nhiều vào vốn ngân hàng cũng chưa hẳn là quyết định đúng đắn. Có thể tìm vốn bằng cách niêm yết trên sàn chứng khoán, phát hành trái phiếu… chứ không nhất thiết nhà nước làm thay DN việc này” - ông Khánh lập luận.

Ở góc độ ngân hàng, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải thẳng thắn: “Đối với DN tốt thì các ngân hàng sẵn sàng chào mời, thậm chí cho vay với mức lãi suất thấp hơn bảng niêm yết. Cái khó là một số DN nhỏ và vừa báo cáo tài chính chưa minh bạch, báo cáo kiểm toán chưa chính xác và kế hoạch kinh doanh cũng không đem lại sự tin tưởng để ngân hàng sẵn sàng giải ngân. Do đó, nếu các DN không tính chuyện kinh doanh bài bản, minh bạch thì rất khó đòi hỏi ngân hàng hỗ trợ”.

Cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh

Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy sự sáng tạo, khởi nghiệp cũng như cởi trói, giảm bớt phiền hà và tạo thuận lợi cho DN phát triển. Còn theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư U&I, nếu đến cuối năm nay, Việt Nam cải thiện được chỉ số về môi trường kinh doanh so với năm ngoái như báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì mới phản ánh được hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước.


Theo Thái Phương (Nld.com.vn)

Nổi bật