Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa chính thức thông báo bán hơn 96,23 triệu cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), tương đương 21,79% vốn cổ phần.
Phiên chào bán cạnh tranh được tổ chức trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hôm 8/12 với giá khởi điểm 25.600 đồng/cp. Nếu bán thành công, SCIC sẽ thu về khoảng 2,5 ngàn tỷ đồng và còn nắm giữ 36% phần vốn tại Vinaconex.
Cổ phiếu VCG đã tăng mạnh gần 100% trong vòng 6 tháng qua và hiện có giá ở mức 28 ngàn đồng/cp.
Vinaconex là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của ngành xây dựng và có cổ phiếu niêm yết trên HNX từ năm 2008. Doanh nghiệp này đang quản lý một quỹ đất khổng lồ lên tới 3,2 triệu m2, trong đó đất được giao là 132 nghìn m2 và hơn 3 triệu m2 đất thuê.
Năm 2016, VCG đạt doanh thu thuần hơn 8,5 ngàn tỷ đồng, tăng 6%. Lợi nhuận đạt gần 690 tỷ đồng, tăng 31%. Cổ tức 8%. Trong 9 tháng đàu năm 2017, VCG đạt doanh thu hơn 6,6 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 623 tỷ đồng.
Vụ thoái vốn nhà nước lần này tại Vinaconex không thực sự lớn, nếu so với các thương vụ khủng trước đây như Vinamilk bán 3,3% vốn thu về 9 ngàn tỷ đồng… Tuy nhiên, đây được xem là một thương vụ rất quan trọng và là một phép thử với thị trường chứng khoán (TTCK).
TTCK Việt Nam đã trải qua một năm 2017 cực kỳ sôi động với 1 tháng 11 tháng vọt, liên tục lập đỉnh cao mới. Hai phiên đầu tháng 12, VN-Index tiếp tục chinh phục đỉnh cao thập kỷ với một cú vọt lên trên 970 điểm.
Tuy nhiên, trong 3 phiên vừa qua, TTCK đã quay đầu giảm mạnh, trong đó có 2 phiên giảm trên 10 điểm. VN-Index hiện ở mức 947 điểm.
Sau đợt thoái vốn thành công rực rỡ của cổ phiếu Vinamilk, Vinaconex là cổ phiếu tiếp theo bán vốn nhà nước. Trước đó, thương vụ IPO gần 10 ngàn tỷ của Becamex đã không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư khiến thị trường lo lắng.
Phiên đấu giá của Vinaconex nếu thành công sẽ tạo hiệu ứng tốt cho không chỉ SCIC mà còn cả TTCK.
Một điểm khiến nhiều người lo ngại là thương vụ Vinaconex có nhiều điểm không thuận bằng Vinamilk. Đó là các NĐT chỉ được đặt cọc bằng nội tệ. Trong phiên đấu giá Vinamilk, khối ngoại được đặc cách đặt cọc bằng ngoại tệ và một NĐT ngoại đã mua trọn cả lô 9 ngàn tỷ đồng.
Khối ngoại hiện là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự đi lên của TTCK. Trong 11 tháng, khối ngoại đã mua rong 1 tỷ USD.
Trong phiên giao dịch 6/12, TTCK đã bớt sốc và chỉ còn giảm 5 điểm nhờ lực cầu bắt đáy tăng vọt. Thanh khoản tăng mạnh cũng là một tín hiệu tốt. Một số cổ phiếu lớn đã ổn định trở lại như Vingroup (VIC). Một số cổ phiếu khác khởi sắc như: GAS, HPG, DHG, BVH…
Về tổng thể, quy mô và thanh khoản trên TTCK tiếp tục cải thiện. Dòng vốn nội và ngoại vẫn đổ vào thị trường cho dù VN-Index đã ở mức cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn đang nằm trong xu hướng tăng điểm trong những năm trước khi được nâng hạng giống như nhiều TTCK khác.
Theo CTCK BSC, sự tham gia của các NĐT nước ngoài mới với quy mô lớn được thực hiện trong thời gian ngắn đang báo hiệu trước về sự cạnh tranh đón đầu tư của các quỹ và thể chế đầu tư lớn trước cơ hội thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vốn. Quy mô thị trường lớn sẽ còn thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại tham gia và sẽ còn tạo ra những bất ngờ cho thị trường về cả điểm số và quy mô thị trường.
Ngoài ra, trong năm nay và năm sau có thêm nhiều doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô lên sàn. Việc có nhiều doanh nghiệp “chất” cùng với hoàn thiện về mặt chính sách sẽ là nền tảng thu hút dòng vốn nước ngoài đổ mạnh vào thị trường.
Gần đây, nhiều quỹ đầu tư ngoại thắng lớn nhưng chưa có ý định rút ra khỏi Việt Nam.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/12, VN-index giảm 5,66 điểm xuống 947,64 điểm; HNX-Index tăng 0,14 điểm xuống 113,37 điểm. Upcom-Index giảm 0,23 điểm xuống 53,97 điểm. Thanh khoản đạt gần 320 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 7,3 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
Theo H. Tú (VietNamNet)