Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa ra quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành của chủ tịch Mai Hữu Tín trong bối cảnh doanh nghiệp này trở lại tình trạng lỗ trong quý II/2022 sau 4 quý lãi liên tiếp và lợi nhuận chưa phân phối âm hơn 3.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu TTF giảm phiên thứ 8 liên tiếp sau khi doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính bán niên 2022 sau soát xét giảm hơn 40% so với báo cáo tự lập, xuống còn 4,5 tỷ đồng và mới hoàn thành 6% mục tiêu lợi nhuận năm.
Như vậy, Gỗ Trường Thành tiếp tục bị duy trì diện cảnh báo.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên TTF không bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục sau khi liên tiếp ở trong tình trạng này kể từ 2018 sau cú sốc TTF bị đơn vị kiểm toán Ernst & Young từ chối đưa ra kết luận về báo cáo kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ của công ty do không thể xác định chính xác doanh số bán hàng và giá trị hàng tồn kho bị "bốc hơi" gần 1.000 tỷ đồng sau kiểm kê hồi năm 2016.
Tại báo cáo tài chính bán niên sau soát xét, đơn vị kiểm toán đưa ra kết luận không thấy vấn đề gì cho thấy báo cáo không phải ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu… Kiểm toán cũng không đưa ra bất cứ ý kiến ngoại trừ hay nhấn mạnh nào.
Hồi tháng 6/2022, Gỗ Trường Thành đã kết thúc câu chuyện cũ với việc thu tiền về từ giao dịch bồi thường của cựu chủ tịch Võ Trường Thành. Trong năm 2020, gia đình ông Võ Trường Thành đã chuyển giao 12,6 triệu cổ phiếu TTF cho TTF để bồi thường thiệt hại gây ra, qua đó mang lại dòng tiền cho tập đoàn.
Sau nhiều năm giải quyết những sai phạm dưới thời cựu chủ tịch Võ Trường Thành, Gỗ Trường Thành dưới thời ông Mai Hữu Tín đã có nhiều tín hiệu tích cực. Theo ông Tín, TTF đã qua điểm hòa vốn và bước vào giai đoạn tăng trưởng.
Hồi cuối 2021, TTF công bố đã thanh toán xong nợ đối với Ngân hàng TMCP Đông Á vào ngày 20/12/2021 nhờ nguồn tiền từ hoạt động tăng vốn. Đây cũng là khoản nợ cuối cùng của TTF với các ngân hàng.
TTF từng là doanh nghiệp gỗ đầu ngành và đã suy sụp dưới thời cha con ông Võ Trường Thành hồi những năm giữa thập kỷ trước. Doanh nghiệp nợ nần chồng chất và giá cổ phiếu TTF sau đó có lúc xuống dưới 2.000 đồng/cp.
Vào đầu 2022, ông lớn hàng đầu trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất một thời cũng đã có thêm bước tiến mới sau tái cấu trúc. Dưới thời của ông chủ mới Mai Hữu Tín, Gỗ Trường Thành có những bước đi táo bạo, thâm nhập thị trường nước ngoài.
TTF đã nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp tại dự án Natuzzi Singapore PTE.LTD dưới hình thức mua cổ phần (20%) với tổng số tiền gần 5,4 triệu USD.
Theo giấy phép, mục tiêu chính của Gỗ Trường Thành nhằm kinh doanh sản phẩm nội thất mang thương hiệu lớn thế giới, mở rộng sự hiện diện của sản phẩm nội thất sản xuất tại Việt Nam mang các thương hiệu của khu vực như châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Mai Hữu Tín có tham vọng khá lớn, đặt kế hoạch 10 năm tới đây là thập kỷ nhảy vọt, đưa Gỗ Trường Thành trở thành doanh nghiệp gỗ hàng đầu ASEAN cả về công nghệ, sản lượng, doanh thu, nhất là thị trường đồ gỗ nội thất. Doanh nhân này từng chia sẻ cho biết ông đặt cược rất lớn vào TTF với mục tiêu có thể thấp nhất 1 tỷ USD cho cuộc chơi này.
Thị trường ảm đạm, áp lực bán lớn
Theo MBS, thị trường giảm mạnh nhất 2 tháng qua và thanh khoản tăng đột biến trong phiên 7/9 là biểu hiện của áp lực bán gia tăng hoặc bán cắt lỗ sau chuỗi đi ngang kéo dài 3 tuần vừa qua.
Mặc dù chỉ số chung mới giảm mạnh trong một phiên nhưng cũng đủ để xóa sạch thành quả 3 tuần trước đó. Nhịp giảm của thị trường diễn ra sau khi chứng khoán thế giới giảm mạnh vào tuần trước, sự kỳ vọng của nhà đầu tư về câu chuyện room tín dụng cũng không có nhiều tác động đến nhóm cổ phiếu ngân hàng trong các phiên gần đây.
Về kỹ thuật, VN-Index giảm với cường độ mạnh kèm theo thanh khoản lớn là tín hiệu cần thận trọng, đặc biệt nhịp giảm diễn ra sau chuỗi đi ngang 3 tuần liền. Với phiên giảm này, VN-Index đã đánh mất ngưỡng MA100 và có thể test lại ngưỡng MA50 trong các phiên tiếp tới.
Theo VDSC, với quán tính giảm điểm vẫn đang hiện hữu, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục chịu sức ép trong đầu phiên giao dịch kế tiếp. Dự kiến, VN-Index sẽ được hỗ trợ và hồi phục kỹ thuật từ vùng quanh 1.230 điểm. Tuy nhiên, cần chú ý vùng cản quanh 1.260 điểm nếu nhịp hồi phục kỹ thuật diễn ra.
Chốt phiên giao dịch 7/9, chỉ số VN-Index giảm 34,23 điểm xuống 1.243,17 điểm. HNX-Index giảm 9,22 điểm xuống 284,05 điểm. Upcom-Index giảm 1,26 điểm xuống 90,38 điểm. Thanh khoản đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 20,3 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
Theo M. Hà (VietNamNet)