Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý với mức tăng trưởng 7,46% trong quý 3, thời gian tới không được chủ quan vì quý tới vẫn cần tăng tới 7,31%, trong khi quý vừa qua có một số yếu tố đột biến như điện tử tăng đến 45% nhờ cho ra sản phẩm mới, công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh.
Theo Chủ tịch QH, với tình hình hiện nay không phân biệt DN FDI với DN tư nhân trong nước, tất cả đều là thành phần của nền kinh tế. Nhưng cần phân tích đánh giá để biết được nội tại nền kinh tế của ta đang khỏe chỗ nào, yếu chỗ nào.
Bên cạnh những điểm sáng, Chủ tịch QH cũng chỉ rõ nhiều điểm hạn chế như phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế.
Công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ấn tượng nhưng chủ yếu nhờ vào FDI. Điều này khiến nền kinh tế khó phát triển bền vững. Chúng ta phải đa dạng hoá chứ đừng phụ thuộc vào một vài DN, một vài sản phẩm cụ thể.
“Tôi nhớ ngày xưa tại Hải Dương, nguồn thu lớn nhất của tỉnh này trông vào DN ô tô FORD nên khi ông này “hắt hơi sổ mũi” cái là ngân sách tỉnh có vấn đề luôn”, Chủ tịch QH dẫn chứng.
Hay Samsung S7 năm trước bị lỗi một chút lập tức ảnh hưởng ngay đến chỉ tiêu xuất khẩu của chúng ta và nguồn thu ngân sách của tỉnh Bắc Ninh nói riêng, cả nước nói chung.
Nói về thu ngân sách, Chủ tịch QH cho rằng vẫn khó khăn, trong đó thu nội địa, các khoản thu từ sản xuất kinh doanh đều đạt thấp, chứng tỏ hoạt động của các DN vẫn khó khăn. Tổng số nợ thuế còn rất lớn, lên tới trên 74.000 tỷ đồng.
“Có lúc Chính phủ từng đề xuất xóa bỏ nợ thuế của các DN đã ‘chết” lâu rồi hoặc đang “trùm chăn, trùm màn”, đang “ốm nặng”, rất khó khăn nhưng QH không đồng ý. Với số nợ đọng còn đang treo tới trên 74.000 tỷ đồng này, đề nghị Chính phủ cần phải rà soát lại, xem khoản nào là nợ xấu hoàn toàn thì xin chủ trương của QH”, bà lưu ý.
Cứu cánh từ dầu thô không còn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết theo phân tích của các tổ chức nghiên cứu độc lập, động lực tăng trưởng trong quý 3 dựa vào công nghiệp tăng, quan trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rất mạnh.
Riêng công nghiệp chế biến chế tạo năm ngoái sự cố Glaxy Note 7 thì Samsung mất 1 tỷ đô. Việc này ảnh hưởng đến cả quý 1 và 2 năm 2017 chuyển sang sản xuất Note 8 và quý 3 Samsung bán rất chạy nên điện tử linh kiện trong 9 tháng tăng hơn 41%, trong đó Samsung tăng 45%.
Vùng công nghiệp trọng điểm này tăng tốt, tỷ lệ nội địa của Samsung hiện nay là 57% (trước đây là 20,1%) bao gồm DN Việt Nam tham gia và các DN nội địa Hàn Quốc sang sản xuất ở Việt Nam.
“Nếu tình hình tiếp tục diễn ra như vậy, thì công nghiệp chế tạo dự kiến đạt tăng 13,5%, cao nhất từ năm 2010 trở lại đây, không chỉ bù đắp cho công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực để tăng trưởng. Hơn nữa lệch pha giữa FDI và xuât khẩu đã rút ngắn lại.
Cùng với đó dịch vụ năm 2017 bứt phá, tăng trưởng đồng điều ở các tỉnh. Trong đó bán buôn bán lẻ tăng cao nhất, du lịch quốc tế tăng mỗi tháng thêm 1 triệu khách du lịch, bình quân mấy tháng gần đây tăng 30% và còn tăng mạnh hơn từ nay tới cuối năm khi có tết tây, tết ta, Noel, đặc biệt là APEC thì khách quốc tế vào nước ta nhiều hơn, 13 triệu khách là chắc chắn đạt được.
“Hiệu ứng lan toả từ du lịch tới dịch vụ làm dịch vụ tác động vào tăng trưởng GDP từ 7,5%. Riêng du lịch, dịch vụ đống góp 3,2% điểm tăng trưởng GDP trong 6,7%, cao hơn xây dựng và hoàn toàn bù đắp được sụt giảm dầu khí, nên cứu cánh từ dầu thô không còn. Tăng 1 triệu tấn dầu thô như trước cũng khó, thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn, vì vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp”, Phó Thủ tướng phân tích.
3,5 năm mới xong thủ tục đầu tư
Dù bày tỏ tin tưởng vào mức tăng trưởng GDP đạt 6,7% của cả năm là khả thi nhưng ĐB Đoàn Hồng Phong, Nam Định lại băn khoăn: “Chính phủ đã dám nhìn thẳng vào sự thật khi nợ công còn cao, xử lý nợ xấu còn khó khăn, cổ phần hoá chậm, xử lý DN yếu kém còn chậm…”.
Ông nêu lại hàng loạt vướng mắc ở địa phương liên quan đến cơ chế chính sách, thủ tục hành chính còn rườm rà. Trong đó có 2 luật liên quan trực tiếp viêc kìm hãm phát triển, khai thác nguồn lực đó là luật Đất đai và luật Đầu tư công.
Đi vào câu chuyện cụ thể của luật Đầu tư công, ĐB Phong kể:
“Trước làm thủ tục 1 vòng nhưng giờ luật mới phải làm 2 vòng. Một dự án lớn tầm cỡ Thủ tướng phê duyệt mà qua 2 vòng như ở Nam Định tính từ khi được phê duyệt đến khi xong thủ tục đúng 3,5 năm mới được thi công” và đề nghị nên sớm chỉnh sửa luật để gỡ vướng cho địa phương.
Theo Thu Hằng - Thúy Hạnh - Hồng Nhì (VietNamNet)