Ngày 19/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Lê Duy Minh, nguyên Cục trưởng Cục thuế TP. Hồ Chí Minh (nay là Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM) để điều tra về tội Nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Ông Lê Duy Minh, sinh năm 1972, trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh. Tháng 11/2022, ông Lê Duy Minh được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh.
Ông Lê Duy Minh là cán bộ trưởng thành tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, được bổ nhiệm giữ chức cục trưởng Cục Thuế từ tháng 1/2020.
Theo tìm hiểu của PV.VietNamNet, ngày 10/1/2020, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil từ Chi cục Thuế Quận 3 về Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh để quản lý.
Căn cứ Sổ theo dõi tình hình nợ thuế, đến kỳ tháng 1/2020, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil chỉ nợ ngân sách nhà nước hơn 89,57 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.
Thế nhưng, 3 năm sau, số thuế của công ty này tăng lên nhanh chóng, gấp gần 20 lần. Sổ theo dõi tình hình nợ thuế đến kỳ tháng 8/2023 ghi nhận Xuyên Việt Oil còn nợ ngân sách nhà nước trên 1.528 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỷ đồng. Số thuế còn nợ này phát sinh trên tờ khai tháng, từ kỳ tháng 10/2021 đến kỳ tháng 7/2022.
Theo công bố mới nhất của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil đứng đầu danh sách nợ thuế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, với số tiền hơn 1.528 tỷ đồng.
Ngày 13/9/2023, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh gửi Tổng cục Thuế báo cáo tình hình nợ thuế của Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil.
Sau đó, ngày 10/10/2023, Tổng cục Thuế có văn bản gửi Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh chỉ ra những vấn đề liên quan đến công tác quản lý thuế với Xuyên Việt Oil.
Tổng cục Thuế đã viện dẫn khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế để chỉ ra những dấu hiệu bất thường trong quản lý thuế với Xuyên Việt Oil.
Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Ngừng sử dụng hóa đơn; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;
Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Căn cứ quy định trên, Tổng cục Thuế chỉ ra rằng: Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế: Trích tiền từ tài khoản, Dừng làm thủ tục hải quan, Ngừng sử dụng hóa đơn, Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế: Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ.
Đồng thời, năm 2020 đến tháng 7/2022, Xuyên Việt Oil còn khả năng nộp thuế nhưng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh chưa quyết liệt yêu cầu công ty thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (số tiền thuế bảo vệ môi trường còn nợ đến kỳ tháng 8/2023 là số thuế phát sinh trên tờ khai tháng, từ kỳ tháng 10/2021 đến kỳ tháng 7/2022) mà chỉ áp dụng các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế sau khi Công ty phát sinh số tiền thuế nợ lớn.
Do đó, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế đối với công ty theo quy định tại Điều 125 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Từ năm 2020 đến tháng 7/2022, ông Lê Duy Minh vẫn giữ chức vụ Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)