"Là nhà đầu tư quốc tế, tôi đầu tư ở nước ngoài là bình thường"
Chiều nay, trả lời chúng tôi về việc có liên quan đến hồ sơ Panama, ông Hạnh Nguyễn cho biết đây là điều bình thường, và cũng giải thích rõ vì sao thông tin về ông lại không nằm trong danh sách 189 người Việt.
"Trước tiên, tôi xin khẳng định lại rằng, trong 189 người Việt có tên trong danh sách 'Hồ sơ Panama' hoàn toàn không có tên tôi. Tôi chỉ có tên trong danh sách của các công ty đa quốc gia, bởi tôi là doanh nhân Việt kiều Philippines", ông Hạnh Nguyễn nói.
Về chuyện đầu tư, vị này cho biết ông có cổ phần tại 2 công ty trong danh sách. Cụ thể, ngày 6/3/2008, Công ty Imex Asia Pacific International Limited (IAP) được thành lập và doanh nghiệp ông mua lại cổ phần để trở thành cổ đông của IAP.
Tuy nhiên, công ty chỉ tồn tại 6 tháng vì làm ăn không hiệu quả, và đóng cửa hoàn toàn vào tháng 9/2008, doanh nghiệp cũng đã trả lại cổ phần. Công ty thứ 2 là Imex Pan Pacific Group Inc doanh nghiệp cũng mua cổ phần chứ không hoàn toàn sở hữu. Và sau 3 năm tham gia, từ tháng 9/2007, doanh nghiệp cũng không còn là cổ đông nữa.
"Việc tôi mua cổ phần của các công ty này là hoạt động bình thường, vì bản thân tôi là nhà đầu tư quốc tế. Vấn đề này ở các nước trên thế giới là hoàn toàn hợp lệ", doanh nhân Việt kiều Philippines nói thêm.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific- IPP) được giới truyền thông gọi với danh xưng "Vua hàng hiệu" tại Việt Nam. Ông hiện nắm giữ danh mục 38 thương hiệu thời trang hàng đầu, phân phối rượu cho tới nhượng quyền thương mại cà phê, thức ăn nhanh...
Tên ông Johnathan Hanh Nguyen có trong hồ sơ Panam nhưng không có trong danh sách các cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong hồ sơ này. Nguồn: ICIJ |
Truy cứu kho dữ liệu từ Offshoreleaks.icij.org, Việt Nam có khoảng 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian trong danh sách "Tài liệu Panama”. Việc xuất hiện tên trong "Hồ sơ Panama" hay việc có công ty offshore không đồng nghĩa với việc phạm pháp. Nhiều công ty và cá nhân có hoạt động thương mại ở nước ngoài có lập các công ty, tài khoản offshore này để thuận lợi cho việc giao dịch.
Nhiều người bị trùng tên
Ngoài những doanh nhân đã chính thức lên tiếng lý giải lý do xuất hiện trong hồ sơ Panama như Zing.vn đã đưa tin, thì còn nhiều cái tên nổi bật trong giới kinh doanh.
Một trong những doanh nhân có trong danh sách này là ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch IIG Vietnam. Đây là tổ chức cung cấp các giải pháp giáo dục từ dạy tới năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học… trong nhà trường và doanh nghiệp, các công cụ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Xem lại danh sách 189 cá nhân, tổ chức ở Việt Nam được công bố trong hồ sơ Panama thì phần lớn là các cá nhân thuộc các doanh nghiệp FDI. Trong đó những doanh nghiệp lớn có thể liệt kê như V-Trac, Opeco Vietnam, SGL Vietnam…
Trong đó, V-Trac là tập đoàn sở hữu 100% vốn nước ngoài. Đây là doanh nghiệp đưa nhiều thương hiệu lớn thế giới trong lĩnh vực máy xây dựng, máy phát điện, vận tải biển và dịch vụ tài chính vào Việt Nam và đang đứng đầu mảng dịch vụ dầu khí.
Còn Opeco Vietnam mới vào Việt Nam năm 2011, chuyên hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và các loại quặng khác. SGL Vietnam hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Các doanh nhân nước ngoài khá nổi tiếng như ông Preben Hjortlund hay ông Peter Ryder cũng có tên trong danh sách này.
Tuy nhiên, ICIJ cũng khuyến cáo, rằng có nhiều người và tổ chức có tên tương tự hoặc trùng nhau. Cụ thể, hồ sơ Panama công bố danh tính bằng ký tự không dấu, nên nhiều doanh nhân phản hồi rằng việc họ bị xác nhận nhầm vì trùng tên.
Người đầu tiên lên tiếng về sự việc trùng tên trong danh sách này là doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Eurowindow.
Theo vị này, tên có trong doanh sách là bị trùng, vì khi xác nhận lại thông tin trên trang chủ của ICIJ Nguyen Canh Son được công bố không phải là ông. Sau khi xác minh lại nhân vật Nguyễn Cảnh Sơn có tên trong hồ sơ Panama là Phó tổng Giám đốc của Sovico Corporation, đồng thời ông Sơn cũng là Tổng giám đốc Công ty CP Ariyana - Chủ đầu tư Dự án Furama Villas ở Đà Nẵng.
Về lý do ông Sơn được nhắc đến trong hồ sơ Panama, đại diện Sovico cho biết, các lãnh đạo của Sovico như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng, ông Nguyễn Cảnh Sơn có tên trong danh sách, bởi Sovico đã mua lại Furama Resort.
Sự cố trùng tên cũng xuất hiện đối với có nhân vật tên Đỗ Tuấn Anh, được cho là ông Đỗ Tuấn Anh, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Tuy vậy, đại diện từ phía ngân hàng này cho biết, đây là sự cố trùng tên gây ra nhiều thông tin hiểu nhầm. Ngân hàng cũng đang có kế hoạch công bố thông tin làm rõ sự hiểu nhầm này.
Theo Bình Nguyên - Hà Linh (Zing.vn)