Một đám cưới tại tỉnh Ninh Bình vừa thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi tổ chức hoành tráng tại tòa lâu đài Thành Thắng. Chú rể là con trai của ông Đỗ Văn Tiến, ông chủ của Thành Thắng Group nổi tiếng địa phương.
Thành Thắng được thành lập từ năm 2005, ban đầu chỉ có một công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến vật liệu xây dựng.
Cuối năm 2013, công ty nhận bàn giao nhà máy xi măng Thanh Liêm từ Cục thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam, qua đó phát triển thêm lĩnh vực sản xuất xi măng. Hiện nay, hoạt động kinh doanh của Thành Thắng còn mở rộng sang vận tải, cầu cảng và xây dựng…
Thành Thắng hiện đã đầu tư 3 dây chuyền sản xuất xi măng, mới nhất là dây chuyền số 3, công suất 2,3 triệu tấn xi măng mỗi năm, dự kiến vận hành sau năm 2021. Dây chuyền số 2 đầu tư gần 5.000 tỷ đồng đã hoạt động từ năm 2017.
Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 2 dây chuyền nhà máy xi măng Thành Thắng (số 4 và số 5), mỗi dây chuyền công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm vào quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030, thời gian đi vào vận hành dây chuyền số 4 sau năm 2021 và dây chuyền số 5 sau năm 2025.
Công ty Xi măng Thành Thắng thuộc Thành Thắng Group tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2017, sau khi dây chuyền số 2 đi vào hoạt động. Năm 2019, doanh nghiệp này thu về hơn 3.200 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 46%; biên lãi gộp được cải thiện từ 20% lên 27%.
Việc đầu tư mới khiến Xi măng Thành Thắng lỗ 60 tỷ đồng năm 2017, lỗ nặng 261 tỷ đồng năm 2018, nhưng năm 2019 đã có lãi 5 tỷ đồng.
Theo dữ liệu của chúng tôi, Thành Thắng Group nằm trong số các công ty có doanh thu cao nhất ngành xi măng Việt Nam. Tại khu vực Hà Nam - Ninh Bình, Thành Thắng Group xếp sau xi măng Xuân Thành doanh thu gần 8.000 tỷ đồng và Vissai Ninh Bình khoảng 5.200 tỷ đồng. Cả Xuân Thành và Vissai đều đạt được mức lợi nhuận đáng kể.
Còn tại đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng, CTCP Đầu tư Thành Thắng Group mỗi năm thu về 1.300 – 1.500 tỷ đồng doanh thu, nhưng lợi nhuận chỉ mang tính tượng trưng.
Trên thực tế, Công ty Xi măng Thành Thắng Group được sở hữu phần lớn bởi Công ty Đầu tư Thành Thắng Group. Theo quan sát, hai công ty của ông Đỗ Văn Tiến có động thái tăng vốn mạnh mẽ trong hai năm gần đây.
Cụ thể, từ tháng 5/2019, vốn điều lệ của Xi măng Thành Thắng Group đã tăng từ 1.880 tỷ đồng lên 3.960 tỷ đồng vào tháng 9/2020. Trong khi đó, tại Đầu tư Thành Thắng Group tăng từ 1.680 tỷ đồng cuối năm 2018 lên 2.913 tỷ đồng vào tháng 9/2020.
Tổng vốn điều lệ của hai công ty này hiện lên tới gần 7.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản trên sổ sách của Xi măng Thành Thắng Group ghi nhận gần 11.400 tỷ đồng, tại Đầu tư Thành Thắng Group là gần 4.300 tỷ đồng.
Thành Thắng Group và ông chủ Đỗ Văn Tiến bắt đầu được chú ý với việc sở hữu tòa lâu đài nghìn tỷ đồng tại tỉnh Ninh Bình với trần dát vàng và phòng nghe nhạc sức chứa 300 khán giả. Khuôn viên công trình rộng 10.000 m2, mặt sàn của tòa lâu đài chính 6 tầng khoảng 2.000 m2...
"Công trình này được xây dựng để thỏa đam mê về kiến trúc của tôi, chứ không phải phô trương gì. Đây cũng là nơi để gia đình có một cuộc sống thoải mái, luôn rộng mở tâm trí để có thể làm việc hiệu quả", ông Tiến từng chia sẻ.
Theo Đông A (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)