Ông chủ Hàn Quốc chi 32 triệu USD thâu tóm xúc xích Đức Việt

10/08/2016 09:00:00

Sức hấp dẫn từ thị trường xúc xích Việt Nam đang kích thích các tên tuổi ngoại thâm nhập sâu hơn thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Sức hấp dẫn từ thị trường xúc xích Việt Nam đang kích thích các tên tuổi ngoại thâm nhập sâu hơn thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Thương vụ 32 triệu USD

Thông tin Daesang Corp. của Hàn Quốc, chủ sở hữu thương hiệu Miwon, sẽ chi 32 triệu USD (khoảng 770 tỷ đồng) mua lại 99,99% cổ phần Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt (Đức Việt) khiến thị trường thực phẩm, tiêu dùng Việt Nam dậy sóng. Việc thâu tóm Đức Việt sẽ giúp Daesang Corp. củng cố thị phần trong lĩnh vực chế biến thịt, xúc xích đầy tiềm năng ở Việt Nam.

Đức Việt được thành lập vào năm 2000, do ông Mai Huy Tân gây dựng. Đây là doanh nghiệp liên doanh đầu tiên với đối tác của Đức trong lĩnh vực sản xuất xúc xích tươi và thực phẩm chế biến sẵn tại Việt Nam.

Ong chu Han Quoc chi 32 trieu USD thau tom xuc xich Duc Viet hinh anh 1

Thế mạnh của Đức Việt nằm ở phân khúc của dòng sản phẩm chủ lực là xúc xích tươi.  

Công ty có vốn điều lệ 130 tỷ đồng. Ông Tân vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 28,62%.

Hiện, theo nghiên cứu của Vietnam Report công bố hồi đầu năm nay, Công ty đang nằm trong top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhất và triển vọng xuất sắc nhất Việt Nam.

Trong khi đó, Daesang Corp. bắt đầu hoạt động vào năm 1956, chuyên về sản xuất thực phẩm và gia vị, gồm tương đậu nành, sốt đậu nành, súp và mì Trung Quốc.

Tập đoàn này tiến vào thị trường thực phẩm Việt Nam trong những năm 1990, đã sở hữu 3 nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Cho tới thời điểm này, thông tin chi tiết về thương vụ 32 triệu USD giữa hai tên tuổi trên vẫn chưa được tiết lộ. Phía Đức Việt mới chỉ thừa nhận, họ đang trong quá trình đàm phán và chưa có quyết định cuối cùng.

Tại sao chọn Đức Việt?

Giới phân tích cho rằng, nếu Daesang Corp. thâu tóm được Đức Việt thì đây sẽ là bước đi khôn ngoan nhất của Daesang trong kế hoạch đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực chế biến thịt tại Việt Nam.

Cũng không có tên tuổi nào phù hợp hơn Đức Việt trong mục tiêu thâm tóm này. Bởi trên thị trường hiện nay, Đức Việt đang là một trong 3 tên tuổi tạo thành thế kiềng 3 chân, cùng với C.P (Thái Lan) và Vissan.

Trong đó, Vissan là tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực chế biến thịt, xúc xích tại Việt Nam, đã thuộc về cổ đông chiến lược là Masan Group sau thương vụ IPO nhiều sóng gió hồi đầu năm 2016. Khi đó, đại gia CJ (Hàn Quốc) cũng đã lao vào cuộc đua thâu tóm Vissan, nhưng không thành công. Hiện, Masan nắm giữ gần 25% cổ phần Vissan với tổng giá trị đầu tư 2.130 tỷ đồng. Trước đó, Masan Food - công ty con của Masan Consumer (thuộc Masan Group) - đã mua lại 100% vốn điều lệ của Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Sài Gòn (Saigon Nutri Food), chuyên về sản xuất xúc xích tiệt trùng và đồ hộp.

Còn C.P (Thái Lan) đã có hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Đây là ngoại binh đang cùng với Vissan và Đức Việt chia nhau những miếng bánh lớn nhất của thị trường này. Điểm mạnh của C.P là hoàn toàn chủ động ở khâu nguyên liệu đầu vào. Các sản phẩm của C.P được sản xuất theo quy trình khép kín cùng tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng.

Rõ ràng, chỉ có Đức Việt có thể nằm trong tầm ngắm của Daesang Corp. Người tiêu dùng phía Bắc từ lâu đã chuộng xúc xích Đức Việt vì mang “hồn” ẩm thực Đức.

Năm 2000, những mẻ xúc xích nướng (Bratwurst) – một loại xúc xích nổi tiếng của vùng Thuringen của miền Trung nước Đức - đầu tiên của Đức Việt xuất xưởng, trở thành sản phẩm gợi nhớ kỷ niệm của những người đã từng học tập, lao động tại nước Đức. Từ nhóm người tiêu dùng đặc biệt này, xúc xích Việt Đức đã len lỏi được vào từng gia đình, trở thành món ngon không thể thiếu trong các dịp tụ họp.

Hiện tại, Đức Việt đã có khoảng 60 loại sản phẩm, gồm xúc xích và thịt cắt lát hun khói với  hệ thống phân phối có mặt trên cả nước, tập trung chủ yếu tại các thành phố và đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Ninh…

Cùng với đó, Đức Việt cũng phủ sóng đều khắp ở các kênh phân phối như siêu thị lớn (Metro, Big C), kênh nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng thực phẩm, quán bia, các điểm vui chơi, khu du lịch, trường học, đường sắt, hàng không...

Theo giới phân tích, thế mạnh của Đức Việt nằm ở phân khúc của dòng sản phẩm chủ lực là xúc xích tươi. Mặc dù, Vissan là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia vào lĩnh vực sản xuất xúc xích và vẫn đang duy trì vị trí số 1 trên thị trường, chiếm 65% thị phần xúc xích bán trong nước với 3 thương hiệu chính: Vissan, 3 Bông Mai, Dzui Dzui. Riêng sản lượng tiêu thụ xúc xích tiệt trùng hàng năm của Việt Nam đang ở mức khoảng 50.000 tấn/năm, Vissan cung ứng khoảng 20.000 tấn, chiếm 35 – 40% thị phần.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt không còn chuộng dòng sản phẩm xúc xích tiệt trùng như trước đây. Minh chứng, trước năm 2012, tốc độ tăng trưởng của dòng sản phẩm này luôn ở mức 10%/năm thì vài năm gần đây con số này đang có xu hướng giảm dần.

Điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển chung của thị trường tại các nước phát triển, khi phân khúc xúc xích tiệt trùng bão hòa, thị trường sẽ hướng đến đến dòng cao cấp hơn là xúc xích tươi và xúc xích thịt nguội. Để bắt kịp xu hướng tiêu dùng này, cách đây 3 năm Vissan và C.P đã nhảy vào phân khúc xúc xích tươi, cạnh tranh trực tiếp với Đức Việt. Động thái của Vissan và C.P khiến cho cuộc chạy đua chiếm thị trường xúc xích tươi trở nên sôi động.

Nhưng cho tới lúc này, Đức Việt vẫn là tên tuổi đi tiên phong trong dòng sản phẩm xúc xích tươi và đang chiếm ưu thế tại thị trường miền Bắc.

Sức ép từ khối ngoại

Sự dịch chuyển thị trường từ xúc xích tiệt trùng sang xúc xích tươi nhiều khả năng sẽ tạo ra cuộc đua gia tăng thị phần của cả 3 tên tuổi này trong thời gian tới. Nhưng, trong các bản phân tích của giới nghiên cứu, lợi thế có thể sẽ vẫn nghiêng về khối doanh nghiệp ngoại.

Lý do, xúc xích tươi xuất phát từ các nước châu Âu, nên kinh nghiệm của họ trong việc sản xuất là hơn hẳn doanh nghiệp nội. Chưa kể việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu bài bản, chất lượng đồng đều là cơ sở để họ chiếm ưu thế lớn về giá thành.

Điều này cũng lý giải một phần động thái của các doanh nghiệp trong nước khi nhanh chóng chuyển hướng chiến lược tìm đối tác chiến lược, đầu tư công nghệ mới, thâm nhập phân khúc sản phẩm này.

Đặc biệt, với Daesang Corp - một tên tuổi có thâm niên trong lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng ở châu Á, thì Đức Việt thực sự là miếng mồi béo bở để hãng này thâm nhập nhanh chóng vào phân khúc sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong tương lai này.

Nhưng điều này càng tăng thêm áp lực cạnh tranh cho các tên tuổi trong nước. Vào thời điểm này, các công ty trong nước đã và đang hoàn thiện chuỗi quy trình cung ứng sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do giúp họ mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập nguyên liệu với giá cả cạnh tranh.

Tuy nhiên, sự thâm nhập mạnh mẽ của các đối thủ ngoại mới cũng như sự bành trướng của các đối thủ cũ cùng phân khúc, cuộc cạnh tranh ở cả thị trường thành thị, nông thôn đang đẩy các tên tuổi trong nước vào cuộc chiến thị phần căng thẳng.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 với chủ đề: “M&A trong không gian kinh tế mở” do Báo Đầu tư và AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra ngày 18/8 tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace (360D Bến Vân Đồn, quận 4, TP HCM).

Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá tác động của các khu vực kinh tế chung tới thị trường M&A, cơ hội và thách thức trong việc thu hút nguồn vốn mới, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới. Diễn đàn cũng đưa ra những đánh giá và dự báo về xu hướng M&A, tài chính trong các lĩnh vực sôi động nhất hiện nay như: ngân hàngthực phẩm, tiêu dùng nhanh, công nghệ và thương mại điện tử.

Ngoài Diễn đàn chính, Chương trình kết nối đầu tư sẽ được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động M&A của doanh nghiệp và các hoạt động thường niên như Bình chọn thương vụ M&A tiêu biểu, Đặc san toàn cảnh M&A Việt Nam…


Theo Anh Hoa (Baodautu.vn)

 

Nổi bật