Xin thêm thời gian
Chiều 22/6, tại tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023. Mở đầu đại hội, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Tập đoàn Novaland - chia sẻ, đại hội hôm nay là một sự kiện rất đặc biệt đối với cá nhân ông Nhơn và toàn bộ hệ thống trong tập đoàn vì lần đầu tiên sau 30 năm hoạt động, Novaland đã tiếp nhận được 60.000 cổ đông và đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đại chúng.
“Trong cơn khủng hoảng, không có tiền hoạt động, tiền vốn và tiền bán hàng bị ngân hàng siết chặt, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận mọi sự mất mát, mọi khó khăn trở ngại. Thay mặt cho tập đoàn, tôi xin gửi lời xin lỗi đến toàn thể khách hàng, các nhà đầu tư, các đối tác, nhà thầu, nhà cung cấp, nhân viên bị nghỉ việc và tất cả các bên hữu quan đã bị ảnh hưởng do sự cố của tập đoàn”, ông Nhơn nói.
Theo ông Nhơn, Novaland sẵn sàng chịu mọi thiệt hại và luôn ý thức trách nhiệm của mình để thực hiện tới cùng các cam kết về tài chính, sản phẩm đối với khách hàng, nhà đầu tư, các đối tác. “Xin cho chúng tôi thời gian. Chúng tôi rất mong được sự thông cảm chia sẻ của tất cả quý vị”.
Chủ tịch Bùi Thành Nhơn nhìn nhận, năm 2022 có thể nói là một năm đầy thách thức đối với kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam. Cơn lốc xoáy vừa qua đã để lại những tổn thất nặng nề và những bài học quý giá đối với ông, cũng như đối với tất cả thành viên của Tập đoàn Novaland.
Đứng trước khủng hoảng chung của thị trường và nền kinh tế, Tập đoàn Novaland cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác đang bị tác động bởi các yếu tố khách quan, đang đối diện với khó khăn và thanh khoản ngắn hạn.
“Trong bối cảnh này, chúng tôi bằng tất cả nội lực của mình cùng với sự đồng hành chia sẻ của cộng đồng, nhà đầu tư, khách hàng, đối tác và trên hết là hành động quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ban ngành đã và đang từng bước hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn nói riêng và cho cả thị trường nói chung”, ông Nhơn nói.
Theo đó, với những kế hoạch cụ thể, hoãn nợ, bán tài sản, chuyển nợ thành cổ phần, phối hợp với những tổ chức tư vấn quốc tế, các chuyên gia hàng đầu để tái cấu trúc, kiểm soát dòng tiền, Novaland đang tiếp tục phát triển xây dựng dự án, sắp xếp lại ưu tiên cho những công trình sắp hoàn thiện để tiếp tục bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Đồng thời, chọn những dự án tốt có khả năng thanh khoản cao đẩy nhanh các bước hoàn thiện pháp lý để kịp thời đáp ứng khi thị trường hồi phục.
“Chúng tôi tin rằng cùng với sự trợ giúp là sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống, hoạt động kinh doanh của tập đoàn sẽ phục hồi trong quý III/2023”, ông Nhơn dự báo.
Hơn 250.000 tỷ đồng chưa ghi nhận doanh thu
Sau sự cố vừa qua, Novaland càng nhận thức hơn các hoạt động của công ty phải càng gắn liền với trách nhiệm xã hội, phát triển cộng đồng, phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia. Chiến lược phát triển bền vững sẽ là nền tảng cho việc tái cấu trúc, là định hướng cho Novaland trong những năm tiếp theo.
Theo đó, 3 trụ cột gồm môi trường - xã hội - quản trị sẽ là trọng tâm cho mọi hoạt động của Novaland nhằm tối đa giá trị vốn hóa công ty, đảm bảo bền vững và hài hòa lợi ích cho các cổ đông, các nhà đầu tư cũng như các bên hữu quan.
Hiện, Novaland đang hợp tác với các đối tác tiến hành phát triển hai dự án theo tiêu chuẩn xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời theo đuổi các mục tiêu về môi trường trong các dự án khác của mình. Novaland đã bỏ ra nhiều chi phí để cùng với các đối tác hàng đầu thế giới như McKinsey, Boston Consultant Group, EAI của Pháp để nghiên cứu đề án quy hoạch phát triển trung tâm du lịch vùng và khu kinh tế cửa khẩu tại 2 tỉnh An Giang - Đồng Tháp.
Đề án đã được hoàn thành và đã bàn giao cho hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp trong năm 2022 để các địa phương đưa vào quy hoạch, phối hợp xây dựng chính sách ưu đãi, mời gọi đầu tư.
“Novaland sẽ tiếp tục thực hiện cam kết và kết hợp với đối tác để tiên phong tham gia đấu giá giai đoạn 1 của dự án và nếu được phát triển, toàn bộ lợi nhuận có được tập đoàn sẽ đầu tư hoàn toàn để cải tạo, phát triển hệ thống y tế, giáo dục cho địa phương”, Chủ tịch Novaland nói.
Ông Nhơn đánh giá, các đô thị vệ tinh Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận) sẽ là những đại dự án góp phần phát triển quốc gia, phát triển địa phương, tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm, tăng nguồn thu ngân sách. Novaland cũng đã đăng ký tham gia xây dựng 200.000 căn nhà ở xã hội trong chương trình 1.000.000 căn nhà ở xã hội của Chính phủ.
Kế hoạch năm nay, Novaland đặt mục tiêu doanh thu 9.531 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 214 tỷ đồng. Chỉ tiêu này có phần thận trọng khi thị trường diễn biến không thuận lợi. Đáng chú ý, tại 31/12/2022, doanh thu chưa ghi nhận của Novaland đạt hơn 251.000 tỷ đồng đến từ các dự án đã bàn giao, đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý và các dự án Novaland đang là chủ đầu tư và hoặc hợp tác phát triển. Giai đoạn 2024 - 2025, công ty dự kiến triển khai thêm hai dự án bất động sản đô thị tại TPHCM và một dự án đô thị vệ tinh lân cận TPHCM.
Về công tác quản trị, ưu tiên hàng đầu trong việc tái cấu trúc của Novaland là sắp xếp lại các khoản nợ và thời hạn trả nợ, ưu tiên giải quyết những vướng mắc và thực hiện những cam kết với khách hàng, tạo dòng tiền mới để hồi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục hoàn thiện xây dựng bàn giao sản phẩm cho khách hàng theo đúng cam kết, tập trung tháo gỡ pháp lý để tháo gỡ dòng tiền, tiến đến chuyên nghiệp hóa quản trị công ty theo các thông lệ quốc tế tốt cũng như đáp ứng các quy định của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Duy Quang (Tiền Phong)