Hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu và nợ đã được bán sang VAMC, tương đương hàng chục tỷ USD, đứng trước nguy cơ không thể xử lý được do thiếu cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người cho vay, ở đây là ngân hàng.
Nhiều báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đã giảm đi rất nhiều, với dưới 3% đạt được từ cuối 2015. Tuy nhiên, con số này vẫn khiến nhiều chuyên gia lo ngại và là bài toán khó, chưa có lời giải.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cho biết, từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2016, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó bán nợ cho VAMC 220 nghìn tỷ đồng.
Nợ xấu khiến chi phí vay vốn của nền kinh tế đứng ở mức cao. |
Theo ông Hùng, tỷ lệ nợ xấu đã được giảm từ 17,21% thời điểm cuối tháng 9/2012 xuống còn 2,66% cuối 8/2016. Nợ xấu tuyệt đối hiện là 147 ngàn tỷ đồng và nếu tính cả nợ xấu TCTD bán cho VAMC sau khi thu hồi nợ và xử lý rủi ro là 186.000 tỷ thì tỷ lệ nợ xấu chiếm tỷ lệ 5,84%.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải nhìn vào sự thật số liệu nợ xấu hiện nay. Theo ông Lực, tính toán sơ bộ cộng số nợ xấu của NHNN công bố với số nợ xấu mà VAMC mua về nhưng chưa xử lý được... thì tỷ lệ nợ xấu có thể lên tới 8%. Còn theo số liệu tính toán của IMF thì tỷ lệ nợ xấu lên tới 10-11%...
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhìn nhận, nợ xấu theo báo cáo của Chính phủ khoảng 147 ngàn tỷ đồng, ngoài ra hơn trăm ngàn tỷ nằm ở VAMC, trong báo cáo nội bảng còn 140-145 ngàn tỷ nữa tiềm ẩn nợ xấu, nó có thể rơi vào nợ xấu.
Theo LS Trương Thanh Đức, chủ tịch Basico, con số 3% là không sai nhưng phải nhìn sâu hơn và nhìn vào thực tế mà VAMC thừa nhận chưa giải quyết gì được nhiều nợ xấu. Ông Đức đồng ý với tỷ lệ nợ xấu theo tính toán của IMF: ở mức 2 con số.
Chính “người trong cuộc” ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu còn ít chuyển biến. Nợ xấu giảm chủ yếu do trích lập, sử dụng dự phòng và chuyển sang VAMC. Ngay tại VAMC, câu chuyện xử lý nợ xấu vẫn còn rất nhiều nút thắt.
Trên thực tế, theo ông Hùng, trong vài năm qua, VAMC mua nợ chủ yếu bằng trái phiếu đặc biệt (không phải bằng tiền mặt). Nợ mua về bán được rất ít, chỉ hơn 800 tỷ đồng, xử lý tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn bởi thiếu quyền sở hữu trong khi khởi kiện thi hành án kéo dài, phức tạp và chi phí tốn kém,... Các quy định pháp luật còn thiếu, chưa phù hợp; VAMC thiếu những quy định đặc thù để có thể xử lý nhanh nợ xấu,...
Làm gì để đánh tan cục máu đông “nợ xấu”?
Trong các cuộc họp Chính phủ và Quốc hội vài năm gần đây, nợ xấu và xử lý nợ xấu là một trong các vấn đề nóng bỏng, được đặt lên hàng đầu. Đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng xã hội.
Cần có giải pháp để xử lý nợ xấu triệt để hơn. |
Trên thực tế, trong hơn 4 năm tái cơ cấu, hệ thống NH đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, nợ xấu vấn được cho là cục máu đông chưa bị đánh bay. Một phần khá lớn nợ mới chỉ được chuyển từ các TCTD sang VAMC và nằm đó, chưa được xử lý triệt để. Thậm chí, TCTD vẫn phải tham gia cùng VAMC để xử lý các khoản đã chuyển sang VAMC bởi định chế này chưa được toàn quyền quyết định các khoản nợ mua về.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong việc xử lý nợ xấu hiện nay chính là ở chỗ thiếu khung pháp lý rõ ràng và nhận thức về việc xử lý nợ xấu vẫn còn chưa thực sự đúng đắn.
Ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, nguyên chánh thanh tra NHNN, giờ không nên xét nguyên nhân nợ xấu là từ đâu mà việc cần làm là phải xử lý nợ xấu. Nợ xấu là của hệ thống NH, nhưng thực chất là nợ của DN, nợ của nền kinh tế.
Nợ xấu và việc xử lý nợ xấu liên quan tới rất nhiều đối tượng và chịu sự ràng buộc của nhiều quy định, luật lệ. Do vậy, một mình ngành NH không thể tự xử lý rốt ráo, mà cần sự trao đổi phối hợp của cả cộng đồng.
Theo ông Quốc Anh, một vấn đề quan trọng hiện nay là phải thay đổi về mặt nhận thức. Pháp luật cần phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người cho vay, ở đây là quyền lợi của NH. Để có thể hỗ trợ việc xử lý nợ xấu, cần thay đổi khá nhiều trong 5 luật: Dân sự, tố tụng dân sự, Luật Đất đai,... để có cơ sở pháp lý cho VAMC và các VMC hoạt động hiệu quả.
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đồng quan điểm cho rằng, để xử lý nợ xấu thì quan trọng nhất là ở các nhà làm luật. Bên cạnh đó, phải làm rõ thực sư tình hình nợ xấu như thế nào. Hoạch định chính sách phải có thông tin rõ ràng, minh bạch.
Ngoài ra, xử lý nợ xấu, cần có tiền. “Xử lý nợ xấu không có tiền như thời gian qua thì duy nhất chỉ có ở Việt Nam”. Theo ông, cần có bộ luật riêng xử lý nợ xấu trong riêng giai đoạn 2008-2013.
Chuyên gia tài chính NH Cấn Văn Lực cũng lưu ý, nên tăng quyền năng cho VAMC ở 3 góc độ: định đoạt tài sản, được bán tài sản đảm bảo nợ xấu lỗ hoặc lại và xây dựng thị trường mua bán nợ.
Ông Đặng Ngọc Đức, PGS TS Viện trưởng, Viện ngân hàng - Tài chính đưa ra một đề xuất tạo bạo: chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu Chính phủ. Chính phủ có thể phát hành TPCP, xác định số lượng nợ xấu hiện nay (10 tỷ USD VAMC đang nắm giữ). Các DN phát hành 10 tỷ USD trái phiếu nợ chuyển đổi thành cổ phiếu, để sau này DN nếu không trả được nợ thì chuyển thành vốn góp và giúp cho quá trình bán tài sản sau này. NHTM có thể chiết khấu, có thể đưa trái phiếu vào giao dịch (xử lý qua thị trường)
Theo M. Hà (VietNamNet)