Khi liên tiếp có thông tin xe nhập khai báo hải quan đã giảm giá hàng trăm triệu đồng ở nhiều dòng xe thì trên thực tế, nhiều người đi mua xe nhập vẫn không thấy giảm. Trong khi đó, gần đây nhiều hãng xe trong nước đã đồng loạt giảm giá nhiều mẫu xe vốn có doanh số tốt của họ. Phải chăng "sức nóng" giảm giá của xe nhập gây lo ngại xe trong nước.
Xe ô tô nhập có thực sự giảm giá?
Cụ thể, với mỗi ô tô nhập khẩu (mức giá nhập CIF, chưa bao gồm các loại thuế, phí xe lưu hành) ô tô xuất xứ từ Ấn Độ trong 3 tháng đầu năm 2017 ở mức 88 triệu đồng/chiếc. Xe có xuất xứ từ Indonesia đứng vị trí thứ 2 với hơn 230 triệu đồng đến 340 triệu đồng/chiếc. Thứ 3 là xe xuất xứ từ Thái Lan với giá gần 400 triệu đồng/chiếc. Tiếp đến là dòng xe của Hàn Quốc hơn 450 triệu đồng/chiếc... Đắt nhất hiện nay là dòng xe của Nhật, Mỹ, Anh, Nga, Đức và xe Pháp với mức giá nhập khẩu dao động từ 600 triệu đồng - 1,7 tỷ đồng/xe, tùy theo chủng loại và xuất xứ.
Xe nhập đến tay người tiêu dùng không giảm như mức giảm khai báo giá hải quan |
Các dòng xe giá rẻ vào Việt Nam theo số liệu của Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu đều là xe xuất xứ từ Hàn Quốc như Hyundai, Kia (được lắp ráp ở Ấn Độ, Indonesia), Toyota (lắp ráp Indonesia, Thái Lan), một số dòng xe của Ford (Mỹ), Mitsubishi, Nissan (Nhật) được lắp ráp tại Thái Lan…
Thưc tế, hiện mức giá khai báo nhập xe qua Hải quan dù đã giảm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng so với trước kia, song trên thị trường, hầu hết các dòng xe đến tay người tiêu dùng vẫn giữ giá, hoặc chỉ giảm nhỏ giọt.
Nguyên nhân được chỉ ra là do xe về Việt Nam chịu mức thuế, phí sau nhập khẩu cao. Ngoài ra, do hệ thống phân phối xe hơi tại Việt Nam qua nhiều khâu, công đoạn. Các đại lý không được nhập trực tiếp (theo quy định của Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc và nay đã được đưa lên Nghị định, Phụ lục của Luật Đầu tư sửa đổi...) mà phải qua nhiều khâu, tốn kém và đội chi phí.
Theo lời của một đại lý phân phối xe hơi tại Việt Nam, mức giá xe đến đại lý phân phối cuối cùng phải qua 3 đầu mối: Hãng, Nhà nhập khẩu chính hãng, đại lý tại tỉnh. Mức giá qua mỗi nơi bị đội lên cả chục triều đồng/xe, đó là chưa nói đến các chi phí (thuê mặt bằng, chi phí kinh doanh...) của riêng từng cơ sở kinh doanh được tính vào giá xe. Điều này khiến cho giá xe nhập thực chất không giảm so với giá xe trong nước.
Đơn cử như chiếc xe Hyndai i10 bản đầy đủ, nhập nguyên chiếc từ Ấn Độ về Việt Nam hiện có giá từ 359 triệu đồng/chiếc (bản số sàn) và hơn 430 triệu đồng (bản tự động). Như vậy, so với mức giá cùng kỳ năm 2016, mức giá xe này chỉ giảm vài từ 3 – 8 triệu đồng/chiếc
"Xe nhập về giá khai báo hải quan bình quân giảm nhưng cần xem đó là xe dòng nào, xuất xứ từ đâu? Nếu từ Ấn Độ, giá cuối cùng đến tay khách hàng vẫn giữ ở mức như năm 2016 và có giảm chút ít, còn đối với dòng xe Thái, xe Indonesia, mức giá cuối cùng đến tay người tiêu dùng chỉ một số dòng xe dung tích dưới 2.0L mới giảm, còn xe trên 2.0L như bán tải của Ford đều tăng giá do thuế TTĐB mới áp dụng cho dòng xe này cao hơn", đại diện một DN kinh doanh ô tô cho hay.
Xe nội đang "hưởng quả ngọt" vì xe nhập giảm giá?
Xe nhập là vậy, còn đối với xe lắp ráp trong nước thì sao? Tìm hiểu mức giá thị trường hiện nay, hầu hết phân khúc xe hạng B, C của các hãng xe nội đã giảm giá từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017.
Thị trường đã và đang chứng kiến 4 đợt giảm giá liên tiếp từ tháng 6/2016 đến tháng 3/2017. Mức giá nhiều dòng xe đã giảm thấp nhất là 30 triệu đồng, cao nhất là khoảng gần 100 triệu đồng. Đi đầu cuộc chiến giảm giá xe nội là cuộc đua tranh gay gắt giữa ba đại gia ô tô là: Trường Hải - Toyota và Ford.
Thực tế, theo đánh giá, dư địa để các hãng xe trong nước giảm giá xe vẫn còn bởi các hãng đều được hưởng lợi lớn từ chính sách và hệ thống phân phối. Từ Thông tư 20, Phụ lục 4 của Luật Đầu tư sửa đổi (quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô, trong đó thắt chặt việc kinh doanh ô tô thay vì để thả lỏng cho mọi thành phần được tham gia) đến mức thuế nhập khẩu linh phụ kiện cho ô tô đã giảm mạnh xuống 0% từ năm 2015 khi nhập từ ASEAN.
Cụ thể từ năm 2010, theo điều khoản của AFTA giữa các nước ASEAN, linh phụ kiện đã được hưởng thuế suất ưu đãi từ 25% - 45%. Từ năm 2015, các linh phụ kiện ô tô có xuất xứ từ ASEAN được hưởng mức thuế suất chỉ còn từ 25% - 0% (tuỳ theo dòng sản phẩm).
Đây là lợi thế của các hãng xe trong nước bởi phần lớn linh kiện sản xuất xe du lịch 9 chỗ ngồi trở xuống ở Việt Nam hiện nay của Toyota, Ford, Mecerdes, Hyundai được nhập từ Malaysia, Indonesia và Thái Lan (xe bán tải). Với mức thuế suất thuế nhập khẩu linh phụ kiện ưu đãi, cộng với chính sách bảo hộ, các hãng xe trong nước đang dẫn đầu cuộc đua giảm giá xe lắp ráp trong nước và đi đầu là Madaz, Kia của Trường Hải, Toyota, Ford...
Theo TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính: "Rất khó có câu trả lời thỏa đáng để khẳng định giá xe ô tô nhập khẩu sẽ khiến giá xe ô tô toàn thị trường giảm nhanh trong năm 2018 chỉ bởi thuế nhập khẩu. Tôi được biết các nhà làm chính sách cũng đã đối phó bằng nhiều phương cách để bảo hộ sản xuất trong nước. Về mặt nào đó đây là tín hiệu không mấy sáng sủa cho thị trường xe. Ngoài ra, những dấu hiệu xe nhập khai báo giá thấp, nhưng bán trong nước giá cao, thậm chí nhiều dòng không giảm. Điều đó cho thấy, xe nhập đang chịu rất nhiều rào cản, khó có thể dẫn đầu giảm giá được".
Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)