Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, xe nhập vào Việt Nam đạt 81.100 chiếc, tăng hơn 40.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước, trong đó xe con đạt 54.000 chiếc, chiếm gần 67%, tăng hơn 23.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc chia nhau 3 vị trí dẫn đầu về thị phần nhập khẩu ô tô của Việt Nam
Trong đó, Thái Lan dẫn đầu với 40.485 chiếc, kim ngạch 758 triệu USD; Indonesia đạt 23.072 chiếc, kim ngạch 287 triệu USD; Trung Quốc 11.459 chiếc, kim ngạch 427 triệu USD.
Hiện tại, Việt Nam đang nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc từ 12 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các loại ô tô nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan đang ngày càng nắm nhiều lợi thế nhờ quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) với mức thuế suất 0% áp dụng từ 1/1/2018. Giá xe từ hai quốc gia này ngày càng rẻ khi về Việt Nam.
Đầu tiên là Thái Lan, cho đến thời điểm hiện tại đây vẫn đang là nước xuất khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam lớn nhất. Lượng xe từ thị trường này thường chiếm đến quá nửa tổng lượng xe nhập khẩu từ toàn bộ 12 thị trường cộng lại.
Riêng năm 2020, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 105.201 chiếc, trong đó có 52.674 chiếc từ Thái Lan. Hay gần nhất vào tháng 5/2021, trong tổng cộng 15.600 xe ô tô nguyên chiếc các loại đã có tới 7.407 xe ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ xứ Chùa Vàng.
Thị trường này có lợi thế khi mang về đa dạng các dòng xe bán tải, SUV 7 chỗ, hatchback 5 cửa và một số mẫu sedan hạng B, C với những cái tên như Honda CR-V, HR-V, Brio, Ford Ranger.
Indonesia là thị trường chủ yếu mang các dòng xe hạng A xe cỡ nhỏ như Xpander, Wigo, bình quân giá xe nhập thấp hơn rất nhiều. Tính toán từ tổng cục Hải Quan cho thấy, mức bình quân xe nhập Thái khoảng 430 triệu đồng/xe thì tại Indonesia là hơn 287 triệu đồng/chiếc trong năm 2021, giảm hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020 là 290 triệu đồng/chiếc và năm 2019 là hơn 320 triệu đồng/chiếc.
Đối với Trung Quốc, các mẫu xe từ thị trường này về Việt Nam đang cho thấy sự bứt tốc khá mạnh mẽ. 5 tháng đầu năm 2021 đã có gần 9.400 ô tô Trung Quốc được nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam. Con số này tăng vọt gấp hơn 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, chủ yếu là xe tải và xe chuyên dụng, số xe con chỉ chiếm khoảng 1.000 chiếc.
Thực tế, nhiều mẫu ô tô Trung Quốc nhập khẩu có thiết kế bắt mắt, giá bán cạnh tranh nhưng chỉ tạo sự chú ý với người tiêu dùng trong giai đoạn đầu vào Việt Nam, về sau khá loay hoay trong việc chinh phục khách Việt. Đơn cử, Brilliance V7, BAIC X55, Zotye Z8 không đạt được doanh số quá tốt khi so với đối thủ, thậm chí phải rút khỏi thị trường.
Mặc dù chưa tạo được dấu ấn mạnh về mảng xe con nhưng thời gian gần đây thị trường này tạo được 1 số dấu ấn. Đơn cử, Beijing X7 được đưa về Việt Nam giá 528-688 triệu đồng, rẻ hơn Hyundai Tucson hay Mazda CX-5, trong khi lại ngập tràn công nghệ. Mẫu xe này đã bán "bay" 1.000 chiếc trong đợt đầu tiên về Việt Nam.
Lô hàng Dongfeng T5 Evo cũng đang trên đường cập bến được hé lộ đã có khách đặt mua toàn bộ.
Việc tích cực đầu tư sang Thái Lan, Indonesia cũng là động thái cho thấy Trung Quốc đang tăng cường nhận diện ở Đông Nam Á. Ví dụ như tại Thái Lan, SAIC - hãng xe nội địa hàng đầu Trung Quốc đã hợp tác với một doanh nghiệp Thái để lập liên doanh từ năm 2016 và cho công suất sản xuất xe lên đến hơn 200.000 chiếc/năm.
Hiện thành quả của hợp tác này là mẫu MG - mẫu xe Anh thuộc sở hữu của SAIC đã được nhập từ Thái Lan vào Việt Nam, mức giá xe này không quá 800 triệu đồng và là dòng cạnh tranh trực tiếp với Tucson và Mazda CX5 tại Việt Nam
Những cuộc đổ bộ và bước đi khôn ngoan này hứa hẹn sẽ khiến sự thị trường 4 bánh trong nước cạnh tranh quyết liệt hơn.
Theo Hoàng Linh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)