Tổng số tiền thu được từ thanh lý 761 xe ô tô nói trên là 35,15 tỷ đồng. Số tiền thu được sau khi thanh lý được nộp vào ngân sách nhà nước hoặc được đưa vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật.
Qua rà soát, số liệu tại báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính cho biết thêm, có 90 xe báo cáo đã thanh lý nhưng chưa có thông tin báo cáo số tiền thu được về Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, 17 xe báo cáo đã thanh lý không thu được tiền: 9 xe thanh lý theo hình thức phá dỡ, 8 xe chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ô tô, thiết bị dạy nghề.
Đáng chú ý, 183 xe đã quá cũ, lạc hậu (xe sử dụng từ năm 1996 trở về trước, xe Lada, xe Uoat, xe Gaz…) nên tổng số tiền thu được chỉ là 5.455.803.699 đồng (hơn 5,4 tỷ đồng).
Theo khẳng định của Bộ Tài chính, cơ quan này chỉ thực hiện trách nhiệm tổng hợp số liệu từ báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương. Còn thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc thanh lý tài sản (trong đó có xe ô tô công – bán hoặc tiêu hủy) thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
Hiện tại, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục nhận báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương về kết quả xử lý xe ô tô theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bích Diệp (Dân Trí)