Tranh kéo khách vay mua nhà, xe
Theo các chuyên gia, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh dồn vào cho vay mua ô tô và bất động sản.
Việc tiếp cận vốn vay khá dễ dàng với lãi suất thấp, thời gian vay dài và tỷ lệ vay cao đã khiến nhiều khách hàng sẵn sàng vay nợ để sở hữu ô tô. |
Tài sản đảm bảo chính là chiếc xe của khách hàng. Do đó, khi không còn khả năng trả nợ, ngân hàng cũng dễ dàng phát mãi,... Đây cũng chính là lý do khiến các ngân hàng chạy đua dành thị phần tín dụng ô tô. Thậm chí, không loại trừ nguy cơ ngân hàng nới rộng điều kiện tín dụng hạ thấp chuẩn cho vay và cạnh tranh lãi suất thấp.
Bên cạnh đó, cho vay bất động sản cũng trở nên sôi động không kém. Kể từ khi NHNN giảm hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 250% xuống còn 150% (Thông tư 36/2014 của NHNN) thì tín dụng bắt đầu chảy mạnh vào đây. Nhiều người cho rằng, đây là "cú hích" mạnh mẽ đối với thị trường, khi tín dụng dành cho lĩnh vực này được nới lỏng thay vì kiểm soát chặt chẽ như thời gian qua.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều chương trình cho vay vốn mua, sửa chữa nhà cửa với lãi suất ưu đãi, thời gian vay kéo dài và tỷ lệ vay cao. Một số ngân hàng đang cho vay mua nhà với lãi suất 7,5% trong 6 tháng đầu thời gian vay 20 năm với số vốn vay tới 90% giá trị căn nhà. Những lời chào mời cho vay mua nhà của nhiều ngân hàng khá hấp dẫn, như: “chỉ với 10 triệu đồng thu nhập hàng tháng, khách hàng đã có thể sở hữu ngay căn hộ với lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài,... ” đang được rải ngày càng nhiều, khắp mọi nơi.
Các ngân hàng cho biết, hiện có tới 70% khách mua nhà có nhu cầu thực về nhà ở. Đây là một yếu tố quan trọng để mạnh tay cho vay, với phân khúc chính là xây dựng, sửa chữa, mua nhà, chiếm trên 60% tổng dư nợ cho vay bất động sản.
Thận trọng với rủi ro
Giám đốc một phòng giao dịch ngân hàng cổ phần tại Hà Nội nhận xét, cho vay DN hiện áp lực cạnh tranh rất lớn. Các NHTM nhà nước và NHTM cổ phần lớn có quy mô, mạng lưới rộng khắp, tiềm lực mạnh nên luôn có khách hàng là những DN tốt. Còn lại, những NHTM cổ phần nhỏ không thể cạnh tranh nổi đành phải lách sang cho vay tiêu dùng.
Vì vậy, để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, không loại trừ nguy cơ ngân hàng đã cạnh tranh bằng cách hạ chuẩn khách hàng vay. |
Song, theo các chuyên gia tài chính, hoạt động tín dụng luôn tiềm ẩn rủi ro nợ xấu, không loại trừ cả loại hình cho vay mua ô tô. Một khi khoản vay rơi vào nợ xấu, việc thu hồi tài sản đảm bảo, chính là chiếc ô tô để phát mãi, thì hầu hết giá trị xe không còn lớn. Nếu cho vay tới 70-90% giá trị chiếc xe chắc chắn khó tránh khỏi rủi ro.
Với bất động sản, nhiều người e ngại việc hạ chuẩn cho vay lại tiềm ẩn nguy cơ gây ra nợ xấu. Đây là khoản cho vay chất lượng thấp với mức rủi ro cao.
Hầu hết những người cho vay không nhận ra cái bẫy họ đang bước vào. Đồng thời, nhiều người đi vay đã lợi dụng sự dễ dãi của môi trường cho vay để đầu cơ - chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim cho biết.
Bài học khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 là một ví dụ. Đầu những năm 2000, tại Mỹ, người dân đổ xô đi mua nhà đất do sức hút của từ sự kỳ vọng giá nhà đất còn tăng nữa. Vì mong muốn người dân được sở hữu nhà riêng và kích thích tiêu dùng, Chính phủ liên bang đã nới lỏng các điều kiện và khuyến khích mua BĐS. Các tổ chức cho vay cầm cố thì hạ chuẩn các điều kiện vay.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng bùng phát vào tháng 8/2008, khi mà hàng chục ngân hàng thua lỗ tuyên bố phá sản bởi thị trường bất động sản lao dốc, khách hàng không có khả năng chi trả.
Thị trường bất động sản Việt Nam chỉ vừa mới “thở” bình thường trở lại sau một thời gian dài “thoi thóp”. Khối nợ xấu bất động sản vẫn còn nặng nề. Vì vậy, cảnh báo cho vay bất động sản dưới chuẩn là không báo giờ thừa.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)