Báo cáo thị trường tuyển dụng của Navigos Group cho biết, từ quý II năm nay xuất hiện xu hướng tuyển dụng ồ ạt các vị trí kinh doanh phục vụ bán chéo bảo hiểm nhân thọ.
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng vì Covid-19, tín dụng khó tăng do doanh nghiệp gặp khó, nhiều ngân hàng tìm cách tăng thu từ dịch vụ và một trong mũi nhọn là từ bán chéo bảo hiểm hay còn gọi là bancasurance.
Theo ước tính của ông Ngô Trung Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, doanh số khai thác qua kênh bancasurance nhân thọ trong nửa đầu năm nay tăng trưởng trên 20%. Như năm ngoái, kênh bancasurance trung bình chiếm 25% doanh thu phí khai thác mới nhân thọ cả năm.
Theo khảo sát của VnExpress, AIA và Prudential là hai doanh nghiệp tích cực nhất trong việc tuyển dụng nhân viên tư vấn bảo hiểm làm việc tại ngân hàng đối tác.
Trong khoảng hai tháng trở lại đây, AIA tăng tuyển nhân viên làm việc tại các phòng giao dịch chi nhánh như VietinBank, ACB, VietCapital Bank, HSBC, CitiBank, VPBank còn Prudential tuyển nhân viên làm việc trực tiếp tại MSB, SeABank, VietBank...
Bên cạnh đó, Sun Life, Manulife, Aviva... cũng đăng tuyển chuyên viên tư vấn bảo hiểm qua kênh hợp tác với ngân hàng nhưng với số lượng ít hơn. Các vị trí tuyển dụng tập trung ở hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội.
Theo hình thức này, nhân viên của hãng bảo hiểm nhân thọ sẽ làm việc trực tiếp tại các phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng, tư vấn và tiếp cận nguồn khách do ngân hàng giới thiệu.
Chia sẻ với VnExpress, đại diện của Prudential - đang hợp tác độc quyền với 8 ngân hàng cho biết, trong nửa cuối năm, hãng dự kiến tuyển thêm 235 nhân sự mảng bancasurance. Theo đó, tổng số tuyển dụng cả năm tăng khoảng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm, kênh bancasurance của Prudential Việt Nam tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mà một số ngân hàng cũng tuyển dụng chuyên viên tư vấn bảo hiểm.
Ngoài sử dụng tư vấn viên của doanh nghiệp bảo hiểm như nhiều nhà băng khác, Techcombank, VIB và Sacombank là số ít ngân hàng dùng nhân sự hiện tại và tuyển dụng thêm chuyên viên hỗ trợ kinh doanh bảo hiểm, làm việc trực tiếp cho chính ngân hàng.
Theo đó, nhân viên của ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm tư vấn trước, trong và sau quá trình bán bảo hiểm. Họ cũng là đầu mối đầu tiên để khách liên lạc khi phát sinh nhu cầu liên quan tới hợp đồng bảo hiểm.
Với chiến lược đẩy mạnh mảng bán chéo bảo hiểm, lãi thuần từ dịch vụ (đóng góp một nửa là bán chéo bảo hiểm) của VIB đang chiếm tới 20% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong khi tỷ lệ này ở nhiều ngân hàng chỉ quanh mức 10%.
Lãnh đạo của Techcombank cũng từng cho biết mô hình này giúp ngân hàng có thể tư vấn tốt nhất cho khách hàng. Tư vấn bảo hiểm cũng là dịch vụ duy nhất của ngành ngân hàng mà Bộ Tài chính đòi hỏi nhân viên phải có chứng chỉ. Bên cạnh đó, nhân viên ngân hàng tư vấn sản phẩm ngân hàng hay bảo hiểm sẽ có hiệu quả cao hơn khi họ giới thiệu khách hàng cho tư vấn viên của doanh nghiệp.
Hiện nay, nhiều nhân viên tại quầy hay cán bộ tín dụng các ngân hàng cũng than phiền áp lực khi phải chịu chỉ tiêu kép về tín dụng và bảo hiểm. Mức hoa hồng bán bảo hiểm mà nhân viên ngân hàng được hưởng khoảng trên dưới chục phần trăm nên nhiều người cũng không "mặn mà" trong khi áp lực tăng cao. Nhiều nhân viên tư vấn chưa đầy đủ và thường lấy "lãi suất ưu đãi" để mời khách hàng mua bảo hiểm.
Theo nhận định của ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, việc để giao dịch viên hay nhân viên tín dụng ngân hàng kiêm nhiệm tư vấn bảo hiểm sẽ đem lại các hệ lụy xấu và cũng không khai thác được hết tiềm năng của khách hàng. Do đảm nhiệm các công việc chính trong mảng ngân hàng nên họ là một lực lượng "bán chuyên", việc tư vấn cũng qua loa.
Do đó, theo ông Đán, phương án hợp lý để đảm bảo chất lượng tư vấn là ngân hàng tuyển dụng nhân viên chuyên tư vấn bảo hiểm. Người này sẽ được đào tạo bài bản về bảo hiểm, có đủ thời gian và khả năng tư vấn, khai thác hết tiềm năng của khách hàng.
Theo Quỳnh Trang (VnExpress.net)