Theo kế hoạch ĐHCĐ thường niên của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) dự kiến sẽ được tổ chức vào 29/6 tới. Doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường dự kiến trả cổ tức đợt 2 bằng tiền mặt 6,4% sau khi báo lãi 46 tỷ đồng trong quý 1/2018 tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ.
Theo báo cáo thường niên của QCG, doanh nghiệp nhà Cường Đôla sẽ khởi công 1 dự án quy mô gần 1.200 căn hộ tại quận 7 trong năm 2018, tiếp tục mở bán các lô còn lại của dự án liền kề Marina Đà Nẵng và triển khai những bước đầu trong việc chuẩn bị khởi công dự án có quy mô 350 căn liền kề tại TP.HCM.
Công ty này cho biết trong năm 2017 Công ty đã xây dựng và mở bán thành công giai đoạn 1 & 2 dự án Lavida (quận 7). Chỉ tính riêng 2 dự án trong năm 2018 và 2019 sẽ cung cấp ra thị trường hơn 1.100 căn hộ cao cấp. Bên cạnh đó, QCG còn có một số quỹ đất hiện có năm tại TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) và bước đầu lấn sân sang lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng, du lịch.
QCG cũng cho biết vẫn đang tìm kiếm các quỹ đất mới trong khu vực TP.HCM cũng như các thành phố lân cận. QCG tiết lộ đang đàm phán để mua lại các dự án có quy mô lớn ở TP.HCM và các địa phương lân cận, dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn tất giao dịch và công bố.
Gần đây, nhà Cường đôla trong vòng xoáy nóng khi mà Thành ủy TP.HCM yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng hơn 32ha đất công Khu dân cư Phước Kiển.
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa có một số nội dung kết luận về vụ việc chuyển nhượng hơn 32 ha đất đã đền bù của Công ty Tân Thuận tại dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè (dự án Phước Kiển).
Theo đó, việc chuyển nhượng là không đúng với thẩm quyền quy định và yêu cầu ông Tất Thành Cang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, kiểm điểm trách nhiệm trong vụ việc chuyển nhượng đất của Công ty Tân Thuận.
Ban Thường vụ Thành ủy đã kết luận yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng..
Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG) của nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô-la) gần đây giảm rất mạnh, mất khoảng 50% trong khoảng 4 tháng qua, từ mức gần 18.000 đồng/cp xuống 9.300 đồng/cp.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán của khối ngoại diễn ra liên tục trong nhiều phiên gần đây. Hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm 15-20% từ đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Chỉ số P/E trên thị trường cũng giảm mạnh, từ khoảng 22 lần xuống 18 như hiện tại.
Sức cầu trong nước bất ngờ tăng mạnh giúp nhiều cổ phiếu hồi phục ấn tượng trong phiên ngày 7/5. Chỉ số VN-Index ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong gần 3 tháng qua, tăng hơn 35 điểm.
Nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí,... đều tăng mạnh. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng trần như Vietinbank, BIDV, VPBank. Một số mã lớn như Sabeco, Đất Xanh, PNJ,... cũng tăng trần.
Theo một số chuyên gia, sức cầu bắt đáy có dấu hiệu trở lại. Một số mã tăng trần hôm 7/5 do đã giảm mạnh thời gian qua. Cổ phiếu ngân hàng BIDV đã giảm 27% từ 44.400 đồng/CP xuống 32.500 đồng/cp.
Các cổ phiếu như Vietinbank, MBBank, Vietcombank và VPBank,... đều giảm trên dưới 20%.
Phiên tăng điểm mạnh cho thấy kỳ vọng vào TTCK vẫn còn khá lớn. VN-Index tạm thời đã thoát ngưỡng hỗ trợ mạnh: 1.003 điểm - mức điểm thấp nhất của đợt giảm giá vừa rồi.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn lo ngại, nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật ngắn hạn, chưa phải uptrend lớn. Thị trường cần thêm thời gian để xác lập mặt bằng ổn định sau hơn 1 năm tăng dữ dội trong năm 2017 và quý 1/2018.
Kết thúc phiên giao dịch 7/5, VN-index tăng 35,46 điểm lên 1.062,26 điểm; HNX-Index tăng 3,98 điểm lên 126,55 điểm. Upcom-Index tăng 0,61 điểm lên 56,72 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu cổ phần. Giá trị đạt 5,8 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)