“Hiện nay, trứng gà quá rẻ, mỗi ngày doanh nghiệp bù lỗ cho bầy gà này 100 triệu đồng, bù lỗ kéo dài suốt 6 tháng nay. Không cho ăn thì gà chết, mà cho ăn thì gà đẻ trứng ra nhưng không bán được cũng chết. Trong khi đó, xin 1 tờ giấy chứng nhận trứng sạch 2 tháng nay không được...”.
Thu trong 10 ngày, hỏng trong 6 tháng
Hiếm khi nào thấy một cuộc họp bàn về nông nghiệp, nông thôn lại “nóng” như cuộc Hội thảo này. Thậm chí, vì quá nhiều người mong muốn được bày tỏ những trăn trở trong nông nghiệp nông thôn, ai cũng muốn nói thật nhiều, vậy nên người chủ trì là Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phải giới hạn mỗi ý kiến chỉ “gói gọn” trong 5 phút và đi thẳng vào vấn đề trọng tâm.
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Công ty Giống cây trồng Thái Bình - cho biết, điều mà các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất là thủ tục hành chính khi doanh nghiệp đầu tư. “Dự án đầu tư 100 tỷ đồng mà phải làm nhiều thủ tục, mất công sức, thời gian để nhận 5 tỷ đồng hỗ trợ, doanh nghiệp không làm” - ông Báo cho hay.
Ngoài ra, ông Báo cũng đưa ra việc doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có rất nhiều rủi ro nên chính sách về thuế cần phải khác. Đơn cử như việc trong nước không có máy móc cho nông nghiệp công nghệ cao nên doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phải nhập khẩu ở nước ngoài về, vì thế cần được miễn thuế nhập khẩu.
Nêu lên vấn đề “được mùa, mất giá” của ngành nông nghiệp Việt Nam, đại diện Công ty Giống cây trồng cho rằng, được mùa mất giá không chỉ vì thị trường mà công nghệ chế biến, bảo quản mới là nút thắt quan trọng.
Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn diễn ra chiều 19/6. |
“Ở Việt Nam, bà con thu hoạch trong 10 ngày và dự trữ mới được 6 tháng nhưng lúa gạo đã hỏng, nhưng ở Thái Lan gạo của họ bảo quản trong 3 năm giở ra vẫn như vừa mới xát. Bên Thái Lan họ sử dụng công nghệ hiện đại của Đức để chế biến và bảo quản sản phẩm, trong khi ở Việt Nam công nghệ lạc hậu không đáp ứng yêu cầu. 10 năm nữa lúa gạo Việt Nam cũng không theo kịp Thái Lan” - vị đại diện này cho biết.
Cho gà ăn hay không cũng… chết!
Sau lúa gạo lại đến con gà, quả trứng, ông Vũ Trường Chính - Giám đốc Công ty TNHH Duy Hoài (tỉnh Sóc Trăng) - cho biết, Duy Hoài chuyên về nuôi gà, công ty có 1 bầy gà lớn nhất trong cả nước gồm 1,5 triệu con gà đẻ trứng.
Công ty đầu tư tất cả các thiết bị, công nghệ, nhà xưởng hiện đại nhất của Ý, khép kín hoàn toàn. Vấn đề mà ông Chính đau đáu sau khi chứng kiến Chính phủ cứu được con heo thì con gà của mình cũng… sắp chết!
“Trứng gà quá rẻ. Mỗi ngày chúng tôi phải bù lỗ cho bầy gà 100 triệu đồng, bù lỗ kéo dài suốt 6 tháng nay và dự kiến phải 3 tháng nữa mới qua được cơn khó khăn. Không cho ăn thì gà chết, cho ăn thì gà đẻ trứng ra nhưng không bán được trứng cũng chết.
Hiện công ty đang phải vay 100 tỷ đồng với lãi suất 6,9%. Vốn vay chiếm 60% tổng giá trị đầu tư, vốn lưu động gần như không có, gần như cạn kiệt rồi và hiện nay đàn gà sắp chết” - ông Chính sốt ruột nói.
Ngoài ra, ông chủ của bầy gà 1,5 triệu con cũng bày tỏ về vấn đề thủ tục hành chính nhiêu khê ở địa phương mình: “Chúng tôi xin một cái giấy chứng nhận trứng sạch mà 2 tháng nay chưa được. Cứ Sở này đẩy cho Sở kia, mỗi Sở “ngâm” từ 15-20 ngày”.
Với việc sửa đổi Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ông chủ của đàn gà 1,5 triệu con đang lỗ nặng đề nghị được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chính sách thuế xem xét miễn thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, như: Thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Ngay tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao cho Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để có những bàn bạc giúp cho doanh nghiệp Duy Hoài và các doanh nghiệp khác.
Phó Thủ tướng nói rõ, tuy đang bàn về việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như thế nào, nhưng có cả việc phải xử lý những khó khăn của các doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp. Riêng về vấn đề miễn thuế, Phó Thủ tướng cho biết, chỉ có Luật thuế mới quy định được vấn đề về miễn, giảm thuế. Sắp tới đây Chính phủ sẽ trình để sửa Luật.
“Đúng ra phải có Luật hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Trong phạm vi có thể, chúng ta vận dụng một cách cao nhất, từ đó tiếp thu đưa vào những Luật có liên quan, riêng một Nghị định này không thể thay thế hết cho tất cả mọi thứ được. Điều các doanh nghiệp cần chính là cơ chế, chính sách tốt, hơn là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền.” - Phó Thủ tướng cho hay.
Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)