Để kích cầu và cạnh tranh với các hàng khác, một quán nước mía ở Hà Nội chào bán đồ uống này theo lít với giá 25.000 đồng.
Trước khi giao cho khách, nước mía được đem lên cân. Ảnh: Ngọc Lan. |
Trung bình mỗi ngày, anh bán được khoảng 50 lít nước mía nguyên chất, những hôm nắng nóng tăng lên 60 lít. Khách mua số lượng lớn chủ yếu là người làm công sở, công nhân công trường xây dựng nhỏ.
Nước mía ép ra, chỉ cần tiếp xúc với không khí một thời gian ngắn sẽ chuyển màu, mùi vị vẫn ngon nhưng nhìn không đẹp mắt. Vì thế, cận giờ giao hàng, chủ quán mới bắt đầu làm.
"Sau khi ép xong, tôi sẽ cân lên chụp hình lại (nếu khách có nhu cầu) và chia đều ra cốc nhựa. Định lượng được đo bằng cân, đơn vị tương đương với lít. Thường mỗi đơn hàng dao động từ 2 đến 5 lít", anh cho hay.
Trong khi các hàng nước giải khát mọc nhan nhản, cạnh tranh từng nghìn lẻ thì hình thức bán dạng này giúp quán nước nói trên thu hút được một lượng lớn khách online. Vì thế, giá sản phẩm được hạ thấp nhất có thể để lấy công làm lãi.
Tuy nhiên, hình thức bán nước mía theo lít chỉ thực sự hiệu quả với khách công sở, công nhân, học sinh, sinh viên..., không phù hợp với khách vãng lai qua đường. Cũng vì thế, anh Kiên vẫn duy trì bán mía đá theo cốc cho khách mua lẻ ở cửa hàng.
Một lít nước mía 25.000 đồng chia ra được khoảng 4-5 cốc. Ảnh: Ngọc Lan. |
Chị Nguyễn Thị Thùy, nhân viên văn phòng một công ty bảo hiểm ở Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nắng nóng, ngại ra ngoài nên sau bữa trưa, chị em trong công ty góp tiền mua nước mía chỗ anh Kiên. "Tính ra, mua kiểu này, giá mỗi cốc nước chỉ 5.000-6.000 đồng. Trong khi đó, tại các quán, mía ít, đá nhiều mà giá cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3", chị Thuỳ cho hay.
Gần 1 tháng nay, bà Vân, ở gần đường Bưởi cũng thường xuyên mang chai tới mua. Mỗi lần, khách hàng này mua 1 chai 1,5 l, giá 37.000 đồng về để tủ lạnh uống dần.
"Nắng nóng, uống nước mía là cách giải nhiệt tốt nhất. Nhưng mua ở ngoài hàng, vừa đắt lại nhiều đá. Có khi họ để lâu, ruồi muỗi bâu vào không đảm bảo vệ sinh. Vì thế, mỗi lần tôi đặt anh Kiên ép cho 2 lít về uống dần", bà Vân chia sẻ.
Kinh doanh mía ép đơn giản, dễ làm, nhanh cho thu lời nên khi bước vào hè, các hàng quán lại thi nhau chuyển hướng kinh doanh. Thời điểm này, trên các vỉa hè Hà Nội, quán bán mía đá mọc lên nhan nhản.
Tuy nhiên, những hàng này chủ yếu bán theo cốc lẻ, giá dao động 8.000-12.000 đồng. Vào thời điểm nắng nóng, tại một số điểm hóng mát ở Hà Nội, giá lên đến 15.000, thậm chí 25.000 đồng.
Chị Phương Anh, chủ một hàng nước mía ở Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ý tưởng bán nước mía theo lít khá hay. Tuy nhiên, chị không làm do quán chủ yếu phục vụ khách vãng lai.
Ngoài ra, với những người bán cho khách đi đường như chị, "mánh" kinh doanh là lượng đá trong cốc càng nhiều, nước mía càng ít. Theo chị, kinh doanh mặt hàng này lãi cao do một cốc nước mía thì 2/3 là đá.
"Một cốc nước mía bán 10.000 đồng, trừ chi phí 4.000-5.000 đồng tiền nguyên liệu, đá và tiền điện, tiền công thu về còn được một nửa. Nếu nước mía nguyên chất bán theo lít với giá cao thì không ai mua, bán giá thấp thì khó có lời nếu không có chỗ mua rẻ", chị Phương Anh nói.
Còn bà Lan, một chủ hàng bán nước mía ở Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, bán theo lít rất khó, vì ít ai có nhu cầu mua nhiều. Ngoài ra, khâu vận chuyển khá phức tạp nên bà chỉ bán theo cốc lẻ tại cửa hàng.