Sự lừa dối không thể chấp nhận
Cụ thể, ngày 13/1, Chánh Thanh tra bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Tiến chính thức công bố danh tính 3 công ty sản xuất, kinh doanh và chế biến nước mắm sử dụng chất soda công nghiệp (chất tẩy rửa vệ sinh), gồm: công ty TNHH MTV Điều Hương (ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang); công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (số 47 Trần Phú, Phường 4, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); công ty TTHH thực phẩm Tấn Phát (tổ 1, ấp Tân Đông, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long).
Theo kết quả điều tra, để sản xuất nước mắm và nước mắm bán thành phẩm, các công ty này đã sử dụng dịch bột ngọt của công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam hoặc dịch nước tôm, dịch bổi cá và soda công nghiệp (Na2CO3) để sản xuất và chế biến nước mắm.
Trước thông tin này, TS. Trần Thị Dung, nguyên cán bộ vụ Khoa học và Công nghệ (bộ Thủy sản, nay thuộc bộ NN&PTNT) khẳng định: “Đây chắc chắn là một hành vi “đánh lừa” người tiêu dùng! Chưa kể đến việc sử dụng hóa chất công nghiệp để sản xuất nước mắm, những công ty này đã có sự lừa dối không thể chấp nhận được.
Bản chất nước mắm phải được sản xuất từ cá và muối. Và cứ cho là thay thế được, nhưng về nguyên tắc, để sản xuất thực phẩm thì nguyên liệu cũng phải đảm bảo, không thể là những phụ phẩm như đầu tôm, vỏ tôm, hay phế phẩm như “dịch bột ngọt” từ công ty cổ phần hữu hạn Vedan,… không đủ điều kiện để chế biến thực phẩm. Thậm chí, trước đây, phế phẩm từ sản xuất mì chính được xác định gây độc hại, hiện giờ liệu sau khi cô đặc lại có được công nhận là chất phụ gia hay không, cơ quan nào công nhận?”.
Theo phân tích của TS. Trần Thị Dung, dịch bột ngọt của công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam thường được các công ty này sử dụng thực chất là phế phẩm từ quá trình sản xuất mì chính được cô đặc lại để có độ ngọt tương đương mà giá thành lại rất rẻ. Tuy nhiên, dịch bột ngọt này lại mang tính axit nên phải dùng chất kiềm để trung hòa.
Để giảm giá thành, thay vì sử dụng soda thực phẩm thì chủ cơ sở lại sử dụng soda công nghiệp gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, sau đó cho thêm chất điều vị, chất bảo quản... Nước mắm thực chất phải được làm từ cá và muối qua ủ chượp cả năm trời mới ra thành phẩm.
“Vì thế, với công nghệ “siêu rẻ” như trên, rõ ràng nguồn gốc nguyên liệu sản xuất sản phẩm không đúng, hoàn toàn có thể coi là “đánh lừa” người tiêu dùng. Tuy nhiên, nguy hại hơn cả, là những sản phẩm này làm ảnh hưởng tới uy tín nước mắm truyền thống”, bà Dung nhấn mạnh.
Vị tiến sĩ cũng cho rằng: “Chính vì vậy, theo tôi, cần phải xử lý nghiêm, làm rộng rãi, làm tới cùng, công khai nguồn gốc cung cấp nguyên liệu không đảm bảo, công khai tất cả những công ty thu mua và mục đích sử dụng những nguyên liệu không đảm bảo, không được phép sử dụng… Tất cả phải minh bạch thông tin để người tiêu dùng lựa chọn”.
Lợi nhuận “mờ mắt”
Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Thực tế, soda cũng có được phép sử dụng trong thực phẩm, nhưng phải là loại soda được sản xuất để sử dụng cho thực phẩm.
Thậm chí, Na2CO3 cũng có thể được sử dụng trong công nghệ thực phẩm nhưng phải thực sự tinh khiết. Tuy nhiên, các công ty trên đã vì lợi nhuận, sử dụng soda công nghiệp (Na2CO3) có lẫn những tạp chất, chưa loại bỏ kim loại nặng hoặc những chất có hại cho sức khỏe con người... Vì soda dùng được trong công nghệ thực phẩm phải thật tinh khiết, thường cần một quá trình xử lý rất tốn kém thời gian, tiền bạc, nên giá thành cũng sẽ cao hơn nhiều so với soda sử dụng trong công nghiệp”.
Đối với hóa chất soda công nghiệp chứa một số thành phần kim loại nặng, sẽ gây những hậu quả khó lường cho người sử dụng. Hậu quả đó có thể diễn ra từ từ, âm thầm, mà ta không thể biết được, các kim loại nặng tích tụ lâu ngày sẽ tàn phá tế bào cơ thể, gây bệnh mãn tính, bệnh thần kinh, suy thận, tác hại lên tim mạch, gan; và ung thư là hậu quả sau cùng đáng lo ngại. “Có thể thấy, tất cả chỉ vì lợi nhuận làm “mờ mắt”! Chính vì vậy, các công ty đã sử dụng soda công nghiệp để sản xuất nước mắm cần phải được xử lý thích đáng!”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Theo đó, trong công nghiệp, Na2CO3 được dùng để nấu thủy tinh, sản xuất xà phòng, làm giấy, đồ gốm, phẩm nhuộm, dệt, keo dán gương, và điều chế nhiều muối khác của natri như borat, cromat...
Na2CO3 (natri cacbonat) thường dễ bị nhầm lẫn với NaHCO3 (natri hiđrocacbonat hay natri bicacbonat) vốn được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm và có nhiều tên gọi khác: bread soda, cooking soda hay baking soda. Trong khi đó, Na2CO3 là muối nhưng do tính ăn mòn cao nên chỉ dùng trong công nghiệp.
Trong trường hợp soda Na2CO3 tinh khiết 100% thì được phép dùng trong thực phẩm để chống đông, điều chỉnh độ axit và chất ổn định nhưng phải ở liều lượng an toàn theo quy định của bộ Y tế. Nếu không tinh khiết thì chỉ được phép dùng trong công nghiệp.
Vậy điều gì xảy ra nếu chúng ta ăn thực phẩm nhiễm soda công nghiệp trong thời gian dài?
Bản chất soda công nghiệp không phải là chất gây ung thư nhưng nó có thể trở thành một loại khí carbon monoxide nguy hiểm nếu tiếp xúc với thực phẩm có chứa đường khử (đường chứa nhóm aldehyde (-CHO) hoặc ketone (-CO) như glucose, fructose, arabinose, maltose, lactose).
Hít phải hóa chất này có thể dẫn đến các tác dụng phụ như kích thích đường hô hấp, ho, khó thở và phù phổi. Nếu nuốt phải soda công nghiệp, đặc biệt là với số lượng lớn, có thể gây bỏng miệng, cổ họng, dạ dày hoặc thực quản hoặc nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy.
Ngoài ra, da cũng có thể bị kích ứng đỏ hoặc sưng sau khi tiếp xúc soda công nghiệp trong thời gian dài. Với người mắc các bệnh về da, việc ăn uống thực phẩm chứa nhiều soda công nghiệp càng khiến tình trạng tổn thương da nặng thêm.
Trong trường hợp tiếp xúc mắt trực tiếp với soda công nghiệp có thể gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn.
Theo Chánh Thanh tra bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Tiến, dịch bột ngọt là phụ phẩm của quá trình sản xuất bột ngọt, có tính axit (pH từ 3-4) với giá thành rất rẻ, tính cả chi phí vận chuyển cũng chỉ có 500 đồng/lít. Theo quy trình khử chua, doanh nghiệp đưa khoảng 17.000 lít hỗn hợp gồm 95% dịch bột ngọt, 5% dịch nước tôm và 120 kg soda công nghiệp để trung hòa axit trong dịch bột ngọt. Đun hỗn hợp này bằng hơi nước trong thời gian 40-50 giờ, sau đó thu được dung dịch 800 lít nồng độ đạm đạt 25-350N.
Dung dịch này sau đó được cho chạy qua xác cá ủ chượp - thành phần loại thải sau khi thu hoạch nước mắm truyền thống và cho ra các sản phẩm dịch nước mắm. Dịch nước mắm này còn gọi là nước hoa cà và được bán với giá 7.000-9.000 đồng/lít cho cơ sở sản xuất nước mắm hoặc tiếp tục được cô đặc và cho thêm phụ gia chế biến (có mùi vị của nước mắm) để tạo thành các thành phẩm có độ đạm khác nhau.
Theo Cẩm Mịch (Nguoiduatin.vn)