CNN (Mỹ) ngày 15/4 đưa tin, chưa đầy một năm sau cuộc chiến thương mại đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc, vào năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp cao đến một nhà máy khiêm tốn ở Cám Châu - một thành phố công nghiệp nằm giữa những ngọn đồi nhấp nhô ở phía đông nam nước này.
Trong chuyến thăm đó, ông Tập đã xem kỹ từng khối kim loại màu xám bình thường được trưng bày trong hội trường nhà máy và tuyên bố với đoàn tùy tùng gồm các quan chức Trung Quốc rằng: "Đất hiếm là một nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng."
Gần sáu năm sau, sự thống trị của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng đất hiếm đã trở thành một trong những công cụ mạnh mẽ nhất của nước này trong cuộc chiến thương mại mới với Tổng thống Mỹ Trump. Các loại khoáng sản - được sử dụng để cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại thông minh đến xe điện - là thành phần quan trọng cho những công nghệ tiên tiến sẽ định hình tương lai.
Và không giống như thuế quan, đây là mặt trận mà Tổng thống Trump không có nhiều dư địa để trả đũa, CNN nhận định.
Trung Quốc hạn chế xuất khẩu 7 loại đất hiếm
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố có trữ lượng nhiều hơn vàng và có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ. Nhưng chúng khó khai thác và chế biến, quá trình đó cũng tốn kém và gây ô nhiễm môi trường.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ và các quốc gia khác đã phụ thuộc vào nguồn cung cấp những kim loại đã qua chế biến này của Trung Quốc. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc chiếm 61% sản lượng đất hiếm khai thác trên toàn cầu, nhưng quyền kiểm soát của nước này đối với giai đoạn chế biến chiếm 92% sản lượng toàn cầu.
Vào ngày 4/4, sau nhiều năm cảnh báo không chính thức, Bắc Kinh đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với 7 loại khoáng sản đất hiếm của nước này, như một phần trong hành động trả đũa đối với mức thuế "có đi có lại" ban đầu là 34% của Tổng thống Mỹ Trump đối với hàng hóa Trung Quốc. Các quy định mới yêu cầu tất cả các công ty phải xin phép Chính phủ Trung Quốc để xuất khẩu 7 loại khoáng sản này cũng như các sản phẩm liên quan, chẳng hạn như nam châm.
Nam châm làm từ đất hiếm được dùng để chế tạo động cơ và máy phát điện nhỏ, được sử dụng trong điện thoại thông minh, động cơ ô tô và máy bay phản lực, cũng như máy chụp cộng hưởng từ (MRI). Nam châm cũng là thành phần thiết yếu trong một số loạt vũ khí đắt tiền, từ máy bay chiến đấu tàng hình đến tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.
"Trung Quốc đang cho thấy rằng họ có thể phát huy sức mạnh kinh tế đáng kinh ngạc bằng chiến lược… đánh vào đúng chỗ mà ngành công nghiệp Mỹ đang gặp khó khăn ", Justin Wolfers - giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Michigan (Mỹ) - cho biết.
Ngày 15/4, Tổng thống Trump đã ra lệnh điều tra về thuế quan tiềm tàng đối với các loại khoáng sản quan trọng - loại tài nguyên bao trùm cả các nguyên tố đất hiếm, để đánh giá tác động của những mặt hàng nhập khẩu này đối với an ninh và khả năng phục hồi của nước Mỹ.
"Sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng nhập khẩu và sự dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng của chúng ta [Mỹ] làm tăng khả năng rủi ro đối với an ninh quốc gia, khả năng sẵn sàng phòng thủ, sự ổn định giá cả, sự thịnh vượng và khả năng phục hồi kinh tế", ông Trump cho biết trong một sắc lệnh hành pháp.
Kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, Mỹ đã cố gắng bắt kịp và xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước của riêng mình. Ba công ty trong ngành công nghiệp đất hiếm của Mỹ nói với CNN rằng họ đang trong quá trình mở rộng năng lực sản xuất và tìm nguồn cung ứng vật liệu từ các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Nhưng những nỗ lực đó sẽ mất nhiều năm để đáp ứng nhu cầu khổng lồ từ các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ.
Đơn hàng bị đình trệ
Hiện tại, tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Bắc Kinh đang được cảm nhận nhanh chóng trên thực tế.
John Ormerod - người sáng lập công ty tư vấn về nam châm đất hiếm JOC (Mỹ) - nói với CNN rằng các lô hàng nam châm đất hiếm thuộc sở hữu của ít nhất năm công ty Mỹ và châu Âu đã bị đình trệ ở Trung Quốc kể từ khi lệnh này được áp dụng.
"Họ đã bị bất ngờ nên có rất nhiều sự lúng túng ở phía họ và họ cần được chính quyền làm rõ về những thủ tục cần thiết [để có được giấy phép xuất khẩu bắt buộc]", ông nói.
Joshua Ballard - Tổng giám đốc điều hành của nhà cung cấp hàng đầu về nam châm đất hiếm USA Rare Earth - cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tập trung vào các loại đất hiếm "nặng", do Trung Quốc kiểm soát 98%. (Đất hiếm nặng ít phổ biến hơn, khó xử lý hơn và có giá trị hơn).
Ông nói thêm rằng điều này có nghĩa là các công ty hiện phải xin phép Bắc Kinh để cung cấp những vật liệu quan trọng này cho các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ.
"Ngay bây giờ, theo nghĩa đen, các hoạt động xuất khẩu này đang bị đình chỉ", Ballard nói. “Chúng tôi không tích trữ nhiều mặt hàng này trong kho ở Mỹ… Đây là nước đi tốt nhất của Trung Quốc. Họ không có nhiều đòn bẩy khi nói đến thuế quan đối với chúng tôi, nhưng họ chắc chắn có đòn bẩy ở đây.”
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc không chỉ nhắm vào các vật liệu đơn lẻ mà còn cả hợp kim và các sản phẩm có chứa các nguyên tố đất hiếm ngay cả ở số lượng tối thiểu, Thomas Kruemmer - Giám đốc công ty chuỗi cung ứng khoáng sản và kim loại Ginger International Trade and Investment (Singapore) cho biết.
“Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu hiện nằm trong hệ thống cấp phép này,” ông nói thêm, lưu ý rằng sự chậm trễ có thể xảy ra khi các nhà xuất khẩu điều hướng chuỗi cung ứng.
Theo Hữu Hiển (nguoiduatin.vn)