Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định dự án khu du lịch tâm linh 3.000 tỷ đồng tỉnh Hoà Bình đề xuất chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay, vừa qua, UBND tỉnh Hoà Bình có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép sử dụng gần 48 ha đất trồng lúa để xây khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy, dự kiến đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Dự án dự kiến được triển khai tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ do công ty TNHH một thành viên Pacific – Hoà Bình làm chủ đầu tư.
"Chúng ta đều biết việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng, những dự án lớn như thế này phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành Trung ương" – ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, ngày 10/9/2019, VPCP đã có văn bản số 1267 chuyển đến Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT xem xét. "Như vậy, dự án của tỉnh Hoà Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, theo đề xuất Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy có quy mô khách du lịch là 10 ngàn lượt khách/ngày, tương đương 3 triệu lượt khách/năm. Quy mô khách lưu trú (ngắn ngày và dài ngày) là 5.000 khách/ngày đêm.
Diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 120 ha (trong đó diện tích đất khoảng 82,31 ha, diện tích mặt nước 37,62 ha).
Theo hồ sơ, trong tổng mức đầu tư của dự án hơn 3.038 tỉ đồng thì vốn tự có của doanh nghiệp là hơn 455 tỉ tỉ đồng (chiếm 15 % tổng số vốn), phần còn lại là vốn vay và vốn huy động hợp pháp.
Được biết, chủ đầu tư xin thực hiện dự án này là Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình được thành lập năm 2016 do bà Phan Thanh Hà (SN 1986) làm Chủ tịch, có trụ sở chính tại thôn Lão Nội, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy.
Công ty TNHH Một thành viên viên Pacific - Hòa Bình là thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương. Lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chính của Tập đoàn Thái Bình Dương gồm: Công nghiệp, tổng thầu và bất động sản.
Tập đoàn Thái Bình Dương được thành lập từ năm 2001, với 4 cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Sỹ Thân, Lê Thanh Hải, Hoàng Anh Dũng và Phan Văn Quý.
Tính đến tháng 6/2019, từ vốn điều lệ ban đầu khoảng 1 tỷ đồng ban đầu Tập đoàn này đã tăng vốn điều lệ lên hơn 1.800 tỷ đồng. 3/4 cổ đông sáng lập đã thoái toàn bộ vốn, còn ông Phan Văn Quý hiện vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 5%.
Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương là chủ đầu tư của dự án cáo treo Hương Bình, cũng nằm tại địa phận huyện Lạc Thủy, Hòa Bình.
Dự án tuyến cáp treo Hương Bình có điểm đầu là nhà ga đi phía Nam nằm gần khu vực Chùa Tiên thuộc Quần thể hang động khu vực Chùa Tiên, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy và điểm cuối là nhà ga đến phía Bắc nằm gần khu vực chùa Long Vân thuộc di tích Chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội).
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương còn là chủ đầu tư một dự án du lịch nghỉ dưỡng Hương Sơn (tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Theo thông tin công khai trên Cổng thông tin điện tử huyện Mỹ Đức, dự án này có tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2025.
Ngoài ra, Tập đoàn Thái Bình Dương còn là "ông chủ" hàng loạt dự án lớn trên "đất vàng" Hà Nội và TPHCM. Có thể kể đến như Khu biệt thự Vườn Dừa tại Phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, Tập đoàn Thái Bình Dương là đối tác phát triển hàng loạt dự án lớn như Khu biệt thự cao cấp Hồ Tây, Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ và văn phòng Hoàng Thành Tower tại địa chỉ số 114 Mai Hắc Đế - Hà Nội (Nằm tại góc giao lộ giữa phố Mai Hắc Đế và phố Đoàn Trần Nghiệp, gần Toà tháp đôi Vincom).
Theo Nam Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)