Now bị kêu gọi tẩy chay: Ông chủ của ứng dụng giao đồ ăn đình đám VN làm ăn ra sao?

24/04/2021 08:49:37

Khi có các bài viết kêu gọi tẩy chay vì chính sách ghép đơn, một số tài xế trong các hội nhóm Now trên Facebook đã lên tiếng chỉ trích những người tiên phong, gọi đó là hành động "tự đạp đổ bát cơm" của chính mình.

Foody báo lỗ gần 2 tỷ đồng mỗi ngày

Now (tên cũ là Delivery Now) là dịch vụ giao hàng trực tuyến được ra mắt từ năm 2016, bởi Công ty Cổ phần Foody. Trước khi GrabFood, GoFood và Baemin xuất hiện và lớn mạnh, Now nắm giữ "ngôi vương" ở mảng giao đồ ăn trực tuyến trong suốt một khoảng thời gian dài. Hiện nay, Now đang được đầu tư mạnh mẽ và có sự lột xác trong công nghệ vận hành.

Sau 5 năm hoạt động, Now đã phát triển được hệ thống đối tác nhà hàng dày đặc, tuy nhiên, vẫn liên tục phải tung ra những chiến dịch khuyến mại cho khách hàng để cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành.

Now bị kêu gọi tẩy chay: Ông chủ của ứng dụng giao đồ ăn đình đám VN làm ăn ra sao?
Now (tên cũ là Delivery Now) là dịch vụ giao hàng trực tuyến được ra mắt từ năm 2016

Foody là công ty sở hữu ứng dụng Now - được thành lập vào tháng 6/2012 bởi ông Đặng Hoàng Minh, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty. Doanh nghiệp này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là cổng thông tin, cụ thể là dịch vụ thương mại điện tử, thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội.

Đến năm 2015, Foody chuyển đổi thành một nền tảng giao dịch cho các dịch vụ giao đồ ăn và đặt chỗ nhà hàng sau khi nhận được vốn đầu tư từ Garena and Tiger Global Management. Cùng năm, Foody ra mắt dịch vụ theo yêu cầu DeliveryNow, hiện đổi tên thành Now. Cũng trong năm này, Foody được Sea - công ty công nghệ tại Singapore - đầu tư từ giai đoạn gọi vốn series B.

Thời điểm đó, giao đồ ăn ở Việt Nam vẫn bị coi là một dịch vụ xa xỉ dành cho những người nước ngoài đang làm việc tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Tuy nhiên, nhà sáng lập Minh Hoàng không muốn dừng lại ở giao đồ ăn. Ông muốn xây dựng một hệ sinh thái dành cho Foody để gia tăng gắn kết với người dùng.

Now bị kêu gọi tẩy chay: Ông chủ của ứng dụng giao đồ ăn đình đám VN làm ăn ra sao? - 1
Hệ sinh thái của Foody

Năm 2016, doanh thu thuần của công ty đạt 32 tỷ đồng, bằng với lãi gộp (giá vốn hàng bán bằng 0). Tuy nhiên, việc phải chịu quá nhiều chi phí khiến cuối năm doanh nghiệp phải báo lỗ 40 tỷ đồng.

Thời điểm tháng 7/2017, nhà sáng lập Foody chia sẻ Now có gần 10.000 đơn hàng mỗi ngày. Con số ở thời điểm hiện tại có thể đã cao hơn nhiều. Now còn mở rộng sang các mảng giao thực phẩm, rượu bia, hoa, hàng tiêu dùng nhanh, thuốc và giặt ủi.

Khoảng tháng 9/2017, một nguồn tin từ DealstreetAsia cho biết Sea Group thâu tóm Foody trong một thương vụ có giá trị 64 triệu USD bằng việc mua lại 82% cổ phần của Foody, tương đương gần 1.500 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Foody âm đến 112 tỷ đồng, dù doanh thu tăng gấp 4 lần (lên 130 tỷ).

Dẫu vậy, sang năm 2018 và 2019, lợi nhuận sau thuế của chủ sở hữu ứng dụng Now âm còn nhiều hơn cả nguồn thu. Số lỗ lần lượt là 433 tỷ đồng rồi 650 tỷ, trong khi doanh thu thuần năm 2018 là 255 tỷ, năm 2019 là 519 tỷ. Riêng năm 2019, mỗi ngày Foody lỗ 1,8 tỷ đồng.

Now bị kêu gọi tẩy chay: Ông chủ của ứng dụng giao đồ ăn đình đám VN làm ăn ra sao? - 2
Nguồn: Zing

Dù làm ăn kém hiệu quả, nhưng số lỗ lũy kế của Foody chưa vượt quá vốn điều lệ. Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 672 tỷ đồng (tăng 204 tỷ đồng so với cùng kỳ), trong đó vốn chủ sở hữu là 244 tỷ, chiếm 36%.

Trong lần điều chỉnh vốn gần nhất vào tháng 3/2020, Foody đã tăng vốn điều lệ thêm 225 triệu đồng, lên 26,2 tỷ. Trong đó, vốn nước ngoài chiếm tới 99%, do cổ đông Airview Investment Private Limited góp.

Càng ghi nhận doanh thu cao, Foody càng báo lỗ nặng. Năm 2019, chủ sở hữu ứng dụng Now thu về 519 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế âm tới 650 tỷ. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2020, Qandme công bố một báo cáo cho thấy Now và GrabFood đang là hai dịch vụ giao đồ ăn phổ biến nhất tại Việt Nam.

Theo báo cáo này, 73% số người được hỏi thừa nhận đã từng sử dụng dịch vụ của GrabFood và Now. Bên cạnh đó, 34% số người được hỏi sử dụng Now nhiều nhất trong số các app. Tỷ lệ này chỉ thấp hơn một chút so với GrabFood (37%).

Tài xế Now vẫn "đơn thương độc mã" trên con đường đấu tranh đòi quyền lợi trọn vẹn

Theo thông tin đã đưa vài ngày gần đây, một số tài xế của Now đăng tải các bài viết kêu gọi tẩy chay dịch vụ giao đồ ăn nổi tiếng mà họ đang cộng tác vì chính sách ghép đơn bất hợp lý, ảnh hưởng tới thời gian giao hàng cũng như thu nhập của tài xế.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên tài xế của Now phản đối các chính sách của công ty. Năm 2020, giữa tình hình khó khăn của đại dịch COVID-19, chính sách về điểm thưởng của tài xế trong tháng đã được Now thay mới từ ngày 28/6, áp dụng tại TP.Hồ Chí Minh từ ngày 29/7 và Hà Nội từ 12/8.

Now bị kêu gọi tẩy chay: Ông chủ của ứng dụng giao đồ ăn đình đám VN làm ăn ra sao? - 3
Nhóm tài xế phản đối chính sách mới của Now hôm 12/8/2020. Ảnh: Anh em shipper Now

Cụ thể, chính sách gây tranh cãi của Now đưa ra, nếu một tài xế trước đây chỉ cần đạt cấp 4 - 5 là sẽ có thu nhập ổn định, với mỗi đơn hoàn thành được 10 điểm, cấp 4 cần 2800 điểm, cấp 5 cần 5400 điểm thì bây giờ đã nâng lên 5400 điểm với cấp 4 và 8400 điểm với cấp 5. Ngay lập tức đã có hàng trăm tài xế đến trụ sở của Now phản đối, nhưng đã không có sự thay đổi nào kể từ đó.

Không chỉ về cơ chế thu nhập, nhiều tài xế còn bức xúc vì cách đo khoảng cách của Now bị lệch km, thứ mà họ cho rằng Now đang đo bằng đường đi bộ chứ không phải xe máy. Ví dụ, khoảng cách thực tế tới quán bằng xe máy là 7km thì trên ứng dụng chỉ báo khoảng 4,9km.

Bên cạnh đó, nhiều tài xế cũng tố Now thu phí giao tận cửa của khách hàng là 5.000 đồng và phí dịch vụ sau 10h là 10.000 đồng nhưng không chia cho tài xế.

Now bị kêu gọi tẩy chay: Ông chủ của ứng dụng giao đồ ăn đình đám VN làm ăn ra sao? - 4

Now bị kêu gọi tẩy chay: Ông chủ của ứng dụng giao đồ ăn đình đám VN làm ăn ra sao? - 5

Now bị kêu gọi tẩy chay: Ông chủ của ứng dụng giao đồ ăn đình đám VN làm ăn ra sao? - 6
Dưới các bài đăng kêu gọi tẩy chay Now thu hút rất nhiều bình luận của cộng đồng mạng

Khác với Grab, khi chuyện tài xế biểu tình phản đối chính sách của công ty như "chuyện thường ngày ở huyện", Now lại cho thấy hình ảnh hiền hòa hơn khi những bê bối chỉ dừng lại mức nhỏ, với việc người dùng phàn nàn về chất lượng dịch vụ, điều sau đó đã được bộ phận chăm sóc giải quyết nhanh chóng và Now được đánh giá đang có các chính sách ưu đãi tốt và mức thu nhập khá cao cho tài xế.

Trên thực tế, ngay cả trong cộng đồng tài xế cũng chia rẽ quan điểm về việc lên tiếng đòi quyền lợi với Now. Một số tài xế chọn chấp nhận mọi sắp đặt của công ty để yên ổn kiếm tiền, thay vì đòi hỏi những thứ mà họ cho rằng là viển vông, không thể đạt được.

Now bị kêu gọi tẩy chay: Ông chủ của ứng dụng giao đồ ăn đình đám VN làm ăn ra sao? - 7
Tài xế Now vẫn "đơn thương độc mã" trên con đường đấu tranh đòi quyền lợi trọn vẹn. Ảnh: Người đưa tin

Khi có các bài viết kêu gọi tẩy chay vì chính sách ghép đơn, một số tài xế trong các hội nhóm Now trên Facebook đã lên tiếng chỉ trích những người tiên phong, gọi đó là hành động "tự đạp đổ bát cơm" của chính mình.

Tài xế nhờ khách hàng tẩy chay Now để đòi quyền lợi, nhưng khi quyền lợi có rồi, khách hàng cũng không còn nữa, số lượng đơn nhận được thấp hơn hẳn. Những người trong cuộc đã thấm thía rằng, tài xế Now vẫn "đơn thương độc mã" trên con đường đấu tranh đòi quyền lợi trọn vẹn.

Quy mô thị trường giao đồ ăn của Việt Nam tương đối nhỏ, trong khi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh như GoJek, Grab Food và mới tham gia gần đây là Baemin.

Số liệu từ Statista cho biết doanh thu mảng giao đồ ăn trực tuyến của Việt Nam ghi nhận ở mức 302 triệu USD trong năm 2020, cao hơn so với Thái Lan (275 triệu USD) nhưng thấp hơn nhiều so với Indonesia (1,9 tỷ USD) và Singapore (464 triệu USD).

Hơn nữa, giao đồ ăn hiện là mảng có biên lợi nhuận thấp. Thậm chí gần như không có lợi nhuận. Bởi vậy, yếu tố để khác biệt vẫn là tăng lượng đặt hàng và giảm chi phí.

Now bị kêu gọi tẩy chay: Ông chủ của ứng dụng giao đồ ăn đình đám VN làm ăn ra sao? - 8
Nguồn: Vietnambiz

Trong vài năm qua, các công ty đặt xe và giao hàng công nghệ đã đốt hàng triệu USD của nhà đầu tư để thu hút khách hàng Việt Nam bằng nhiều chiến lược như: giảm giá mạnh cho người dùng và ưu đãi hào phóng cho tài xế, những người làm việc với tư cách là đối tác độc lập với ít các điều kiện bảo hộ lao động.

Now cũng không nằm ngoài cuộc chơi trước sự cạnh tranh khốc liệt của những ông lớn Grab Food và Baemin. Vấn đề hiện tại là khi các nhà đầu tư đã chi đậm và đây là thời điểm họ mong muốn thu lại lợi nhuận khi lượng tiền đang cạn dần.

Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)