Thị trường diễn biến tích cực trên diện rộng với nhiều cổ phiếu ngân hàng, dệt may, dầu khí,... tăng điểm mạnh. Một số cổ phiếu bất động sản hồi phục ấn tượng.
Đóng cửa phiên sáng 11/1, chỉ số VN-Index tăng gần 9 điểm, lên trên ngưỡng 1.060 điểm. HNX-Index cũng tăng khá mạnh.
Cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Novaland phần lớn tăng trần trong phiên, lên 14.900 đồng/cp. Cổ phiếu Đất Xanh (DXG) cũng tăng trần lên 13.400 đồng/cp. Bất động sản Phát Đạt (PDR) tăng khá mạnh.
Cổ phiếu Sabeco (SAB) tăng mạnh thêm 5.300 đồng, lên 181.400 đồng/cp. Bảo Việt (BVH), Ngân hàng ACB (ACB), Chứng khoán SSI (SSI), Vinhomes (VHM), Vingroup (VIC),... tăng mạnh và là trụ đỡ cho thị trường.
Nhiều cổ phiếu ngành dệt may giao dịch tích cực như STK, TNG, MSH, VGT, TCM...
Doanh nghiệp ngành dệt may ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong quý III/2022 nhưng hụt hơi trong quý cuối năm do lượng đơn hàng giảm mạnh do tồn kho cao, trong khi sức cầu tiêu dùng ở nhiều nước suy giảm do ảnh hưởng từ lạm phát cao và suy thoái.
Tuy nhiên, sức cầu ở nhiều nước, trong đó có Mỹ, gần đây tăng trở lại do thị trường lao động diễn biến tích cực và lạm phát có dấu hiệu giảm. Về dài hạn, ngành dệt may Việt Nam có triển vọng tích cực, với dự báo tăng trưởng đạt 6,8-7% trong giai đoạn 2021-2030.
Nhóm cổ phiếu dầu khí nối dài đà tăng điểm. Petrolimex (PLX) tăng thêm 1.200 đồng, lên 38.000 đồng/cp. Các mã như PVS, PVD, PVC,... diễn biến tích cực.
Nhóm cổ phiếu dầu khí gần đây được các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Dragon Capital, tăng cường mua vào.
Theo Chứng khoán VND, giá dầu khả năng duy trì ở mức cao trong năm 2023 bởi OPEC+ có thể kiểm soát nguồn cung. Luật Dầu khí sửa đổi được thông qua vào tháng 11/2022 giúp tạo hành lang pháp lý thông suốt cho các nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Giá dầu cao là yếu tố hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp dầu khí trong nước. Tiềm năng sẽ đến từ một số dự án quy mô nhỏ, đặc biệt là từ siêu dự án Lô B - Ô Môn. Một số doanh nghiệp như GAS sẽ hưởng lợi theo hướng nguồn khí tăng lên, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu điện - đạm.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bị bán mạnh, trong đó có IBC của Apax Holdings đứng đầu là ông Nguyễn Ngọc Thủy. Cổ phiếu IBC đầu giờ sáng 11/1 tăng trần phiên thứ 9 liên tiếp sau khi giảm 26 phiên sàn trước đó. Tuy nhiên, ngay sau đó, IBC quay đầu giảm sàn, dư bán lên tới gần 4,3 triệu đơn vị.
Apax Holdings đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia... IBC là doanh nghiệp duy nhất trong Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Gần đây, một số doanh nghiệp của Shark Thủy vướng lùm xùm về chất lượng dạy học, chậm trả hoặc nợ lương nhân viên cũng như vấn đề nợ trái phiếu.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)