Mở cửa phiên giao dịch sáng 11/9, áp lực bán giảm bớt sau khi thị trường chứng khoán vừa giảm hơn 12 điểm trong phiên liền trước. Trong phiên 10/9, nhiều cổ phiếu ngân hàng, cùng với ông lớn công nghệ VNG (VNZ) và nhóm bảo hiểm giảm mạnh.
Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn bao trùm trên thị trường trong phiên sáng 11/9.
Áp lực bán tăng lên từ khoảng 10h, sau khi có thông tin cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland) bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Lý do bởi tập đoàn này chậm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét qua 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.
Cổ phiếu NVL ngay lập tức quay đầu giảm sàn, mất 850 đồng (-7%) xuống 11.850 đồng/cp. Vào đầu giờ sáng 11/9, cổ phiếu này còn tăng điểm nhẹ lên 12.750 đồng/cp. Tới 10h40, có hơn 30 triệu cổ phiếu NVL được khớp lệnh, phần lớn ở mức giá sàn. Dư bán sàn vẫn đạt gần 4 triệu đơn vị.
Nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng giảm giá. Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 850 đồng xuống 41.950 đồng/cp. Vingroup (VIC) giảm 800 đồng, xuống 42.200 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) giảm 300 đồng, xuống 18.900 đồng/cp.
DIC Corp (DIG) giảm 650 đồng xuống 21.850 đồng/cp. Đất Xanh (DXG) giảm nhẹ 200 đồng.
Đa số các mã trụ cột nhóm VN30 giảm giá, chỉ có SeABank (SSB) và VietJet (VJC) tăng nhẹ.
Tới 10h45, chỉ số VN-Index giảm hơn 10 điểm, về mức 1.245 điểm.
Cổ phiếu VNZ của CTCP VNG tăng khoảng 40.000 đồng, lên 380.000 đồng/cp sau khi giảm mạnh trong nhiều phiên trước. Cuối tuần trước, VNZ đã bổ nhiệm ông Kelly Wong vào vị trí quyền tổng giám đốc. Dù vậy, công ty chủ sở hữu mạng Zalo cho biết, ông Lê Hồng Minh vẫn là CEO.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm như BVH, PVI, MIG, BIC, PTI… chịu áp lực bán sau khi giảm mạnh trong phiên trước, giới đầu tư lo ngại Yagi có thể tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh ngành bảo hiểm.
Theo đề nghị của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp chủ động xác định thiệt hại về người và tài sản, tạm ứng, bồi thường và trả tiền bảo hiểm kịp thời cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng.
Khối ngoại có xu hướng mua nhiều hơn bán tại nhiều cổ phiếu trụ cột trong phiên sáng 11/9. Tuy nhiên, giao dịch vẫn khá thấp. Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều tỷ USD kể từ đầu năm tới nay và là một trong những lực cản lớn đối với thị trường chứng khoán.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)