Khởi tố 5 cán bộ Tập đoàn EVN và Bộ Công thương
Tối 4/11, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Trần Quốc Hùng (SN 1976, Phó trưởng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị khởi tố cùng ông Hùng có 4 người khác, gồm: Trịnh Văn Đoàn (SN 1982, Chuyên viên Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương); Nguyễn Hữu Khải (SN 1977, Trưởng phòng Kinh doanh mua bán điện, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Đỗ Ngọc Tuyền (SN 1988, Chuyên viên Phòng Kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và Trương Hoàng Dũng (SN 1982, Chuyên viên Phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, Công ty Mua bán điện, EVN.
Trước đó, chiều 4/11, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đến việc đảm bảo cung ứng điện và việc xử lý cán bộ liên quan đến cung ứng điện.
Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương, vừa qua Bộ Công Thương đã giám sát việc thực hiện kết luận của các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có Tập đoàn EVN. Theo đó, tổ chức kiểm điểm tại 24 đơn vị trong tập đoàn, 85 tập thể, 161 cá nhân có liên quan. Hiện EVN đã làm rõ trách nhiệm thực hiện xử lý kỷ luật một số nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý, bao gồm xem xét kỷ luật bằng hình thức khiển trách với một phó tổng giám đốc phụ trách điều độ hệ thống điện; ban hành quyết định kỷ luật khiển trách với ba giám đốc, phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.
Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề xuất kỷ luật khiển trách với một nguyên chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn và thành viên hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc của tập đoàn. Do vấn đề này vượt thẩm quyền nên Ủy ban đang báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Nhà xe Thành Bưởi bị tước giấy phép kinh doanh
Quyết định xử phạt vừa được Thanh tra Sở Giao thông vận tải TPHCM đưa ra vào chiều 3/11. Theo đó, Công ty TNHH Thành Bưởi bị phạt 91 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải 3 tháng.
Liên quan đến vi phạm của nhà xe Thành Bưởi, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra chiều nay 4/11, phóng viên nêu ra nhiều câu hỏi cho đại diện các bộ: Tài chính, Giao thông và Công an.
Với câu hỏi về nghi vấn trốn thuế của Công ty Thành Bưởi mà báo chí đặt ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, gần đây, qua tổng hợp và giám sát công ty có nhiều hoạt động kê khai bổ sung và điều chỉnh 24 hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm từ 2019 - 2022.
Công ty này sau đó đã nộp số thuế tăng thêm, trong đó: thuế giá trị gia tăng năm 2019 nộp thêm 1,9 tỉ đồng; 2022 tăng thêm 2,7 tỉ đồng. Thuế thu nhập doanh nghiệp nộp tăng thêm năm 2019 là 8,7 tỉ đồng và 2020 tăng thêm 3,6 tỉ đồng… “Chỉ tính từ ngày 10 - 31/10, công ty này đã nộp 21,4 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước tại Cục Thuế TPHCM”, ông Chi cho hay.
Trước đó, quyết định xử phạt được Thanh tra Sở Giao thông vận tải TPHCM đưa ra vào chiều 3/11. Theo đó, Công ty TNHH Thành Bưởi bị phạt 91 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải 3 tháng.
Trong các vi phạm của doanh nghiệp này, vi phạm nặng nhất về việc khám sức khỏe cho tài xế không đầy đủ, bị phạt 22 triệu đồng. 5 lỗi khác, mỗi hành vi bị phạt 11 triệu đồng. 2 lỗi còn lại, mỗi hành vi bị phạt 7 triệu đồng.
134.284 cán bộ, công chức có thể không được tăng lương từ 1/7/2024
Theo phương án cải cách chính sách tiền lương đang được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này để áp dụng từ 1/7/2024, sẽ có 5 bảng lương được xây dựng theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo, quản lý, loại bỏ hết những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù.
Tuy nhiên, có khoảng 134.284 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung từ 0,66 lần đến 2,43 lần).
Khi cải cách tiền lương, các trường hợp này phải thực hiện chuyển xếp vào lương mới. Và khi bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù, tiền lương mới, kể cả phụ cấp của những cán bộ, công chức này có thể thấp hơn so với trước khi cải cách tiền lương.
Một tỉnh có hơn 600 doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động
Tại Hà Tĩnh, trong thời gian vừa qua hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua còn gặp khó khăn.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm nay của tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, tính từ đến ngày 18/9 có 157 doanh nghiệp giải thể (tăng 28,69% so với cùng kỳ năm 2022); 471 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động (tăng 22,98% so với cùng kỳ). Như vậy, có tổng 628 doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh thành lập mới là hơn 870 doanh nghiệp, giảm 16,98% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 3.500 tỷ đồng, giảm 48,58% so cùng kỳ năm trước, vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt hơn 4 tỷ đồng, giảm 38,06% so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại sau khi tạm dừng là hơn 280.
Bộ Tài chính điểm tên hơn 1.000 dự án chậm tiến độ, lãng phí
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 74 năm 2022 của Quốc hội về giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có nội dung về xử lý dự án chậm tiến độ, lãng phí.
Theo báo cáo, việc phân loại để: Xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm, tiêu cực, tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí. Xử lý 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; Xử lý 19 dự án chậm triển khai, gặp khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Theo Duy Phạm (Tiền Phong)