Nóng dự thảo ngân hàng mua trái phiếu: Cổ phiếu bất động sản ngập ngừng tăng giá

28/03/2023 13:39:50

Nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng ngập ngừng tăng giá trong bối cảnh thị trường đón nhận thông tin nóng bỏng về dự thảo sửa đổi quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp đối với các ngân hàng.

Mở cửa phiên giao dịch 28/3, đa số cổ phiếu ngân hàng và bất động sản tăng giá. Tới 9h20 chỉ số VN-Index tăng gần 6 điểm, lên 1.058 điểm.

Cổ phiếu Ngân hàng BIDV (BID) tăng 700 đồng lên 46.700 đồng/cp. Techcombank (TCB) của ông Hồ Hùng Anh tăng 550 đồng, lên 27.050 đồng/cp. Sacombank (STB) của ông Dương Công Minh tăng 300 đồng, lên 25.800 đồng/cp...

Novaland (NVL) tăng 450 đồng, lên 13.150 đồng/cp. Cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng giá nhẹ, trong khi Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 500 đồng, xuống 47.900 đồng/cp.

Thị trường chứng khoán mở cửa phản ứng tích cực trong bối cảnh giới đầu tư đón nhận thông tin nóng về dự thảo sửa đổi quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp đối với các ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập CTCP FIDT - cho rằng, dự thảo có vài điểm tích cực. Dự thảo mang tính quản lý chặt chẽ và làm rõ các điều khoản hơn là gỡ bỏ các điều kiện chặt chẽ.

Nóng dự thảo ngân hàng mua trái phiếu: Cổ phiếu bất động sản ngập ngừng tăng giá
Thị trường chứng khoán gần đây giao dịch trầm lắng. (Ảnh: NK)

Theo ông Tuấn, một điểm mở của dự thảo là ở chỗ mua lại trái phiếu đã bán. Theo Thông tư 16, ngân hàng không được mua lại trái phiếu không niêm yết đã bán trong vòng 12 tháng, sau 12 tháng thì được phép mua lại nhưng với các điều khoản khá khắt khe.

Dự thảo sửa đổi cho phép tạm ngừng áp dụng khoản này đến hết ngày 31/12/2023. Tức là từ nay đến thời điểm kể trên, các ngân hàng được mua lại trái phiếu đã bán (không cần đợi 12 tháng) nhưng vẫn phải tuân thủ các điều khoản chặt chẽ.

Dự thảo quy định bổ sung hoặc sửa đổi mang tính chặt chẽ hơn. Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định TCTD chỉ có thể mua TPDN khi hệ số Nợ/Vốn chủ sở hữu (bao gồm cả khối lượng TPDN dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần dựa trên báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán. Các quy định khác quan trọng đối với từng TCTD vẫn được giữ, theo nguyên tắc: phải có nợ xấu (NPL) < 3%; kiểm soát được mục đích sử dụng vốn; có phương án khả thi trong việc đảm bảo thanh toán gốc và lãi đúng hạn và DN không có nợ xấu...

Theo FIDT, một trong những điều khoản được các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng nhiều nhất là sửa đổi điểm a khoản 8 Điều 4 về mục đích phát hành TPDN để cơ cấu lại nợ vốn được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất sửa đổi hoặc ngưng hiệu lực thi hành đến hết 2024 đã không được nhắc đến trong dự thảo này.

Dù vậy, thị trường chứng khoán tới giữa phiên giao dịch sáng 28/3 vẫn duy trì được sắc xanh và tăng điểm nhẹ.

Giới đầu tư đón nhận một số thông tin tích cực khác như: Việc Thủ tướng yêu cầu NHNN triển khai gói 120.000 tỷ đồng và chỉ đạo ngân hàng thương mại phân loại dự án bất động sản để giãn nợ. 

Bên cạnh đó, việc lãi suất giảm nhanh trên các thị trường, từ huy động, cho vay cho tới lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng,... cũng là yếu tố tác động tốt tới tâm lý các nhà đầu tư. Trong hai tuần qua, cả chục ngân hàng đã giảm lãi suất huy động 0,1-0,7% sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành vào giữa tháng 3. Hiện tại, chỉ còn hai ngân hàng niêm yết lãi suất trên 9% một năm gồm ABBank (9,1%) và SCB (9%).

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)