Livestream bán nông sản ngày càng thịnh hành
Cách đây gần 1 năm, cô gái 9X Nguyễn Thị Tường Thảo mang 2 tấm bằng đại học kỹ sư ngành hóa và cử nhân kinh tế về quê Lâm Đồng với ước mơ khởi nghiệp bán hàng nông sản. Cô lập kênh TikTok Món lạ vườn nhà và một mình đảm nhận tất cả các khâu để làm ra clip về nông sản đăng lên kênh của mình.
Các video ngắn của Thảo làm giới thiệu về chanh ngón tay, ớt trái cây thu hút hàng triệu lượt xem. Lần đầu tiên livestream bán hàng trên Tiktok, Thảo chốt gần 1.000 đơn hàng chỉ sau 15 phút.
Từ đó đến nay, Thảo bắt tay với HTX sản xuất để họ chuyên sản xuất các loại nông sản, còn cô nhận nhiệm vụ quảng bá sản phẩm và livestream (phát sóng trực tiếp) bán hàng. Cách bán hàng thông qua nền tảng mạng xã hội của Thảo giúp doanh thu của HTX đạt hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Tiktoker Nông Cẩm Quỳnh cũng chọn bán các loại nông sản của quê hương Tuyên Quang của mình như: sắn dây, măng nứa, mơ, chè đậu đen, lạp xưởng… Có tháng cô bán tới cả 100 tấn sâm đất, 3 tấn mơ rừng.
Cô đã xây dựng 4 kênh Tiktok, trong đó có 2 kênh hoạt động hiệu quả là Nông sản Tuyên Quang, Nông sản của Quỳnh.
Hiện, làm video ngắn quảng bá nông sản, livestream bán các sản phẩm này trên nền tảng Tiktok đang trở thành xu hướng của bạn trẻ hiện nay. Điều đáng nói, các Tiktoker đang bắt tay với người nông dân để đưa nông sản lên Tiktok Shop – chợ thương mại điện tử mới ở nước ta.
Vừa mới đây, tại phiên chợ OCOP 4.0, hàng loạt Tiktoker nổi tiếng như: Thơ Nông Sản, Thảo Nguyên Farmer, Nông sản Dược liệu vùng cao, Kiều Chinh Trà, Toàn ở Thái Nguyên, Nông sản Tây Bắc, Bình Sâm, Ăn Sập Thái Nguyên... cùng bà con nông dân tham gia các phiên livestream quảng bá và bán các sản phẩm OCOP.
Chỉ một buổi sáng, 32 phiên livetream được thực hiện, thu hút 552.000 người xem, đem về doanh thu 340 triệu đồng.
Đầu tháng 8, các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok đã hỗ trợ quảng bá, lan tỏa thông tin sản phẩm OCOP của Lâm
Đồng tới người tiêu dùng cả nước. Các buổi livestream đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, trên 535.000 lượt click vào xem phiên live.
Cuối tháng 6 vừa quan, các TikToker đã livestream để bán hàng trên nền tảng mạng xã hội Tiktok. Sau 4 giờ chốt bán được gần 50 tấn vải thiều, một lượng lớn thịt trâu gác bếp, mì Chũ và các sản phẩm OCOP của Bắc Giang.
Dạy người nông dân livestream bán hàng
Không chỉ quảng bá, bán nông sản và các sản phẩm OCOP, gần một năm nay TikToker Trần Phương Dung ở TP.HCM đi khắp các tỉnh dạy bà con nông dân livestream bán hàng trên nền tảng TikTok.
“Chúng em muốn đưa người nông dân lên livestream, để họ tự kể về hành trình tạo ra từng sản phẩm, để người xem hiểu về vùng đất đó, con người đó, văn hoá nơi đó”, Dung nói. Theo cô, đây là cách bán hàng bằng cảm xúc mà bản thân mình đã trải qua, nay chia sẻ lại cho người nông dân ở các vùng miền cùng làm.
Các bác nông dân rất ham học hỏi, có hôm miệt mài học đến 17h vẫn chưa muốn nghỉ. Nhiều nông dân chốt được đơn hàng ngay ở buổi học đầu tiên. Mặc dù không giỏi về máy tính hay điện thoại trên các nền tảng, nhưng bà con vẫn hăng hái học và hỏi cho tới khi “chìa khoá trao tay mới thôi”, Dung chia sẻ.
Sau mỗi lớp tập huấn ở các tỉnh cho nông dân live, Dung lại lập một nhóm trò chuyện để mọi người thuận tiện trao đổi thông tin.
Theo Dung, bán hàng trên các nền tảng số đang là mảnh đất màu mỡ. Ở nước ta có rất nhiều nông sản ngon, sản phẩm OCOP nổi tiếng nhưng không được quảng bá rộng rãi, người tiêu dùng cũng chưa hiểu nhiều về câu chuyện làm ra các sản phẩm này. Bởi vậy, Dung đi các tỉnh để mở các lớp dạy livestream miễn phí, giúp bà con tự quảng bá và bán các sản phẩm của mình trên chợ online.
Theo chủ trương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, TikTok với vai trò đối tác chiến lược đã không ngừng đưa ra những sáng kiến mới nhằm xúc tiến thương mại nông thôn, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Thông qua dự án này, TikTok đặt mục tiêu cải thiện sinh kế của 20.000 nông dân địa phương, người dân thuộc các làng nghề thủ công và các doanh nghiệp nhỏ trải dài trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương và thúc đẩy du lịch trên các vùng miền.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, cần tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước thông qua các kênh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội tương tác. Ông dẫn chứng, tỉnh Bắc Giang đã chủ động kết nối nhiều hình thức đa dạng, mới lạ, thu hút sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, đến từ nhiều vùng miền khác nhau, để xúc tiến tiêu thụ vải thiều.
Bộ trưởng cho rằng, đây là “những chiếc cầu” để người nông dân chủ động nâng cấp, cập nhật, mở những con đường khác để nông sản ra thị trường, chứ không chỉ là những phương cách truyền thống lâu nay.
“Song song với việc chuyển nông sản đến với chợ, đến thị trường, thì giờ đây, nhiều nơi đang chủ động, mạnh dạn đưa chợ, đưa thị trường, mời người tiêu dùng, mời du khách về với vườn ruộng của mình”, Bộ trưởng Hoan nhìn nhận.
Theo Tâm An (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/nong-dan-bat-tay-voi-tiktoker-nong-san-dat-nhu-tom-tuoi-o-cho-moi-2193066.html