"Nóng" chuyện tăng lương, tăng ca

04/07/2015 07:55:01

Hàng chục lãnh đạo các doanh nghiệp (DN), hiệp hội đã thẳng thắn đối thoại với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH về những bất cập trong chính sách hiện nay liên quan tới người lao động trong ngày 3/7. Hội trường “nóng” lên khi đại diện DN đề cập vấn đề tiền lương, tăng ca, phí công đoàn...

Hàng chục lãnh đạo các doanh nghiệp (DN), hiệp hội đã thẳng thắn đối thoại với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH về những bất cập trong chính sách hiện nay liên quan tới người lao động trong ngày 3/7. Hội trường “nóng” lên khi đại diện DN đề cập vấn đề tiền lương, tăng ca, phí công đoàn...


Buổi đối thoại riêng về chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội giữa cộng đồng DN và lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Theo tổng hợp ý kiến từ cộng đồng DN do VCCI thực hiện, lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đã được đưa ra, nhưng vẫn khiến DN băn khoăn. Theo báo cáo, dù lương đã được tăng nhưng mức đó đã tương xứng với năng suất lao động hay chưa là vấn đề chưa có lời giải.
 
Ông Geoffrey Paul, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hồng Kông Việt Nam (HKBAV) thắc mắc, việc tăng lương tối thiểu của Việt Nam dựa trên cơ sở nào (lạm phát, hay GDP) vẫn chưa rõ ràng. “Cơ sở tính mức tăng và lộ trình tăng lương tối thiểu vùng cần được các cơ quan quản lý công bố công khai, từ đó các DN lường trước mức tăng để có sự chuẩn bị”, ông Geoffrey Paul nói. Ngoài ra, theo Chủ tịch HKBAV, quy định tính lương trả cho người lao động qua đào tạo nghề phải cao hơn 7% so với lương tối thiểu vẫn chưa hợp lý.

 Nếu thường xuyên có đối thoại, đời sống công nhân sẽ được cải thiện. Ảnh: Phạm Anh.

Cụ thể, ông Geoffrey Paul cho rằng, nhiều công nhân Việt Nam học qua các trường đào tạo nghề, nhưng khi đi làm tay nghề không đảm bảo yêu cầu tối thiểu nhất, buộc DN phải đào tạo lại. “DN vừa mất chi phí đào tạo lại, vừa phải trả tăng thêm 7% lương tối thiểu, bỗng dưng DN phải gánh thêm chi phí”, Chủ tịch HKBAV nói.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, trong tháng 7 này, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp để bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Phương án tăng lương tối thiểu được hội đồng thông qua sẽ trình Chính phủ xem xét quyết định, thời điểm tăng theo lộ trình là từ 1/1/2016.

“Mức tăng lương tối thiểu vùng năm tới có thể tương đương mức tăng của năm nay. Hiện phương án tăng lương của đại diện người lao động và đại diện giới chủ trình lên Hội đồng tiền lương Quốc gia đang vênh nhau rất lớn. Do đó, cần tính toán, cân nhắc hợp lý để hài hòa lợi ích các bên”, ông Huân nói. Trong lần tăng lương tối thiểu vùng năm 2015, mức tăng bình quân khoảng 15,1%.

Theo báo cáo của VCCI, các DN cũng đề xuất xem xét lại quy định thời gian làm thêm (tăng ca), vì quy định của Việt Nam còn khắt khe hơn cả các nước phát triển. Cụ thể, Việt Nam quy định thời gian tăng ca không quá 25 giờ/tháng, trong khi Malaysia là 104 giờ/tháng, Đài Loan 46 giờ/tháng, Nhật Bản 30 giờ/tháng…

“Nếu các DN tuân thủ quy định pháp luật sẽ phải chịu áp lực rất lớn trong tiến độ giao hàng. Nhưng nếu tăng thêm giờ làm sẽ vi phạm luật”, bà Vi Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) nói. Do đó, bà Minh đề xuất nghiên cứu cho thêm số giờ tăng ca.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội DN Hưng Yên cho rằng, các nước phát triển thu nhập đầu người ở mức hàng chục ngàn USD còn cho tăng ca nhiều hơn Việt Nam. “Chúng ta đã nghèo lại thích chơi thì không được. Người lao động không tăng ca lương chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, nếu họ không làm thêm ở công ty cũng phải về nhà làm thêm việc khác để sống. Vậy tại sao không tạo điều kiện cho họ tăng ca ở công ty, để đôi bên cùng có lợi”, ông Dương nói.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, khi xây dựng Luật Lao động 2012 vấn đề giờ làm thêm đã gây nhiều tranh cãi. “Khi trình Quốc hội, chúng tôi đưa ra nhiều phương án về giờ làm thêm, nhưng rất tiếc lúc đó các đại biểu là doanh nhân đều không có ý kiến gì. Giờ chúng tôi cũng chỉ có thể ghi nhận để báo cáo, vì quyết định do Quốc hội, hy vọng năm 2016 có thể sửa được”, ông Huân nói.

Phí công đoàn: “Lâu lâu rủ nhau đi chơi là chính”

Tại buổi đối thoại, các DN cũng lên tiếng về việc trích công đoàn phí cho công đoàn cấp trên, trong khi công đoàn các cấp ít có hoạt động giúp ích cho DN. “Hầu như công đoàn cấp trên không có hoạt động gì, ngoài mỗi năm xuống DN thu phí 3 lần và thanh tra 1 lần”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nói.

Đáp lại, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, mức trích phí cho công đoàn cấp trên chỉ chiếm 3,5% công đoàn phí người lao động và DN đóng góp. “Mức phí này không nhiều, được dùng chi trả lương cho công đoàn các cấp và các hoạt động hỗ trợ DN. Kinh phí này được sử dụng rất tằn tiện và kiểm toán chặt chẽ”, ông Quảng nói. Tuy vậy, ông Quảng thừa nhận đâu đó có công đoàn cấp trên chưa đáp ứng được yêu cầu, mong DN chia sẻ.

Ông Quảng vừa dứt lời, ông Nguyễn Xuân Dương đã phản bác. Theo ông Dương tính toán, cả nước có khoảng 5 triệu công đoàn viên, mỗi năm phí nộp lên cho công đoàn cấp trên khoảng 5.500 tỷ đồng. “Chừng ấy tiền chi gì hết, phải thừa rất nhiều, nên lâu lâu rủ nhau đi chơi là chính, còn có giúp gì cho DN đâu”, ông Dương nói.

Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và Bộ LĐ-TB&XH, các doanh nghiệp cho rằng việc đóng và chi trả bảo hiểm xã hội chưa tương ứng. Cụ thể, tiền đóng bảo hiểm tối đa 62 triệu đồng, nhưng người lao động khi nghỉ việc chỉ được hưởng bảo hiểm cao nhất 15,7 triệu đồng. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị phải cho hưởng bảo hiểm theo đúng mức người lao động tham gia.

>> Tăng lương đồng loạt từ năm 2016
>> Ngân sách vượt 80.000 tỷ, sao không tăng lương?
>> Từ 6.4, công chức, viên chức được tăng lương

Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)

Nổi bật