Nhiều chuyên gia cho rằng, câu chuyện trên không quá khó hiểu. Bởi, Trung Quốc được ví là “chợ” tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam, nhưng chúng ta lại không chịu đi sang ngôi chợ 1,4 tỷ dân này để xem họ đang cần gì mà thụ động ngồi nhà chờ được hỏi mua.
Chuyện buồn dài tập của nông sản Việt
Vừa mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề nghị bổ sung mặt hàng nông sản khoai lang của tỉnh vào danh mục hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bởi, khoai lang là một trong 3 cây trồng chủ lực được địa phương lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển trong thời gian tới.
Theo đó, diện tích khoai của Vĩnh Long dao động từ 10.000-14.500 ha; năng suất bình quân đạt 25-30 tấn/ha; sản lượng đạt từ 300.000 - 400.000 tấn/năm; thị trường tiêu thụ khoai lang của tỉnh chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Điều đáng nói là giá khoai hiện giảm mạnh chỉ còn khoảng 230.000 đồng - 280.000 đồng/tạ, thấp hơn giá thành sản xuất, làm cho người trồng bị thua lỗ. Nguyên nhân được tỉnh này nhận định do phía thị trường Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch tỉnh này đề nghị Bộ trưởng NN-PTNT xem xét, báo cáo Chính phủ và có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan đàm phán, thỏa thuận với phía Trung Quốc đưa sản phẩm khoai lang vào danh mục hàng hóa được xuất khẩu chính ngạch sang nước bạn.
Nhiều người cho rằng, việc Trung Quốc ngừng mua, giá giảm, nông dân thua lỗ có lẽ là câu chuyện buồn dài tập của nông sản Việt vì tình trạng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều năm qua.
Chẳng nói đâu xa, vào thời điểm đầu tháng 10, hàng vạn nông dân ở nhiều tỉnh phải khóc ròng vì thanh long chín đỏ vườn, giá rớt thê thảm mà thương lái không tới mua. Nguyên nhân một phần cũng là do thị trường Trung Quốc ngừng nhập, trong khi người nông dân lại không chịu lắt bông khiến nguồn cung tăng đột biến.
Hay như vào thời điểm đầu năm, giá dưa hấu dao động khoảng 7.000-8.000 đồng/kg thì đến đầu tháng 5 năm nay, bà con nông dân tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Trị gặp khó khăn do giá dưa hấu rớt thảm xuống chỉ còn 1.000-1.200 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá dưa giảm cũng là do thị trường Trung Quốc ngừng “ăn hàng” dẫn đến cung vượt cầu, dưa đến vụ thu hoạch mà bế tắc đầu ra. Khi đó, cách giải quyết quen thuộc để giúp bà con nông dân trồng dưa ở tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Trị tiêu thụ hết 5.000 tấn dưa hấu, chiến dịch giải cứu lại diễn ra rầm rộ trên khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Không chịu “đi chợ”, cứ ngồi chờ họ đến mua
Mỗi lần phía bạn hàng Trung Quốc có động thái bất ngờ đều khiến cho các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam tụt giá xuống đáy, theo các chuyên gia đó là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.
Đề cập tới vấn đề nông sản Việt tại một diễn đàn về nông nghiệp được tổ chức hồi tháng 6 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico cho biết, bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trao đổi mua bán nông sản với thương lái Trung Quốc. Theo đó, có ngày bà tiêu thụ 300-400 tấn cam tại chợ Long Biên.
Thế nhưng, bà Thực cho biết, lực lượng thương lái như bà nhiều khi không tham gia vào khâu thu mua tận gốc như trước. Thay vào đó là những thương lái Trung Quốc. "Thương lái Trung Quốc vào đến tận vùng sâu, vùng xa, đến bất cứ ngõ hẻm nào của Việt Nam và họ giỏi hơn chúng ta là Việt Nam có gì ngon nhất, thời điểm nào thu hoạch, có gì ngon nhất để thu mua", bà nói
Quan điểm của bà là: “Muốn bán hàng thì phải đi chợ”. Bà ví, Trung Quốc đang là "chợ" lớn nhất của Việt Nam, nhưng chúng ta gần như không đi chợ mà chỉ thụ động ngồi chờ họ đến mua. Còn "nông sản Việt Nam như đang một cô gái quê danh giá đợi các chàng trai tán tỉnh". Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại, thay vì nghĩ tới những thứ cao sang.
Trong khi đó, tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt” diễn ra vào cuối tháng 8, ông Vĩ Tích Thành - Tham tán Thương mại và kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM nói: “Người Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn của nông sản. Không phải vì đông dân nhất thế giới, nhu cầu nông sản, ẩm thực nhiều mà cái gì cũng có thể bán được cho Trung Quốc”.
Ông cho biết, nhiều nông sản Việt như chuối, nhãn, sầu riêng, đặc biệt là thanh long, cá basa, tôm rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nông sản Việt hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch là chính. Ngược lại, xuất khẩu chính ngạch còn rất ít.
Cũng theo ông Thành, nông sản Việt gặp khó là bởi “Người Việt chưa hiểu về thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp chưa chủ động xem thị hiếu, nhu cầu của người dân Trung Quốc là gì để từ đó tập trung sản xuất. Ngược lại, chính các thương lái Trung Quốc đã đi tìm gặp nông dân để thu mua”.
Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho rằng Việt Nam cần chú tâm tới nghiên cứu thị trường, phân tích thị trường để kết nối với thị trường mới và phân khúc mới, đối tượng mới.
Theo ông, tất cả các thị trường đang thay đổi chứ không riêng gì Trung Quốc. Họ đang chú trọng đến những nông sản chất lượng, truy xuất được nguồn gốc và chúng ta phải nắm bắt được để đó để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Còn nếu không, câu chuyện dư thừa và đổ bỏ nông sản như hiện nay vẫn tiếp tục xảy ra.
Theo Lâm Phương (VietNamNet)