Nỗi kinh hoàng có tên "Sabutamol" trong thực phẩm đã "dịu" bớt

01/07/2017 17:35:00

Báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kể từ tháng 7/2016 đến cuối năm 2016 không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm.

Báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kể từ tháng 7/2016 đến cuối năm 2016 không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm.

Chất cấm Salbutamol từng là nỗi khiếp sợ của người tiêu dùng.

Dư lượng đã giảm đáng kể

Trong một báo cáo mới nhất gửi lên Thủ tướng Chính phủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, kết quả giám sát trên diện rộng do cơ quan thuộc Bộ thực hiện năm 2016 cho thấy tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamon là 6/1.345 mẫu (chiếm 0,44%), giảm so với năm 2015 (1,07%).

Đặc biệt từ tháng 7/2016 đến cuối năm 2016 không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép năm 2016 là 12/293 mẫu (chiếm 4,1%), giảm so với năm 2015 (7,76%).

Năm 2016, Bộ và các địa phương đã tổ chức thanh tra 21.364 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản, phát hiện 1.923 cơ sở vi phạm quy định (chiếm 9%) và xử phạt hành chính gần 6,7 tỷ đồng.

Bộ cho biết đã chỉ đạo tổ chức điều tra, xác minh, cung cấp thông tin về các sự cố an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, điển hình như các vụ việc về sử dụng chất cấm (Salbutamol) trong chăn nuôi, sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc để dấm chuối, sầu riêng; dùng vàng ô nhuộm măng; chế biến mỡ bẩn, chế biến thịt lợn chết; bơm nước, tiêm thuốc an thần vào động vật trước khi giết mổ…

Bên cạnh đó, là các vụ việc như xử lý vấn đề cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, vụ việc đưa tin sai sự thật về nước mắm truyền thống chưa asen; thả nuôi tôm hùm nước ngọt chưa được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; sản xuất kinh doanh ruốc bẩn; sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc trong sản xuất giá đỗ; việc giết mổ lợn chết làm thực phẩm…

“Các sai phạm đã được xác minh, xử lý và hoạt động giám sát, kiểm tra sau đó của các địa phương đã được tăng cường nhằm ngăn chặn tái phạm”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết.

Sản phẩm kháng sinh cho người lại được đem....nuôi lợn

Liên quan tới việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi, thông tin về Salbutamol từng tràn ngập trên mặt báo đi cùng với đó là nỗi lo ngại về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng. Sabutamol là kháng sinh được sử dụng để chữa hen phế quản cho người, không thể thiếu trong ngành y tế. Tuy nhiên, thông tin tại thời điểm đó, Salbutamol còn được người chăn nuôi trộn vào thức ăn để tạo nạc.

Người tiêu dùng ăn phải thịt này sẽ có nguy cơ bị ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Cụ thể, Salbutamol tác động vào hệ cơ, hệ mạch, gây run cơ, co cơ, suy tim, suy hóa hô hấp, phù phổi và có thể khiến phụ nữ bị sảy thai. Những người có tiền sử về bệnh tim mạch, nếu sử dụng nhiều thực phẩm có chứa chất tạo nạc, có khả năng tử vong.

Cuối năm 2015, sau khi nhận được thông tin về việc Salbutamol dùng làm thuốc có khả năng bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi gia súc, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol.

Đồng thời, trong tháng 12/2015, qua việc phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an (C49), Bộ Y tế đã kiểm tra 6 cơ sở và quá trình kiểm tra phát hiện có vi phạm trong việc bán nguyên liệu Salbutamol cho các cơ sở không kinh doanh dược. Chế tài xử phạt cao nhất được đưa ra đó là đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc và đăng ký thuốc.

Có 3 trường hợp bị chyển về C49 để điều tra, giải quyết. Tuy nhiên, 2 trong số 3 đơn vị này được phía Công an cho biết chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự về hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm.

Tới cuối tháng 8/2016, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho phép tái nhập khẩu Salbutamol sau gần 9 tháng tạm dừng nhập chất này. Trong thời gian tạm ngừng nhập khẩu Salbutamol, Cục Quản lý Dược đã tăng cường công tác hậu kiểm, chấn chỉnh đưa hoạt động kinh doanh nguyên liệu Salbutamol vào kiểm soát chặt chẽ nhằm thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.

Theo Phương Dung (Dân Trí)

Nổi bật