Năm 2024, nợ xấu tiếp tục là vấn đề nóng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, phản ánh sức khỏe tài chính của nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch và đối mặt với nhiều áp lực từ môi trường kinh tế thế giới.
Khi doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong việc trả nợ do lãi suất cao, sức ép từ thị trường bất động sản và sản xuất suy giảm, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng, đòi hỏi sự chủ động và linh hoạt trong cách ứng phó của các ngân hàng. Nợ xấu không chỉ là bài toán tài chính mà còn là phép thử lớn cho khả năng quản trị rủi ro và điều hành chiến lược của ngành ngân hàng.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 29 ngân hàng đã công bố trong quý III/2024, số dư nợ xấu của 28/29 ngân hàng đã tăng so với thời điểm cuối năm 2023.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỉ lệ nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, theo số liệu tổng hợp, tới cuối tháng 9/2024, nợ xấu ở mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với mức 2% của năm 2022.
Theo bà Hồng, đây là một thực tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn.
Để kiểm soát nợ xấu, NHNN cũng đề ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu. NHNN cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.
Theo ông Lê Hoài Ân - Founder IFSS, Giảng viên Đại học Ngân hàng, để ứng phó với nợ xấu, các ngân hàng cần tập trung vào tăng cường trích lập dự phòng để tạo bộ đệm tài chính vững chắc, đồng thời đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện kịp thời các khoản vay có dấu hiệu rủi ro.
"Việc tiếp tục đa dạng hóa danh mục tín dụng và tập trung vào các lĩnh vực ít rủi ro hay lĩnh vực sản xuất trong nước và xuất khẩu sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nợ xấu trong dài hạn", ông Ân cho hay.
Tỉ lệ nợ xấu sẽ được cải thiện
Đánh giá về tình hình nợ xấu ngành ngân hàng, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận đinh, các ngân hàng có xu hướng xử lý nợ xấu vào cuối năm. Do đó, TPS đưa dự báo rằng đến cuối năm 2024, tỉ lệ nợ xấu ngành ngân hàng có thể giảm nhẹ so với quý III/2024.
Đến năm 2025, với các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ hơn và cải thiện chất lượng tài sản, tỉ lệ nợ xấu dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 1,8%. Cùng với đó, chi phí tín dụng có thể sẽ tăng nhẹ do bộ đệm dự phòng không còn dày như trước.
Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản vay liên quan đến bất động sản. TPS đánh giá triển vọng nợ xấu năm 2025 là tích cực nhưng cần sự quản lý rủi ro chặt chẽ và hỗ trợ từ chính phủ để duy trì ổn định cho hệ thống ngân hàng.
Ông Cao Việt Hùng - CFA, Giám đốc Phân tích ngành Tài chính Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, dù vẫn tăng nhẹ trong hai quý liên tiếp nhưng có dấu hiệu cho thấy nợ xấu dường như đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025.
Ông Hùng cho rằng, thời điểm khó khăn nhất đã qua và tỉ lệ nợ xấu năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích dự báo giảm xuống 1,5% từ mức 1,6% năm 2024. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng ở mức tương đối thấp trong giai đoạn 2023 - 2024 khiến áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 vẫn sẽ ở mức cao.
Bộ đệm dự phòng không còn dày nhưng có sự phân hoá rõ nét giữa các ngân hàng. Các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ nhìn chung có bộ đệm dự phòng thấp hơn nhóm các ngân hàng quốc doanh.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu sẽ giảm dần trong 2025 nhờ tỉ lệ nợ xấu tiềm tàng (nợ nhóm 2, nợ tái cơ cấu) hạ thấp dần giúp giảm áp lực chuyển nhóm nợ trong thời gian tới.
Đồng thời kỳ vọng các khoản nợ tái cơ cấu trong giai đoạn thử thách ở nhóm 2 và nhóm 3 sẽ chuyển về nhóm nợ thông thường từ quý II/2025 khi dòng tiền và hoạt động kinh doanh của khách hàng phục hồi.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025".
Qua đó, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Theo Nguyễn Thị Thu Hương (Nguoiduatin.vn)