Các ngân hàng Trung Quốc đang phải chịu sức ép ngày một lớn từ Chủ tịch Tập Cận Bình về việc loại bỏ những khoản nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, dữ liệu của công ty tài chính Great Wall lại chứng tỏ sự gia tăng trở lại của nợ xấu tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Great Wall là một trong bốn doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản và có trách nhiệm mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong nước. Ba cái tên còn lại là China Cinda, China Huarong và China Orient.
Brandon Emmerich, giám đốc công ty tư vấn nghiên cứu chuyên sâu về thị trường tài chính Trung Quốc Granite Peak, dựa trên dữ liệu của Great Wall về đấu giá các khoản vay không hiệu quả đã đưa ra phân tích tổng quan về tình hình nợ xấu tại Trung Quốc.
Nợ xấu Trung Quốc tăng cao nhất từ năm 2013
Theo đó, số lượng các khoản nợ xấu tăng hơn 100% trong khoảng thời gian giữa năm 2016 và 2017. Nếu lấy năm 2014 làm mốc, thời điểm ghi nhận số lượng các khoản vay không hiệu quả thấp nhất trong hơn 10 năm qua, mức tăng lên tới gần 300%.
Năm 2011, khi 4 doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ quản lý tài sản được tái cấp vốn, thị trường Trung Quốc ghi nhận kỷ lục về số vụ mua lại các khoản nợ xấu. Con số này sau đó giảm dần nhưng tăng trở lại từ năm 2014.
Nghiên cứu của Emmerich cũng chỉ ra những ngân hàng đang phải chịu nhiều rủi ro nhất từ các khoản nợ xấu không được công nhận chính thức đều liên quan đến các khu vực kinh tế yếu kém nhất của Trung Quốc.
Theo số liệu từ báo cáo thường niên của Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc, mức tăng trung bình dư nợ của những khoản nợ xấu tại các ngân hàng thương mại từ năm 2015 đến 2016 ở những tỉnh thuộc vành đai công nghiệp cao hơn các nơi khác.
Theo Harry Hu, nhà phân tích tại công ty xếp hạng tín nhiệm Standards & Poor’s (S&P), giới chức Trung Quốc đang khuyến khích 4 doanh nghiệp quốc doanh quản lý tài sản mua thêm các khoản nợ xấu để ổn định thị trường tài chính.
Với chính sách phân bổ vốn cũng như hạn chế mở rộng và đầu tư nước ngoài, chính phủ Trung Quốc buộc các doanh nghiệp quản lý tài sản phải tập trung vào việc mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại, nhà phân tích của S&P nhận định.
Thêm vào đó, nhà chức trách tại đây đã giảm thiểu rủi ro đối với 4 doanh nghiệp quản lý tài sản khi mua lại các khoản vay không hiệu quả. Hiện tại, các công ty này đang hưởng lợi từ phần chiết khấu của những khoản nợ xấu phải giải quyết.
Gần đây, tỷ lệ nắm giữ nợ xấu đã bị hạ xuống từ 1,2 đến 1,5 lần, phụ thuộc vào khả năng quản lý tài sản rủi ro. Chính sách này nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại Trung Quốc bán lại nợ xấu trước khi chúng vượt quá giới hạn cho phép.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những doanh nghiệp quản lý tài sản quy mô nhỏ hơn thuộc các địa phương từ 3 năm trước cũng thúc đẩy hệ thống ngân hàng Trung Quốc thanh lý nợ xấu khi giá bán lại các khoản vay không hiệu quả được đẩy lên, theo phân tích của Harry Hu.
Harry Hu cũng đưa ra dự đoán hai doanh nghiệp quốc doanh quản lý tài sản chưa niêm yết trên sàn chứng khoán là Great Wall và China Orient sẽ mua lại nhiều khoản nợ xấu hơn trong tương lai gần. Theo phân tích của chuyên gia làm việc tại S&P, sau khi niêm yết và được hậu thuẫn bởi dòng vốn dồi dào, các công ty này sẽ còn đổ nhiều tiền hơn vào hoạt động mua nợ xấu.
Số lượng các vụ mua lại nợ xấu có thể sẽ đặc biệt nhiều trong những lĩnh vực đang tạo ra nhiều khoản vay không hiệu quả nhất đối với hệ thống ngân hàng thương mại Trung Quốc như sản xuất, bán buôn và bán lẻ.
Theo Việt Đức (Tri Thức Trực Tuyến)