Nợ sinh viên - 'án chung thân' với hàng triệu người Mỹ

25/06/2019 22:46:19

Vay nợ để học đại học và dành phần lớn thời gian đi làm để trả nợ là vòng luẩn quẩn mà hàng triệu người Mỹ đang đối mặt.

Nợ sinh viên - 'án chung thân' với hàng triệu người Mỹ
Haley Walters gọi điện hỏi mẹ đang ngồi ở đâu trong khán đài tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Pasadena hôm 14/6.

Haley Walters sẽ mất 5 năm để lấy bằng cử nhân luật. Nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, cô sẽ gánh khoản nợ 100.000 USD vào thời điểm ra trường và gia nhập lực lượng lao động. Như hàng triệu người Mỹ, Walters đang trả giá đắt cho nền giáo dục có khả năng tạo ra gánh nặng tài chính lên suốt phần đời còn lại.

"Tôi cho rằng khủng hoảng nợ sinh viên thực sự là bản án chung thân", cô gái 19 tuổi người California nói.

"Những ai tốt nghiệp đại học công năm nay dự kiến gánh khoản nợ sinh viên trung bình 35.000 USD", Cody Hounanian, giám đốc Khủng hoảng Nợ Sinh viên, một tổ chức phi lợi nhuận ở California hỗ trợ sinh viên và kêu gọi cải cách, cho hay.

Theo số liệu chính phủ, 71% sinh viên Mỹ đang gánh khoản nợ tương tự, trong đó người thiểu số chiếm nhiều nhất. "Phụ nữ da màu là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất với tổng nợ sinh viên cao nhất trên mỗi sinh viên tốt nghiệp", Hounanian nói.

Dù nhiều người nhận được học bổng và hỗ trợ tài chính, học phí đại học ở Mỹ cao tới mức đa số sinh viên không trả nợ đúng thời hạn.

"Khi những người vay tiền này ra trường, chương trình vay vốn của họ thường kéo dài 10 năm, nhưng càng ngày càng có nhiều người đăng ký các chương trình vay dài tới 20, 25 năm", Hounanian nói.

Về lâu dài, tiền lãi cộng dồn tiền gốc khiến gánh nặng trả nợ tăng dần, ông nói thêm, kể về kinh nghiệm của mình.

"Thời sinh viên, tôi vay 30.000 USD, mỗi tháng trả hơn 150 USD và đó là một trong những chương trình trả nợ có thể chấp nhận được", ông nói. "Nhưng số dư vay nợ cứ tăng dần. Tháng nào tôi cũng phải trả nợ, để rồi lại nợ nhiều hơn".

Một số chuyên gia cho biết không có gì lạ khi hai thế hệ trong một gia đình đều chịu gánh nặng nợ sinh viên. Đó là trường hợp của Walters, người vừa tốt nghiệp bằng khoa học chính trị sau hai năm học tập ở Đại học Pasadena City, gần Los Angeles.

Trong khi cố gắng đi học mà không tích lũy nợ, đến mùa thu, cô sẽ nhập học một trường danh tiếng hơn và tất nhiên là đắt đỏ hơn, đại học California Berkeley, với mục tiêu là tấm bằng cử nhân luật. Dù được học bổng, Walters vẫn phải vay để trả gần 20.000 USD các loại phí khác.

"Về cơ bản, đó chính là đi vay rồi lại đi vay, mỗi khoản có mức lãi riêng và phương thức thanh toán riêng", Walters thở dài nói. Cô cho hay suốt thời thơ ấu luôn nghe mẹ, nay đã 58 tuổi, kể về khoản nợ sinh viên ám ảnh bà.

"Tôi nghe mẹ nói suốt về nợ nần làm kinh tế gia đình khó khăn như thế nào", Walters nhớ lại. "Chúng tôi không dám đi nghỉ mát, thỉnh thoảng tôi còn không được mua đồ dùng học tập cho năm học mới, chúng tôi cũng nhận được ít quà sinh nhật hơn".

Walters hy vọng nợ sinh viên sẽ là trọng tâm trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Với 45 triệu người vay khoảng 1,6 tỷ USD để học đại học, gánh nặng nợ nần của các cử nhân vừa tốt nghiệp ở Mỹ bùng nổ những năm gần đây. Nó trở thành vấn đề nổi bật trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, khi ứng viên Bernie Sanders hôm 24/6 tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng nhằm xóa mọi khoản nợ cho sinh viên và miễn học phí ở đại học công. Ông muốn ngành tài chính giúp trả khoản tiền này.

"Người dân Mỹ đã cứu Phố Wall", Sanders nói, nhắc lại những người cho vay trong cuộc suy thoái kinh tế cuối những năm 2000. "Bây giờ là lúc Phố Wall giúp đỡ tầng lớp trung lưu".

Ứng viên đảng Dân chủ Elizabeth Warren cũng đề xuất xóa nợ cho sinh viên và miễn phí đại học công. "Bố tôi lớn lên trong một gia đình cực kỳ nghèo ở miền nam California", Walters nói. "Lý do duy nhất ông học lên đại học là vì nó miễn phí".

Tuy nhiên, học phí không phải gánh nặng tài chính duy nhất với sinh viên. Ở California, tiền nhà và sinh hoạt phí chiếm hơn một nửa trong số 35.000 USD cần thiết cho chi phí một năm học trường công.

Hounanian nói rằng điều quan trọng là phải giải quyết những vấn đề đó để đảm bảo sinh viên không phải chịu gánh nặng nợ ngần trước khi tốt nghiệp.

"Hệ thống hiện nay không hoạt động vì sinh viên", ông nói. "Nó hoạt động vì những kẻ trục lợi, cho các công ty lớn và cho những người kiếm tiền từ sinh viên và người vay".

Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)

Nổi bật