Được người quen làm ở ngân hàng thông báo năm nay khó đổi giúp tiền lẻ, mới, chị Vân Khánh (Nam Từ Liên, Hà Nội) tìm đến các cộng đồng mua bán trên mạng xã hội để tham khảo về dịch vụ đổi tiền lẻ.
"Các chỗ đang nhận đổi với phí 8-10%, nhưng mức phí cũng đang biến động liên tục, tùy vào nguồn tiền", chị Khánh nói và cho biết được một đại lý báo phí lần lượt 450.000 đồng, 1,8 triệu đồng và 3,3 triệu đồng cho các bó tiền 10 triệu đồng (tờ 10.000 đồng), 20 triệu đồng (tờ 20.000 đồng) và 50 triệu đồng (tờ 50.000 đồng).
Theo khảo sát của VnExpress, càng gần Tết Tân Sửu, các dịch vụ đổi tiền lẻ, mới càng phổ biến trên mạng xã hội. Một số dịch vụ còn có website riêng để tiếp cận khách hàng. Vì được người trong cuộc xem là chuyện "làm ăn nhạy cảm" nên các trang kinh doanh trên mạng xã hội và website cung cấp dịch vụ này cũng hạn chế chạy quảng cáo.
Thay vào đó, các đại lý đổ vào rao tin trong các hội nhóm về mua bán để tiếp cận khách hàng. Thậm chí, nhiều "nhóm riêng tư" chuyên về dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới trên Facebook cập nhật vài chục đến hàng trăm thông tin trao đổi mỗi ngày trong thời gian gần đây.
Hầu hết đại lý đều công khai phí tương đương nhau, khoảng 8-15% giá trị số tiền được đổi. Tuy nhiên, phí đổi đang biến động liên tục, tùy thời điểm và mức độ hút hàng của mệnh giá. Do đó, các đại lý thường hỏi khách về loại mệnh giá và số lượng cần đổi để báo giá chính thức.
Một số cửa hàng cho biết, các mệnh giá thấp (1.000 đồng, 2.000 đồng ) thường xuyên hết hàng. Trong khi đó, nhu cầu phổ biến đang tập trung ở mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng vì phù hợp cho việc lì xì và đi chùa.
Trung bình hiện tại, các loại tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng, người đổi bó 100 tờ mới sẽ mất phí lần lượt là 15.000 đồng và 20.000 đồng. Trong khi đó, bó 100 tờ mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng sẽ mất phí lần lượt khoảng 180.000 đồng và 400.000 đồng.
Nếu như trước đây đa số đại lý đều nhận giao tiền tận nơi cho khách thì mùa Tết năm nay họ hạn chế hình thức này, trừ khách hàng có nhu cầu lớn. "Hiện với khách ở nội thành mà chỉ đổi vài trăm đến vài triệu, chúng tôi đều báo khách đến giao dịch trực tiếp chứ không ship (giao hàng)", anh Minh Tân, một người nhận đổi tiền ở quận 10, TP HCM cho hay.
Cũng tại đại lý của anh Tân, chỉ khách đổi số tiền lớn mới giao tận nhà với điều kiện báo địa chỉ cụ thể để tính phí vận chuyển và phải chuyển khoản đặt cọc trước một phần hoặc toàn bộ giá trị số tiền cần đổi.
Thực tế, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương không in thêm tiền mới mệnh giá thấp vào lưu thông dịp Tết và tiếp tục siết chặt việc đổi tiền lẻ trong khi một bộ phận người dân vẫn có nhu cầu về loại tiền này. Đây là lý do dịch vụ đổi tiền lẻ "chui" vẫn tồn tại, nhất là cao điểm Tết.
"Tiền lẻ mới đang bị hạn chế in. Ai muốn nhờ đổi ở ngân hàng phải có giao dịch nhiều trong năm (khách VIP) thì họ mới hỗ trợ, nhưng cũng là mệnh giá từ 20.000 đồng trở lên chứ thấp hơn rất khó. Do đó, khách có nhu cầu đổi phải tìm đến chúng tôi", một người rao đổi tiền ở quận 11, TP HCM cho biết.
Căn cứ theo Điểm a, Khoản 5, Điều 30 Nghị định 96/2014, cá nhân có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng. Mức phạt tăng gấp đôi với tổ chức vi phạm tương tự.
Ngay từ háng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 44 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Mới đây, UBND TP HCM cũng đã có công văn chỉ đạo Công an, Cục Quản lý thị trường phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép, đặc biệt tại các khu vực có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng đầu năm.
Sở Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch, Sở Công thương, UBND các quận, huyện cũng được yêu cầu tuyên truyền, vận động để người dân ủng hộ chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm, đúng chức năng. Điều này sẽ góp phần bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và hạn chế tiêu cực trong việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ.
Theo Dỹ Tùng (VnExpress.net)