Ông Đinh Tiến Dũng đánh giá nhu cầu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến cân đối NSNN khó khăn, bội chi cao, tỉ trọng chi đầu tư giảm.
Bên cạnh đó, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
“Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả”, Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý của chuyên gia quốc tế và trong nước nhằm cơ cấu lại ngân sách một cách bền vững, công khai, minh bạch và dễ thực hiện. Đảm bảo chi NSNN hiệu quả hơn theo hướng tăng dần tỉ trọng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, bảo đảm an sinh xã hội.
Nợ nước ngoài gần 81 tỷ USD
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính cũng vừa chính thức ban hành bản tin nợ công số 5. Bản tin này được phát hành chậm hơn so với quy định và cách thời điểm phát hành bản tin nợ công số 4 hơn một năm.
Cụ thể bản tin nợ công số 5 cho thấy, trong năm 2015, tổng dư nợ mà Chính phủ vay là 2,064 triệu tỷ đồng, tương ứng 94,3 tỷ USD.
Trong đó, nợ nước ngoài là 39,6 tỷ USD, nợ trong nước là 54,67 tỷ USD. Cũng trong kỳ, Chính phủ đã trả nợ được 13,3 tỷ USD.
Bản tin nợ công lần này của Bộ Tài chính có thống kê các khoản nợ vay nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Cụ thể tính đến hết năm 2015, tổng dư nợ vay nước ngoài của Việt Nam lên tới 1,759 triệu tỷ đồng, tương ứng 80,84 tỷ USD.
Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ lên tới 39,6 tỷ USD, nợ nước ngoài của doanh nghiệp đạt 41,22 tỷ USD.
Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả. Trong ảnh: Con tàu Vinashin “đắm” để lại gánh nặng cho nền kinh tế- ảnh từ internet |
Về phần vay nợ được Chính phủ bảo lãnh, tính đến cuối 2015, Chính phủ đã bảo lãnh cho 445.121 tỷ đồng, tương ứng 20,8 tỷ USD. Từ 2011 - 2015, số lượng các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh tăng khá nhanh.
Tính đến hết 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - SBIC). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.
Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình, dự án với tổng số vốn cam kết tương đương 15,6 tỷ USD. Hầu hết là vay nước ngoài với 14 tỷ USD.
Bộ Tài chính cho hay, tổng số tiền Chính phủ cam kết cấp bảo lãnh giai đoạn 2011 - 2015 đã gấp gần 3 lần giai đoạn 2007 - 2010. Trong đó, năm 2012 là đỉnh của huy động vốn thông qua bảo lãnh Chính phủ (4,35 tỷ USD).
"Các nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai", theo đánh giá của Bộ Tài chính.
Theo bản tin nợ công số 5, nợ công Việt Nam tính đến hết năm 2015 lên tới 61% GDP, tăng 3% so với năm trước đó. Trong đó, nợ nước ngoài chiếm 42% GDP. Nợ Chính phủ so với GDP năm 2015 là 49,2%. Năm 2015, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách là 14,9% GDP. Dư nợ của Chính phủ so với thu ngân sách năm 2015 lên tới 206,8%. |
Theo Trà Phương (Pháp Luật TP.HCM)