Báo cáo Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 - 2020, tầm nhìn 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những con số không nhiều người có thể trầm tĩnh nhìn vào. Theo đó, dự báo nợ công 2018 của Việt Nam sẽ tăng gần 4 triệu đồng/người so với năm 2017, tương ứng, mỗi người Việt có thể gánh 35 triệu đồng nợ nần. Đáng ngại hơn xu hướng này vẫn tăng dần đều.
Hai năm tiếp theo, gánh nợ của gần 100 triệu người Việt sẽ lần lượt là 3,9 triệu tỷ đồng và gần 4,3 triệu tỷ đồng. Nếu dân số Việt Nam không tăng tương ứng, gánh nặng nợ công chia đều từ trẻ sơ sinh tới cụ già đã nhìn thấy cánh cửa huyệt mộ sẽ không dừng lại ở con số 35 triệu đồng.
Quả thật, dù đây có là điều tất yếu với đất nước cần một nguồn lực rất lớn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh đầu tư để vươn mình hóa rồng, hóa hổ, nợ nần tăng lên vẫn là một câu chuyện đáng buồn.
Nỗi ưu tư không hề vơi đi ngay cả với những người đã lường trước tình huống này từ nhiều năm về trước. Còn nhớ, tại một hội thảo về nợ công năm 2016, nhiều người đã bày tỏ lo ngại khi nợ công Việt Nam tăng cao trong giai đoạn 2010 – 2015. Và với những diễn biến mới, dự báo nợ công Việt Nam tới năm 2026 ghi nhận con số lớn gấp hai lần năm 2016 có thể còn được hiện thực hóa sớm hơn.
Người Việt ít nghĩ tới khả năng vỡ nợ, không chỉ bởi tính cách lạc quan cố hữu, mà còn vì sự tin tưởng vào năng lực và trình độ quản lý của những công bộc đã được giao phó trọng trách. Không ai muốn thừa kế cho con cháu đời sau chỉ một gánh nợ nần và đã có những hành động tích cực. Các nhà lãnh đạo của Bộ KH&ĐT đang thể hiện trách nhiệm người đứng mũi chịu sào trong vấn đề nợ công, đặc biệt, không màng tới thực tế lỗi lầm có thể do… lịch sử để lại.
Bằng chứng là cũng trong báo cáo trình Thủ tướng nói trên, hàng loạt cảnh báo đã được đưa ra. Đó là “bẫy ODA và vay ưu đãi” khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước. Đó là 'bẫy' ODA Trung Quốc khi chúng đều là những khoản vay có điều kiện là chỉ định thầu doanh nghiệp Trung Quốc, vốn nổi tiếng với công nghệ lạc hậu, kém chất lượng, dự án chậm tiến độ, đội vốn...
Tiếp cận theo cách này, việc đầu tiên cần làm là phải xem xét vốn tín dụng, ưu đãi của Trung Quốc, đúng như khuyến nghị của cơ quan chịu trách nhiệm về đầu tư công này. Điều này liệu có dễ dàng?
Thứ nhất, trong số 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương, quá nửa có liên quan tới máy móc, công nghệ và các khoản vay từ Trung Quốc. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, ODA Trung Quốc có những sự hấp dẫn mang tính tâm lý.
Khi chiếc áo tăng trưởng vẫn được dùng như tấm vải che cho những lợi ích khác, chưa thể có một cái nhìn khách quan về nguồn vay từ quốc gia này. Đó là chưa kể áp lực đến từ nơi có nhiều nhà buôn đại tài bậc nhất thế giới. Trung Quốc đang bước sang giai đoạn công nghệ cao hơn và có nhu cầu xuất khẩu các loại máy móc, thiết bị lạc hậu mà Việt Nam là một đích đến luôn được tính tới. Không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều lời mời chào như rót mật vào tai, nhưng nếu không tỉnh táo, mật sẽ… đắng.
Vấn đề thứ 2 là áp lực vay để đảo nợ và trả nợ. Năm 2018, chúng ta cần vay 146.770 tỷ đồng để trả nợ và áp lực huy động vốn để trả nợ và đảo nợ vẫn còn lớn với khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Sẽ phải có chiến lược lựa chọn chủ nợ, để tránh rơi vào tình trạng buộc phải vay với các điều kiện không thuận lợi.
Song song với hành động nói trên, theo Bộ KH&ĐT, chúng ta cần chuẩn bị cho Chiến lược rút lui, với hàm ý, xây dựng cách thức tiếp cận công nghệ, tài sản đầu
tư, kiến thức chuyên môn tiên tiến mà không cần ODA. Có lẽ, đây là giấc mơ thường trực của mỗi người Việt mỗi khi đặt lưng xuống giường mà chợt nghĩ đến gánh nặng nợ oẵn trĩu đôi vai. Tiếc là, không thể nói, nhiệm vụ này sẽ được thực hiện một cách dễ dàng.
Lý do rất đơn giản, mục tiêu kép không cần vay ODA trong khi vẫn đảm bảo nguồn lực tín dụng và công nghệ đủ cung ứng cho nền kinh tế chỉ có thể thực hiện khi chúng ta chứng tỏ được năng lực là một đối tác bình đẳng của khu vực và thế giới. Khi đó, nguồn lực chảy về Việt Nam sẽ dưới dạng đầu tư, với nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Nghĩa là, nội lực của nền kinh tế phải vững để đón sóng đầu tư, môi trường kinh doanh và chất lượng nguồn nhân lực phải sẵn sàng cho dòng đầu tư đó.
Mong muốn này khó có thể thực hiện trong ngày một ngày hai, đặc biệt khi Việt Nam đang ở một xuất phát điểm tương đối thấp. Khả năng huy động vốn trong nước cũng là một dấu hỏi lớn. Bài ca tín dụng lạc hướng đã quá quen tai, điệp khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được tín dụng với mức lãi suất hợp lý không mới. Chúng ta đều đồng thuận rằng điều này cần phải thay đổi để nền kinh tế có thêm động lực phát triển. Thế nhưng, điều này cũng đồng nghĩa dòng vốn sẽ không ưu tiên cho lĩnh vực đầu tư công đang rất cần vốn để tránh phải huy động thêm từ nguồn ODA.
Khe cửa hẹp duy nhất để thực hiện đồng thời hai mục tiêu là thay đổi trong cách thức đầu tư công, tuân thủ theo quy luật thị trường. Khi đó, những cơ sở hạ tầng thiết yếu, có khả năng sinh lời để thu hồi vốn sẽ tự khắc thu xếp được nguồn vốn đầu tư, như điều Đà Nẵng đã làm được với dự án cảng Tiên Sa hay các chủ trương hợp tác công tư, với cách thức quản lý hạn chế tối đa tiêu cực. Có vẻ như, chúng ta vẫn có quyền hy vọng.
Đương nhiên, trong khi chờ đợi, việc quản lý và sử dụng thật tốt các khoản vay ODA đã và đang có là việc quan trọng nhất. Việt Nam đã đặt ra vấn đề báo cáo đánh giá hiệu quả, tác động của các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 1993-2017.
Nhờ đó, những mảng tối trong sử dụng ODA sẽ lộ rõ, chúng ta sẽ rút ra được bài học. Chúng ta có thể tính tới khả năng gạn đục khơi trong, sửa chữa những khiếm khuyết khiến các dự án chưa phát huy được hiệu quả để sinh lời. Làm được như vậy, gánh nợ công sẽ giảm bớt.
Theo Khánh Nguyên (Đất Việt)