'Nike rời Việt Nam': Tin fake và điều cần cảnh báo

08/10/2021 14:25:51

Thông tin “Nike rời Việt Nam” được nhiều nguồn tin xác nhận là tin giả bởi thực tế Nike không sở hữu bất cứ nhà máy nào ở Việt Nam, mà chỉ thuê các nhà máy ở Việt Nam làm sản phẩm.

Tạm thời chuyển đơn hàng

Nguồn tin từ Bộ Công Thương xác nhận với VietNamNet: “Thông tin Nike rời Việt Nam là không chính xác. Bởi lẽ, Nike chỉ thuê các đơn vị ở Việt Nam làm ra các sản phẩm chứ không sở hữu một nhà máy nào”.

Tuy nhiên, có một thực tế là Nike tạm thời chuyển đơn hàng sang nước khác. Hồi năm 2019, Tổng giám đốc Nike Việt Nam Mike Shepard cũng tiết lộ 50% sản phẩm Nike toàn cầu được làm ở Việt Nam.

Không riêng gì Nike, các đơn hàng cho giáng sinh và dịp cuối năm thường phải được chốt đơn từ tháng 6, muộn nhất là đầu tháng 7. 

'Nike rời Việt Nam': Tin fake và điều cần cảnh báo
Việc Nike chuyển hẳn đơn hàng khỏi Việt Nam là điều khó xảy ra.

Đó là lúc một loạt thương hiệu như Nike, Adidas,... được sản xuất ở Việt Nam đều đối mặt vấn đề như nhau. Thời điểm đó, Nike và các hãng thời trang cũng đã chờ câu trả lời về việc “bao giờ Việt Nam mở cửa cho sản xuất” và để chủ động kịp đơn hàng cuối năm, các hãng phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác.

Với những ngành như dệt may, da giày, việc dịch chuyển đơn hàng không phải là điều khó khăn. Nhiều nước đáp ứng được việc sản xuất này.

Tuy nhiên, nhận định của các chuyên gia theo dõi sát ngành dệt may, da giày cho rằng việc các hãng dừng hẳn việc đặt đơn hàng ở Việt Nam là điều khó xảy ra. Bởi lẽ, trên thế giới, Việt Nam đứng thứ hai, sau Trung Quốc về xuất khẩu da giày và thường nằm trong top 5 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may. Nhiều hãng thời trang cũng có các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) ở Việt Nam.

Thời gian qua, trên 60% DN dệt may, da giày tập trung ở 19 tỉnh phía Nam - các tỉnh thực hiện giãn cách nghiêm ngặt để phòng dịch, cho nên chỉ những DN quy mô vừa, hoặc DN tự động hóa nhiều, sử dụng ít công nhân mới sản xuất được theo mô hình ‘3 tại chỗ’. Còn lại, những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động đều phải tạm đóng cửa do rất khó thực hiện 3 tại chỗ.

“Ngành dệt may, da giày lấy công làm lãi nên lợi nhuận không nhiều, trong khi chi phí lại cao hơn nên họ phải tạm dừng sản xuất, gây ảnh hưởng đến nguồn cung. Để sản xuất cho mùa Giáng sinh thì bắt buộc các hãng thời trang phải giao đơn hàng cho các nước khác”, một chuyên gia về công nghiệp cho biết.

Đây không phải chuyện của Nike, mà là chuyện của toàn ngành dệt may, da giày Việt Nam. Thực tế, Nike cũng gửi các kiến nghị đến cơ quan hữu trách ở Việt Nam đề nghị từng bước mở cửa lại cho hoạt động sản xuất. Một nguồn tin cho biết bản dự thảo Hướng dẫn tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến có nhiều nội dung tương đồng với cách tiếp cận “mở cửa dần dần” mà Nike đề xuất.

Song đến nay, dự thảo này vẫn chưa được ban hành.

'Nike rời Việt Nam': Tin fake và điều cần cảnh báo - 1
Việt Nam nằm trong top thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, da giày.

Những điều cảnh báo

Hiện nay, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các địa phương rục rịch mở cửa lại sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều tỉnh phía Nam dự kiến sẽ phải đối mặt với thiếu hụt lao động khi thời gian qua nhiều lao động rời phố về quê.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thiếu nhân lực khi mở cửa kinh tế trở lại là vấn đề hiện hữu đối với các doanh nghiệp, nhất là ở TP HCM và các tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mở cửa kinh tế trở lại; chưa có phương án thật sự tối ưu, để tuyển lao động trong điều kiện mới.

Nếu TP HCM và các tỉnh thành phía Nam mở cửa trở lại trong tháng 10/2021, rất khó để công nhân quay trở lại làm việc, vì chỉ còn vài tháng nữa sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Chỉ thị 16 vẫn đang được áp dụng tại nhiều địa phương là rào cản trong vấn đề tìm nguồn lao động thay thế.

"Tôi cho rằng, thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35-37%", lãnh đạo Hiệp hội dệt may nói,

Thông tin trên báo chí, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cũng cho hay, doanh nghiệp sẽ không thể mở cửa sản xuất trở lại được ngay với công suất sản xuất cao. Bởi ngoài thiếu hụt lao động, hiện các đơn hàng đã rút đi rất nhiều. Thống kê của hiệp hội 1 tháng trước, tỷ lệ đơn hàng rút khỏi Việt Nam khoảng 20%; hiện tỷ lệ này đã tăng lên 40-50%. Đơn hàng của ngành da giày từ lúc đàm phán đến lúc ký kết khoảng 6 tháng, như vậy, ít nhất 6 tháng nữa, các đơn hàng này mới có thể quay trở lại. 

“Tôi không nghĩ những đơn hàng thời trang sẽ rời bỏ Việt Nam bởi thực tế năng lực sản xuất của Việt Nam vẫn còn tốt... Lực lượng lao động đông đảo cùng nhiều yếu tố khác vẫn còn nên họ vẫn sẽ tận dụng những lợi thế đó của Việt Nam”, một chuyên gia nghiên cứu về công nghiệp nhẹ cho biết.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cần tiếp tục cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền Trung ương lẫn địa phương để Việt Nam thu hút được các dòng vốn FDI chất lượng cao, công nghệ cao. Bởi lẽ, dòng vốn FDI chất lượng rất quan tâm đến môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành của chính quyền Trung ương và địa phương. Đây là những yếu tố hàng đầu để nhà đầu tư tìm đến và giữ chân các nhà đầu tư.

Thiếu những yếu tố đó, các "đại bàng" vốn đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để tiến Việt Nam trong 2 năm qua có thể sẽ cân nhắc quyết định.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)

 

Nổi bật