Khi Trump tuyên bố gói áp thuế thứ hai vào 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, Bắc Kinh chỉ đáp trả bằng việc áp thuế với thêm 60 tỷ USD hàng hóa từ Washington, khiến nhiều người tin rằng giới lãnh đạo nước này đã "hết bài" trong cuộc đấu với Tổng thống Mỹ Donald Trump giữa chiến tranh thương mại khốc liệt. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đây là quan điểm sai lầm và Trung Quốc vẫn còn nhiều vũ khí trong tay để đối đầu thương mại với Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế của Bloomberg cho rằng ý nghĩa thực sự của đòn áp thuế không nằm ở giá trị số hàng hóa bị đánh thuế, mà là lợi thế cạnh tranh nó tạo ra cho hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu. Đòn áp thuế của Trump chỉ có ý nghĩa khi nó khiến hàng hóa Trung Quốc mất ưu thế giá rẻ so với những mặt hàng được sản xuất tại Mỹ.
Tiffany Zarfas Williams, chủ một cửa hàng bán túi xách thời trang ở Texas, cho biết 84% sản phẩm trong kho hàng của cô được nhập khẩu từ Trung Quốc và phần lớn đang chịu mức thuế 10% của Trump. Nhà cung cấp lớn nhất của cô đã tăng giá và cô không còn cách nào khác ngoài việc chuyển chi phí đó sang khách hàng, theo CNN.
Thực tế này cho thấy người tiêu dùng đang phải trả nhiều tiền hơn và doanh nghiệp Mỹ mất đi lợi nhuận trong cuộc chiến thương mại, dù Trump nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc mới là bên bị thiệt trong đòn áp thuế và việc này sẽ "đem đến rất nhiều tiền" cho ngân khố Mỹ.
"Một số công ty có thể chịu được mức thuế 10%, nhưng với nhiều công ty khác, thuế tăng 10% sẽ ăn hết vào lợi nhuận của họ", Tom Gould, giám đốc cấp cao tại Sandler, Travis & Rosenberg, cho biết.
Bởi vậy, dù Trump áp thuế với bao nhiêu hàng nhập khẩu Trung Quốc đi nữa mà những sản phẩm đó không được sản xuất trong nước, người tiêu dùng vẫn sẽ phải chấp nhận bỏ ra số tiền cao hơn để mua chúng. Một khi người Mỹ vẫn tiếp tục mua hàng Trung Quốc dù giá cao hơn, Bắc Kinh vẫn còn động lực để "chiến đấu tới cùng".
Lãnh đạo Trung Quốc biết rõ từ đầu rằng họ sẽ không thể đọ được với Mỹ theo kiểu "ăn miếng trả miếng" trong từng đòn áp thuế và đó cũng không nằm trong chiến lược dài hạn của họ. Họ cho rằng cách khôn ngoan hơn là kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi đòn áp thuế của Trump bắt đầu "gặm nhấm" vào túi tiền của người Mỹ, trong khi họ vẫn có thể tự sản xuất hoặc tìm nguồn khác thay thế cho hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Áp thuế cũng không phải là đòn thương mại duy nhất Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ. Hải quan Trung Quốc từ giữa năm nay bắt đầu tăng cường kiểm tra các mặt hàng thịt tươi sống, rau củ quả nhập khẩu từ Mỹ. Luis Chein, giám đốc chi nhánh Trung Quốc của WH Group, tập đoàn sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới sở hữu chuỗi Smithfield Foods ở Mỹ, phàn nàn rằng hải quan Trung Quốc gần đây kiểm tra mọi lô hàng thịt lợn nhập từ Mỹ, thay vì kiểm tra ngẫu nhiên như trước đây, theo SCMP.
Việc này khiến thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ phải nằm lại cảng lâu hơn. Ngoài thịt lợn, nhiều sản phẩm tươi sống khác còn bị siết chặt kiểm tra khi thông quan, trong đó có cả hoa quả và hải sản. Thời gian nằm cảng lâu khiến các sản phẩm này bị giảm chất lượng, thậm chí là quá hạn sử dụng, khiến người tiêu dùng Trung Quốc không còn thấy hào hứng với chúng nữa. Thay vào đó, họ có thể mua sản phẩm nhập khẩu từ nước khác, hoặc hàng nội địa.
Trung Quốc gần đây đã giảm nhập khẩu đáng kể đậu nành từ Mỹ và tìm kiếm nguồn cung từ các nước khác. Động thái này khiến các nông dân trồng đậu nành ở Mỹ bị ảnh hưởng lớn và cần được sự hỗ trợ của chính phủ.
Chiến thuật khác Trung Quốc có thể áp dụng với các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với họ là đưa ra các quy trình, thủ tục giấy tờ phức tạp, nhiêu khê, khiến các doanh nghiệp này gần như không thể có lãi trên đất Trung Quốc.
Theo bình luận viên quốc tế Adam Fayed, một vũ khí khác mà Trung Quốc nắm giữ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ chính là chủ nghĩa dân tộc, được thúc đẩy bởi lợi thế kiểm soát hệ thống truyền thông của Bắc Kinh.
Cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế và khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa" được Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng, người Trung Quốc ngày càng có xu hướng thiên về chủ nghĩa dân tộc nhiều hơn. Trung Quốc dưới thời ông Tập đoạn tuyệt với chiến lược "giấu mình chờ thời", công khai tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ 21.
"Thông điệp mà truyền thông Trung Quốc phát đi trong những năm qua là Trung Quốc đang trỗi dậy và sẽ thống trị châu Á, nhưng Mỹ và Nhật Bản đang cố kìm hãm nước này", Fayed viết. "Người Trung Quốc tin rằng họ đang bị đe dọa bởi các thế lực bên ngoài".
Chủ nghĩa dân tộc này có thể giúp người Trung Quốc "cắn răng chịu đựng" tác động tiêu cực từ đòn áp thuế của Trump, đặc biệt là khi cuộc chiến thương mại có thể kéo dài. Nó cũng giúp lãnh đạo nước này nhận được sự ủng hộ của dư luận khi thể hiện lập trường cứng rắn và "ăn miếng trả miếng" trước các đòn đánh của Trump.
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc cũng có thể vượt tầm kiểm soát và bùng phát thành những làn sóng bạo lực khó lường. Lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn không muốn cảnh người dân đốt phá xe hơi Mỹ như những gì diễn ra với các thương hiệu Nhật trong đợt biểu tình năm 2012. Đó có thể là một thảm họa có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ trên trường quốc tế cho Trung Quốc.
Bởi vậy, Fayed tin rằng dù đang sở hữu nhiều vũ khí trong tay, lãnh đạo Trung Quốc vẫn tìm cách duy trì trạng thái cân bằng trong quan hệ với Mỹ. Họ phải thể hiện mình đủ cứng rắn để làm hài lòng những người theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng không quá quyết liệt để có thể châm ngòi cho phản ứng dữ dội hơn từ phía Mỹ.
Bắc Kinh dường như cho rằng chính quyền Trump không còn nhiều quân bài để chơi, nên họ sẽ duy trì lập trường "chờ và xem" trong chiến tranh thương mại với Washington. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không sớm nhượng bộ, ngay cả khi cuộc gặp sắp tới bên lề hội nghị G-20 ở Argentina giữa Trump và ông Tập không giúp hai bên giải quyết các bất đồng và giảm nhiệt chiến tranh thương mại, Fayed nhận định.
Theo Trí Dũng (VnExpress.net)