Tín dụng, ngoại hối và tái cơ cấu ngân hàng là những nhiệm vụ thử thách khả năng và bản lĩnh Thống đốc trong cả nhiệm kỳ qua, làm tiền đề quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống ngân hàng hiện đại, đa năng.
Thị trường ngân hàng lúc ấy giống như một cái chợ, theo cách nói của chính tân Thống đốc. Lãi suất cho doanh nghiệp vay vượt xa 20% và bản thân các ngân hàng có lúc vay mượn của nhau tới 30-40%. Trần lãi suất đặt ra có cũng như không vì niêm yết một đằng, ngân hàng huy động và cho vay một nẻo. Trong khi đó, tình trạng đôla hóa, vàng hóa trở nên nghiêm trọng hơn khi người dân suy giảm niềm tin vào đồng tiền Việt Nam cũng như triển vọng kinh tế vĩ mô.
Ông sớm đặt ra 3 mục tiêu cho nhiệm kỳ của mình: giảm lãi suất, dẹp loạn thị trường vàng - ngoại tệ và tiếp theo là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu.
Cuộc chiến lãi suất và nhiệm vụ tái lập kỷ cương ngân hàng
Khi nhậm chức, Thống đốc hứa trong vòng 2 tháng sẽ đưa lãi suất cho vay về 17-19%. Ông cũng gây sốc cho những người hưu trí khi nói lãi suất ngân hàng không thể lúc nào cũng thực dương. Chính sự tự tin tới mức kiêu bạc lúc đó khiến công việc của Thống đốc Bình sau này đã áp lực lại càng gian nan vì thiếu sự đồng cảm.
Trần lãi suất đã có từ cuối năm 2010 nhưng hiện tượng huy động vượt trần diễn ra tràn lan, phổ biến ở mức 17-18% một năm. Lúc ấy, Thống đốc Bình phải dùng biện pháp khá mạnh tay như cấm mở rộng mạng lưới, thậm chí hình sự hoá khi phát hiện vượt trần... khiến không ít ngân hàng "khiếp sợ" nhưng nhờ vậy mà lãi suất huy động đã từng bước được lập lại trật tự, kỷ cương.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Nguyễn Đông |
Trong Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng diễn ra tháng 7/2012, ông Bình yêu cầu các nhà băng cam kết đưa lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15% một năm. Ba tháng sau đó, hơn 80% dư nợ toàn hệ thống đã giảm lãi suất xuống dưới mức này.
Báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội khoá 13 hôm 30/10/2015 cho biết, đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh theo mục tiêu đề ra của Ngân hàng Nhà nước, chỉ bằng khoảng 40% lãi suất vào nửa cuối năm 2011 và thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn kinh tế phát triển ổn định. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9% một năm, cho vay trung và dài hạn ở mức 9-11% mỗi năm, các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án hoặc dự án khả thi thì lãi suất chỉ còn 5-6% một năm.
Mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn bị cho là cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp, nhưng dẫu sao Thống đốc Bình đã hoàn thành phần nào nhiệm vụ của mình, khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế và thiết lập kỷ cương trong toàn hệ thống.
Dẹp loạn thị trường vàng
Nhiệm vụ này còn khó khăn gấp nhiều lần, bởi nó liên quan tới tâm lý thiếu tin tưởng tiền đồng của người dân Việt, liên quan tới chuyện làm ăn của hàng chục nghìn đơn vị đầu tư kinh doanh vàng mà đa phần trong số đó không thuộc diện quản lý của cơ quan chức năng nào.
Thời điểm ông Bình nhậm chức, giá vàng thế giới tăng vọt, chạm mức cao kỷ lục - 1.917 USD một ounce. Thị trường trong nước cũng biến động mạnh, giá tăng giảm với biên độ hàng triệu đồng chỉ trong một ngày và tạo độ chênh lệch lớn so với thế giới. Tình trạng đầu cơ, làm giá bùng phát, người người chen nhau đi mua bán vàng, ảnh hưởng đến trật tự xã hôi va tỷ giá.
Thống đốc Bình tuyên bố sẽ kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới về dưới 400.000 đồng. Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng đưa ra các biện pháp trong ngắn hạn như cấp quota nhập khẩu, lập nhóm 5 ngân hàng cùng với SJC bình ổn giá. Những sáng kiến và quyết tâm thủa ban đầu chưa thực sự thành công, buộc ông và các cộng sự tìm kiếm chiến lược dài hơi hơn, khéo léo hơn mà không kém phần quyết liệt.
Mục tiêu được xác định lại là bình ổn thị trường, chứ không chỉ bình ổn giá và đích đến cuối cùng là phải làm cho người dân chán vàng, không còn bị cuốn vào và chịu thiệt thòi bởi những cơn sóng đầu cơ. Chiến lược dài hơi để chấn chỉnh lại thị trường vàng thể hiện rõ trong Nghị định 24 có hiệu lực từ tháng 5/2012, với bước đầu tiên là thu hẹp mạng lưới kinh doanh vàng. Chính sách này cũng gây ra nhiều phản ứng mạnh khi hàng nghìn điểm mua bán vàng bị xoá bỏ, toàn thị trường thay vì trên 10.000 điểm kinh doanh vàng miếng thu hẹp xuống còn khoảng 2.400 điểm.
Một bước đi khác cũng gây đau đớn cho các đại gia chơi vàng, đó là cấm ngân hàng huy động và cho vay vàng, buộc tất toán trạng thái để chuyển hoàn toàn quan hệ vay mượn sang mua bán trong hệ thống ngân hàng. Từ đó giúp hệ thống Ngân hàng loại trừ được rủi ro tránh nguy cơ đổ vỡ. Để hỗ trợ cho quá trình tất toán, Ngân hàng Nhà nước đứng ra tổ chức đấu thầu cung ứng vàng cho thị trường. Việc tổ chức đấu thầu không những chỉ giúp cho việc ổn định thị trường vàng mà còn thu cho ngân sách trên 7.000 tỷ đồng.
Những giải pháp quyết liệt trên bước đầu gặp khó khăn do thiếu sự đồng thuận từ xã hội và thậm chí trở thành nguyên nhân khiến Thống đốc nhận điểm tín nhiệm gần chót bảng trong kỳ sát hạch của Quốc hội giữa tháng 6/2013.
Sau hai năm kiên định với các biện pháp chấn chỉnh thị trường vàng và bất chấp thị phi, điều tiếng, Thống đốc đã đạt được mục tiêu của mình. Thị trường vàng đã ổn định, bước đầu khiến người dân chán vàng, không còn cảnh người người xếp hàng mua vàng cũng như những cơn nóng lạnh bất thường của giá vàng gây ảnh hưởng tới tỷ giá. Thị trường đã từng bước tự điều tiết, từ năm 2014 tới nay đã không còn phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng cung ứng cho thị trường. Chính những đại biểu Quốc hội khó tính từng đặt nghi vấn về động cơ dẹp loạn thị trường vàng đã dần thông cảm và ủng hộ cách làm của Ngân hàng Nhà nước.
Tái cơ cấu ngân hàng - đương đầu với lợi ích nhóm
Liên quan đến "cuộc chiến" tái cơ cấu ngân hàng, đây không chỉ là việc khó mà còn được cả xã hội quan tâm trong những năm qua. Cuộc cải tổ này chính thức diễn ra từ đầu năm 2012, sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án 254 với những nội dung đồ sộ nhằm sắp xếp lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Công cuộc tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2012-2015, nhiệm vụ trọng tâm là xử lý nợ xấu, lành mạnh hoá tình trạng tài chính để giải quyết các ngân hàng yếu kém. Giai đoạn 2015-2020 được xem là thời gian để phát triển hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng.
Do chịu tác động mạnh, bất lợi của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, cùng với những yếu kém tích tụ qua nhiều năm của nội tại nền kinh tế, đến năm 2011 nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát tăng cao (18,3%), các cân đối lớn của nền kinh tế bị phá vỡ nghiêm trọng, thị trường tiền tệ rối loạn, thanh khoản của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng rất căng thẳng (lãi suất cao trên 20%), thị trường ngoại tệ, thị trường vàng chao đảo, lũng loạn, nợ xấu tăng cao (17,2%) đã kìm hãm tăng trưởng tín dụng, hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhiều tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, có nguy cơ đổ vỡ và kéo theo nguy cơ đổ vỡ của toàn hệ thống. Trước tình hình đó, việc ổn định lại thị trường tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp bách.
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề nợ xấu hôm 21/8/2012, có đại biểu đã hỏi thẳng Thống đốc về trách nhiệm liên quan tới chuyện bầu Kiên bị bắt, về lợi ích nhóm đằng sau câu chuyện thâu tóm ngân hàng cổ phần lớn nhất thị trường Sacombank. Hai tháng sau, ông phải tiếp tục lên sóng truyền hình để trả lời về câu chuyện lợi ích nhóm và tin đồn liên quan tới các lãnh đạo ngân hàng thương mại.
Quy mô đợt tái cấu trúc lần này được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay, đặc biệt lại diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế không thuận lợi. Đến nay, nguy cơ đổ vỡ hệ thống và đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát của từng tổ chức tín dụng đã được loại bỏ. An toàn, ổn định của hệ thống được đảm bảo. Các hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật được phát hiện và xử lý. Kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của các ngân hàng được nâng lên. Sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các tổ chức tín dụng được xử lý một bước căn bản.
Sau gần 4 năm, hệ thống cơ bản được sắp xếp lại với hàng loạt thương vụ hợp nhất, sáp nhập, mua lại nhằm gút số lượng ngân hàng cũng như thanh lọc các nhà băng yếu kém. Từ 42 ngân hàng thương mại, đến nay hệ thống còn 34. Số đơn vị quốc doanh do Ngân hàng Nhà nước sở hữu 100% vốn lại tăng từ một (Agribank) lên bốn sau khi cơ quan này đứng ra mua lại GPBank, VNCB và OceanBank với giá 0 đồng như một hình thức xử lý bắt buộc. Cách làm này được Ngân hàng Nhà nước nhiều lần nhấn mạnh là giải pháp tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được tình hình các ngân hàng yếu kém. Trong số 9 ngân hàng cổ phần yếu kém được xác định từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại. Đến nay, tất cả các phương án cơ cấu lại ngân hàng cổ phần yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện.
Cũng ghi nhận nỗ lực của hệ thống ngân hàng là điểm sáng trong 3 trụ cột của tái cơ cấu kinh tế (bên cạnh tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước), song Giáo sư Trần Thọ Đạt cho rằng quá trình cơ cấu lại tài chính của các ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Giáo sư, xử lý sở hữu chéo cũng là một trong những vấn đề khó khăn, cần phải kiên trì và nhiều thời gian.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên chất vấn chiều 21/8/2012 về việc Bầu Kiên bị bắt. Ảnh: Nhật Minh |
Vấn đề nợ xấu, được ví như "cục máu đông" làm nghẽn dòng vốn ra nền kinh tế. Trước những chất vấn của đại biểu về số liệu, căn nguyên của việc nợ xấu gia tăng và biện pháp nào để xử lý, Thống đốc "xin nhận trách nhiệm" trước Quốc hội và hứa có biện pháp kiểm soát hiệu quả.
"Tôi tin tưởng sâu sắc rằng với nỗ lực phấn đấu của toàn bộ hệ thống chính trị, chúng ta sẽ xoay chuyển được tình hình và nợ xấu sẽ được cải thiện trong thời gian tới, tiến tới chỗ là ngay trong nhiệm kỳ này có thể đưa được nợ xấu về mức an toàn theo đúng chuẩn mực quốc tế", Thống đốc phát biểu ngày 21/8/2012.
Khi đó, ngành ngân hàng đang nghiên cứu về đề án thành lập một tổ chức mua bán nợ quốc gia với mục đích xử lý triệt để các khoản nợ xấu, bên cạnh việc yêu cầu các ngân hàng trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro. Nhưng câu chuyện Ngân hàng Nhà nước đề xuất lập công ty mua bán nợ quốc gia - VAMC, đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối ngay từ đầu, bởi người ta lo Nhà nước phải bỏ tiền ra khắc phục việc làm bừa, làm ẩu của các ngân hàng. Người ta cũng lo có lợi ích nhóm trong việc mua bán và xử lý nợ xấu, lo tiền Nhà nước bỏ ra rồi không có ngày quay về.
Sau đó, Thống đốc đã có những hành động để thực hiện lời hứa của mình, như việc ban hành các văn bản pháp luật yêu cầu ngân hàng gọi đúng tên các khoản nợ, yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC)...
Tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ mức 4,47% (theo báo cáo của các tổ chức tín dụng) hay khoảng 17% (theo cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước) hồi trả lời chất vấn lần đầu xuống còn 4,17% cuối tháng 6/2014. VAMC sau hơn một năm hoạt động cũng mua được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu từ 35 tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 8/2014.
Một năm sau chất vấn tại Thường vụ Quốc hội chiều 29/9/2014, báo cáo của Chính phủ gửi đến đại biểu Quốc hội khoá 13, diễn ra trong tháng 10/2015 cho biết, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã ổn định và thể hiện xu hướng đi xuống khá rõ nét kể từ tháng 10/2013. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất là 4,93% vào tháng 9/2012 (ước tính thận trọng theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước lên tới 17,2%). Đến cuối năm 2014 thì mức nợ xấu còn dưới 3,5% và đến tháng 9 năm 2015 thì nợ xấu đã trở về dưới 2,93%. Gần 456.000 tỷ đồng, tương đương hơn 98% số nợ xấu được đánh giá tại thời điểm tháng 9/2012 đã được xử lý, trong đó khoảng 58% được xử lý dứt điểm bằng nội lực của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp, gần 42% được xử lý thông qua VAMC.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của Thống đốc thời gian tới còn nặng nề, tái cấu trúc và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng mới chỉ đặt nền tảng quan trọng cho sự phát triển trong thời gian tới nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để hướng tới mục tiêu bảo đảm một hệ thống các tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả bền vững.
Giáo sư Trần Thọ Đạt cùng các cộng sự trong một nghiên cứu về nợ xấu cho rằng có tới một phần đáng kể nợ xấu (42%) được xử lý vừa qua được bán cho VAMC nhưng việc xử lý số nợ xấu đã mua được này không hề đơn giản bởi những vướng mắc, bất cập về các quy định xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, quyền hạn của VAMC, vấn đề thị trường bất động sản, khó khăn tài chính của doanh nghiệp chậm được khắc phục,…và cả quan điểm phi truyền thống không dùng tiền ngân sách nhà nước cho xử lý nợ xấu cũng làm chậm lại tiến trình xử lý nợ xấu.
Theo đánh giá của tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cho đến giờ VAMC thu hồi được một số ít nợ trong tổng số hơn 125.000 tỷ nợ xấu mua từ các tổ chức tín dụng. Nhưng phần còn lại vẫn nằm ở đấy và sau 5 năm không giải quyết được thì đống nợ đó sẽ trở lại ngân hàng để xử lý bằng dự phòng rủi ro. Các ngân hàng thương mại cũng sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Nhưng nói chung tất cả những nỗ lực đó chưa đủ để giải quyết vấn đề nợ xấu của Việt Nam một cách nhanh chóng, bền vững, vì xét cho cùng vẫn chỉ bằng nguồn lực tài chính hạn chế của các tổ chức tín dụng trong khi họ vẫn phải gồng mình tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.
Theo Lệ Chi (VnExpress.net)