Trụ sở Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn tại Thôn Phúc Lập, Xã Tam Phúc, Huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc |
Đầu tháng 11 vừa qua, doanh nhân Nguyễn Văn Hậu, ông chủ của Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn đón nhận tin vui khi công ty của ông là một trong hai nhà thầu được “chấm điểm” đầu tư dự án Trung tâm hành chính mới tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng.
Theo Giấy phép Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn, doanh nghiệp này có địa chỉ tại Thôn Phúc Lập, Xã Tam Phúc, Huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Công ty này được thành lập từ năm 2010, với số vốn điều lệ là 129,789,000,000 đồng, dưới tên người đại diện Nguyễn Văn Hậu – một doanh nhân trẻ sinh năm 1981.
Dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng doanh nghiệp của ông Hậu giờ đang là nhà thầu hoặc là chủ đầu tư của hàng loạt dự án có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trải dài khắp đất nước. Nổi bật là dự án khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 130 ha; Khu nhà ở cho người có thu thập nhấp 15 tầng tại trung tâm thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng tại Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với quy mô 149 ha.
Doanh nghiệp của đại gia 8x Nguyễn Văn Hậu cũng là nhà thầu chính trong việc tu bổ nâng cấp khu Di tích Lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Không chỉ phát triển tại quê nhà, Tập đoàn Phúc Sơn còn “bành trướng” địa bàn hoạt động của mình khi đấu thầu thành công nhiều dự án lớn nhỏ tại các tỉnh Phú Thọ, tỉnh Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, thành phố Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa ...
Gần đây nhất, doanh nhân trẻ Nguyễn Văn Hậu lại "đánh động" dư luận khi mạnh tay “rút hầu bao” chi hơn 1.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng dự án Nghĩa trang Thiên An Viên có tầm cỡ quy mô lớn nhất Đông Nam Á, dù đến thời điểm này, các thủ tục pháp lý đang trở thành rào cản để dự án này triển khai trên thực tế.
Là thế hệ sau của doanh nhân Nguyễn Văn Hậu, sự kiện chủ rể thuê máy bay đón dâu đã dần hé lộ ra thân thế của doanh nhân Tạ Minh Thiện tại một trong những công ty thủ sản lớn nhất miền Nam – Công ty Âu Vững.
Chia sẻ với ANTT.VN, doanh nhân sinh năm 1990 Tạ Minh Thiện cho biết, hiện nay công ty thủy sản Âu Vững do anh làm đại diện pháp luật đang cung cấp sản phẩm vào các thị trường tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, các nước Trung Đông… Chỉ tính riêng năm 2014, doanh thu của công ty này đạt trên 2000 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD).
Theo đăng ký kinh doanh, Công ty Âu Vững có địa chỉ tại xóm Mới, Xã Tân Thạnh, Thị xã Giá Rai, Tỉnh Bạc Liêu.
Có gốc gác từ thôn quê, nhưng triển vọng của công ty Âu Vững đang rạng rỡ trong tương lai phía trước. Sau lễ tân hôn, doanh nhân Tạ Minh Thiện tiết lộ hiện công ty ông đang xây dựng nhà máy Âu Vững II với quy mô và công suất lớn, trang thiết bị hiện đại vào hoạt động với tổng mức đầu tư 12 triệu USD.
Có thể các CEO của từng doanh nghiệp được đào tạo kinh doanh bài bản ở nước ngoài, và khi tích lũy được các nền tảng kiến thức “làm ăn” nhất định, đích đến cho sự ra đời của các công ty mà họ khai sinh thông thường “hồi cố hương”. Theo công bố mới nhất của tỉnh Bắc Ninh, trong số 100 doanh nghiệp có số vốn đăng ký lớn nhất của “miền quan họ” lại chủ yếu có địa chỉ ở … cấp xóm. Một trong những doanh nghiệp lẫy lừng trong đội “doanh nghiệp mạnh” ở đây là Tập đoàn Hanaka với vốn đăng ký lên đến 1.100 tỷ đồng của ông chủ Mãn Ngọc Anh. Theo gốc tích, ông Anh sinh ra tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong.
Theo Thiên Di (An Ninh Tiền Tệ & Truyền Thông)