Buôn lậu hơn 6 tấn vàng, có sự liên quan của nhân viên hàng không
Tình trạng buôn lậu vàng qua đường hàng không diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi... Điều đáng nói, bản thân một số nhân viên hàng không lại chính là đối tượng tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia vận chuyển, buôn lậu vàng.
Đầu năm 2024, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 24 bị can trong đường dây buôn lậu 6.150kg vàng 9999 về tội Buôn lậu.
Trong số các bị can, Đặng Nam Trung thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và TP.HCM giao tiền, nhận vàng mang ra Hà Nội theo phân công của bị can Đặng Thị Thanh Hằng. Khi làm thủ tục lên máy bay, Trung đi qua cửa VIP kiểm soát an ninh sân bay Tân Sơn Nhất và có quen biết với nhiều nhân viên an ninh sân bay.
Lúc mang vàng ra Hà Nội, Trung đều nhờ làm thủ tục lên máy bay trước. Trường hợp Trung không trực tiếp mang vàng ra mà giao cho người có tên Trịnh Việt Châu hoặc gửi tiếp viên Vietnam Airlines thì Trung đều nhờ trước nhân viên an ninh trực để các cá nhân này mang vàng qua cửa an ninh.
Cáo buộc cho rằng, bị can Trung và người có tên Trịnh Việt Châu cùng một số tiếp viên hàng không Vietnam Airlines đã mang vàng nguyên khối (vàng thỏi) qua cửa an ninh để lên máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội.
Rà soát kết quả soi chiếu an ninh sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ xác định được chuyến bay VN204 ngày 28/9/2022, Đặng Nam Trung bay từ TP.HCM ra Hà Nội có mang theo vàng nguyên khối.
Buôn lậu 3 tấn vàng qua cửa khẩu Lao Bảo
Hồi giữa năm ngoái, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã triệt phá thành công đường dây buôn lậu vàng với số lượng lớn tại tỉnh Quảng Trị.
Đường dây nêu trên do Nguyễn Thị Hóa (ở Quảng Trị) cầm đầu với thủ đoạn vận chuyển vàng từ Lào qua biên giới về Việt Nam.
Cơ quan công an xác định, từ năm 2022, Hóa cùng đồng phạm tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo, bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam để thu lời bất chính.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Buôn lậu và Trốn thuế xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo, Công ty CP Đầu tư vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan.
Hai ngày chuyển gần 200kg vàng qua biên giới
Vào tháng 9/2022, cơ quan công an bắt giữ đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ qua biên giới Việt Nam - Campuchia.
Riêng hai ngày 27-28/9/2022, đường dây trên đã nhập lậu 198kg vàng. Cơ quan chức năng xác định được đối tượng chủ mưu cầm đầu, vận chuyển, tiêu thụ.
Bộ Công an xác định, đường dây trên rất lớn, diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều đối tượng, trên nhiều tỉnh, thành phố. Thủ đoạn của các đối tượng thiết lập đường dây khép kín, thu mua ngoại tệ từ Việt Nam chuyển qua Campuchia mua vàng về Việt Nam tiêu thụ.
Những vụ buôn lậu vàng rúng động miền Tây
Được biết đến là tỉnh có khoảng 100km đường biên giáp Campuchia, 2 cửa khẩu quốc tế và rất nhiều "đường mòn lối mở" - tỉnh An Giang nổi lên nhiều loại tội phạm buôn lậu. Đặc biệt là buôn lậu vàng, ngoại tệ qua biên giới.
Vào đầu năm 2022, Công an tỉnh An Giang bắt quả tang Nguyễn Thanh Bình (trú TP Long Xuyên) và Trang Kiến Tường (ngụ TP Châu Đốc) đang có hành vi mua bán vàng nhập lậu. Thời điểm bắt quả tang ông Bình và Tường, lực lượng Công an tỉnh An Giang thu giữ 3 thỏi vàng, gần 170.000 USD và 700 triệu đồng.
Quá trình khám xét khẩn cấp tiệm vàng có liên quan cùng các địa điểm khác, cảnh sát thu giữ khoảng 15kg vàng nữ trang, hơn 2,1 triệu USD, một số ngoại tệ khác, 25 tỷ đồng và một số giấy tờ, điện thoại di động có liên quan.
Trước đó, cũng tại An Giang, vào ngày 11/3/2017, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên bắt vụ vận chuyển 8kg vàng nhập lậu (tương đương hơn 212 cây vàng) và 100 triệu Riel (tiền Campuchia). Đối tượng vận chuyển là Vuoch Hea (SN 1957, người Campuchia), nhập cảnh vào Việt Nam bằng xe máy.
Trước đó nửa năm, một vụ nhập lậu vàng lớn cũng xảy ra ở huyện Tịnh Biên. Cụ thể, chiều 25/11/2016, Rim Ri Linh (thiếu tá công an, Phó Đồn trưởng Công an Cửa khẩu Phnom Den, Campuchia (giáp cửa khẩu Tịnh Biên), một mình lái ô tô chạy từ Campuchia đến cửa khẩu Tịnh Biên, xin qua Việt Nam thăm người thân. Sau đó, lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện Linh chở theo 18kg vàng 24K (tương đương 478 cây vàng).
Linh khai trước đó đã vận chuyển trót lọt 2 chuyến vàng từ Campuchia vào Việt Nam qua đường cửa khẩu Tịnh Biên, với tổng số khoảng 27kg. Như vậy, chỉ thời gian ngắn, Linh đã tuồn vào Việt Nam 3 chuyến với khoảng 1.200 cây vàng.
Cũng trong năm 2016, lực lượng đồn Biên phòng Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) bắt được vụ vận chuyển gần 50 cây vàng và nhiều ngoại tệ của 4 phụ nữ đều mang quốc tịch Campuchia. Những phụ nữ này khai mang tiền vào Việt Nam để mua vàng, mang vàng trang sức cũ đổi lấy vàng mới về Campuchia làm trang sức cho người thân.
Hai xe ô tô chở theo 56kg vàng lậu từ biên giới Campuchia về TP.HCM
Chiều 20/1/2022, Công an Tây Ninh kiểm tra xe ô tô do Đào Mạnh Cường (SN 1964, ngụ TP.HCM) điều khiển chở Trần Thị Ánh Loan di chuyển qua địa phận huyện Bến Cầu.
Qua khám xét, công an phát hiện trên xe có một túi xách chứa 25kg vàng thỏi, 2kg vàng nữ trang, 84 miếng vàng 9999 và 1,2 tỷ đồng tiền mặt.
Cùng thời điểm này, công an cũng kiểm tra ô tô do Trần Châu Chánh Trực (SN 1995, ngụ TP.HCM) điều khiển, phát hiện 29kg vàng thỏi.
Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ số vàng trên.
Mở rộng điều tra, công an đã tiến hành bắt khẩn cấp các đối tượng Nguyễn Hoàng Hiếu (SN 1990), Trần Quốc Tuấn (SN 1984, cùng ngụ huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) và Trần Kim Ngọc (SN 1968, ngụ TP.HCM).
Các đối tượng khai nhận đã móc nối với người ở Campuchia mua vàng với số lượng lớn, sau đó thuê người vận chuyển đến khu vực biên giới để các đối tượng mang tiền đến đổi vàng, đem về TP.HCM tiêu thụ.
Vụ vận chuyển gần 51kg vàng của 'trùm' buôn lậu Mười Tường
Chiều 13/8/2023, TAND tỉnh An Giang tuyên án vụ buôn lậu 51kg vàng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới liên quan tới bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, SN 1969; ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) cùng 24 đồng phạm.
Theo đó, bị cáo Hạnh bị phạt 16 năm tù về tội buôn lậu và 7 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Bị cáo Hạnh còn phải chịu hình phạt bổ sung là 100 triệu đồng về tội buôn lậu và 50 triệu đồng về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Theo hội đồng xét xử, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ điều tra được và lời khai của các bị cáo, những người liên tại phiên tòa đã chứng minh bị cáo Hạnh thuê, điều hành toàn bộ hoạt động vận chuyển tiền USD sang Campuchia và nhận gần 51kg vàng. Vụ án đã bị Công an tỉnh An Giang triệt phá, bắt quả tang vào trưa 30/10/2020.
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)