Những nguyên tắc huấn luyện người thừa kế độc đáo của gia tộc sở hữu ‘đế chế’ Amata: Con cháu phải tự vay tiền ngân hàng để học đại học, 3 tuổi đã phải ngồi nghe chuyện kinh doanh

02/11/2019 08:40:55

Hiện tại, tổng tài sản của Tập đoàn Amata – nhà đầu tư hạ tầng lớn nhất nhì Việt Nam, đã lên tầm 1 tỷ USD. Giàu có là thế, nhưng gia tộc sáng lập Amata – Kromadit lại hết sức nghiêm khắc với thế hệ sau: con cháu phải tự vay tiền ngân hàng để học đại học, từ 3 tuổi là phải tham gia các cuộc họp của gia đình.

Những nguyên tắc huấn luyện người thừa kế độc đáo của gia tộc sở hữu ‘đế chế’ Amata: Con cháu phải tự vay tiền ngân hàng để học đại học, 3 tuổi đã phải ngồi nghe chuyện kinh doanh

Bạn hẳn đã nghe rất nhiều về giới Rich Kids – con của những tỷ phú/triệu phú USD, những đứa trẻ sinh ra đã ngậm thìa vàng. Với những gì thể hiện trên các mạng xã hội, dường như, nhiệm vụ cuộc đời chủ yếu của những Rich Kids khắp thế giới là làm sao tiêu càng nhiều tiền của bố mẹ càng tốt.

Tuy nhiên, cái gì cũng có ngoại lệ - như con cháu của gia tộc giàu có đứng trong Top đầu của Thái Lan - Kromadit. Gia tộc Kromadit chính là nhà sáng lập và là chủ sở hữu của Tập đoàn Amata.

Tập đoàn Amata được người con trưởng Vikrom Kromadit – năm nay 66 tuổi, khởi tạo từ những năm 1989, là một trong những nhà phát triển hạ tầng thành phố hàng đầu thế giới. Hiện ông Vikrom Kromadit vẫn đang giữ chức CEO của Amata. Năm 2018, Tập đoàn Amata từng lọt vào danh sách Global Fortune 500. Doanh thu năm 2018 của họ đạt 134,67 triệu USD, tổng tài sản lên đến hơn 1 tỷ USD. Ngoài hạ tầng, họ còn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, logistic, bất động sản và quản lý bất động sản.

Họ có 5 khu công nghiệp quy mô lớn: 2 ở Thái Lan và 3 tại Việt Nam. Amata vào Việt Nam tham gia đầu tư hạ tầng khu công nghiệp từ năm 1994, bằng cách thành lập khu công nghiệp rộng 700ha tại Biên Hòa.

Trong tương lai gần, họ đang có ý định đầu tư thêm 2 khu công nghiệp ở Lào và Myanmar. Hiện có 1.323 nhà máy từ 30 quốc gia cùng 330.000 công nhân viên đang hoạt động trong các khu công nghiệp của họ.

"Tôi là em gái út cùng cha cùng mẹ của ngài Vikrom Kromadit. Gia đình tôi khá phức tạp. Ba của chúng tôi có tới tận 7 bà vợ. Tôi và anh trai Vikrom là 2/10 người con của người vợ đầu. Ngoài ra, 10 anh em chúng tôi còn có 11 anh chị em cùng cha khác mẹ. Nếu tính tổng lại tất cả, hiện ba tôi có tới hơn 50 con cháu. Còn nếu tính xa hơn cả bà con trong họ, thì gia tộc của chúng tôi có khoảng 300 người", bà Somhatai Panichewa – Tổng giám đốc Amata Việt Nam cho biết.

Và theo bà, sinh ra trong một gia đình giàu có với truyền thống kinh doanh lâu đời không phải hoàn toàn tốt, ví dụ như con cháu của gia tộc Kromadit. Để có thể tạo ra những ‘chiến binh’ chiến đấu và chiến thắng trên thương trường khốc liệt, gia tộc Kromadit đã có một bộ 3 nguyên tắc khá nghiêm khắc cho tất cả thành viên.

Theo lời kể của bà Somhatai Panichewa, nguyên tắc đầu tiên của gia tộc Kromadit là tất cả các thành viên đều phải học hành tới nơi tới chốn, không được từ chối sự giáo dục và không được lười biếng.

"Nhưng chúng tôi không được hỗ trợ về tài chính và đều phải vay tiền ngân hàng để đi học đại học. Thế nên, không ai dám lười biếng và đều mong tốt nghiệp nhanh để đi làm và trả nợ ngân hàng. Ở lại 1 năm tức là ngốn thêm một đống tiền, nên không ai dám ở lâu! Đây là cách mà ba chúng tôi muốn huấn luyện con cái nhận ra giá trị đích thực của đồng tiền", bà Somhatai Panichewa chia sẻ trong Hội thảo Quản trị doanh nghiệp gia đình Việt Nam do Tạp chí TheLeader tổ chức.

Những nguyên tắc huấn luyện người thừa kế độc đáo của gia tộc sở hữu ‘đế chế’ Amata: Con cháu phải tự vay tiền ngân hàng để học đại học, 3 tuổi đã phải ngồi nghe chuyện kinh doanh - 1
Bà Somhatai Panichewa đang đứng cạnh anh trai kiêm cấp trên Vikrom Kromadit (thứ hai từ trái sang) trong một sự kiện của Amata tại Việt Nam năm 2018.

Nguyên tắc thứ hai là ai cũng phải tham gia các cuộc họp của gia đình. Trong công ty có Chủ tịch thì trong gia đình cũng tương tự. Trong cuộc họp của gia tộc Kromadit, ngoài Chủ tọa điều hành cuộc họp thì còn có thư ký ghi biên bản, sau đó phát cho các thành viên trong gia đình 1 người 1 bản. Nhỏ hay lớn đều phải tham gia, hồi con gái của vị nữ giám đốc này 3 tuổi là đã phải ngồi nghe chuyện kinh doanh của Amata.

"Việc bắt tất cả thành viên trong gia đình tham dự các buổi họp như thế này nhằm huấn luyện khả năng lắng nghe, khả năng phản biện, nói chuyện trước đám đông cho tất cả, dù nhỏ hay lớn", bà Somhatai Panichewa giải thích thêm.

Nguyên tắc cuối cùng là phải chia sẻ. Không chỉ 10 anh em trong gia đình bà phải học cách chia sẻ để sống hòa thuận cùng nhau, mà những người còn lại trong gia tộc cũng thế.

Ở khía cạnh khác, mặc dù gia tộc Kromadit đang sở hữu Amata, nhưng không phải ai ở trong gia tộc này muốn vào đây làm là được. "Trong gia tộc của chúng tôi, chỉ những người có tấm lòng tốt, hấp thụ được nền giáo dục đầy đủ và có kiến thức đạt chuẩn, có khả năng quản lý mới được vào làm việc ở Amata.

Tuy nhiên, nguyên tắc là chỉ 10% tổng thành viên của gia tộc chúng tôi được có mặt trong ban lãnh đạo của Amata, ngoài nhà sáng lập Vikrom Kromadit. Tôi may mắn là 1 trong 3 người thành công vượt qua được thử thách. Thế nên, bây giờ, con cháu nào có được 3 phẩm chất nói trên, thì chúng phải ‘đánh bại’ 1 trong 3 chúng tôi mới được vào Amata", CEO Amata Việt Nam tiết lộ.

Vì gia tộc của bà được tổ chức như một công ty, nên ngoài các nguyên tắc kể trên, thì các thành viên trong gia tộc phải được đào tạo và huấn luyện theo 4 phần về quá khứ - hiện tại - kế hoạch tương lai - giải pháp cho những vấn đề tương lai của gia tộc cũng như Amata, vun đắp giúp cả hai mãi trường tồn.

Phần 1 – quá khứ: các thành viên trong gia tộc Kromadit sẽ được học về lịch sử của gia tộc, quá trình hình thành và phát triển. Ngoài ra, các thành viên cũng sẽ học được những bài học kinh nghiệm trong quá khứ của gia tộc, cả thành công lẫn thất bại.

Những nguyên tắc huấn luyện người thừa kế độc đáo của gia tộc sở hữu ‘đế chế’ Amata: Con cháu phải tự vay tiền ngân hàng để học đại học, 3 tuổi đã phải ngồi nghe chuyện kinh doanh - 2
CEO Tập đoàn Amata Vikrom Kromadit (khăn rằng) đang đứng bên cạnh cha mình và một thành viên khác trong gia tộc ở buổi ra mắt sách của mình.

Phần 2 – hiện tại: tìm hiểu về tài sản và cổ phần mà các thành viên trong gia tộc đang sở hữu, những nguyên tắc vận hành của gia đình, mọi người phải cùng nhau chia sẻ y tế/giáo dục/thức ăn/nơi ở chứ không bán/chia chác.

"Các thành viên sẽ được học cách làm sao để chuyện kinh doanh của gia tộc mãi trường tồn, đây là điều vô cùng quan trọng. Ngoài ra, các thành viên trong gia tộc không được bán cổ phiếu của mình cũng như không nhận được cổ tức", CEO Amata Việt Nam chia sẻ thêm.

Phần 3 – kế hoạch tương lai: các thành viên được học cách quản lý cũng như nhân rộng tài sản mà mình đang sở hữu. Ví dụ: như trong tương lai, tài sản của họ sẽ gặp vấn đề và nguy cơ như thế nào. Nếu các thành viên quản lý tốt tài sản của mình thì công ty sẽ có nhiều lợi nhuận và doanh thu hơn.

Phần 4 – những giải pháp cho các nguy cơ trong tương lai: các thành viên sẽ được trải nghiệm nguy cơ của các gia tộc chuyên làm kinh doanh cũng như các công ty gia đình từ kinh nghiệm của các gia tộc tương tự tại Thái Lan và trên thế giới; thảo luận vấn đề này với các chuyên gia.

"Tất nhiên, trước khi đưa ra những ‘hiến pháp" như trên, gia tộc đã có sự thảo luận với các chuyên gia trong ngành. Tuy nhiên, tại Thái Lan, không có doanh nghiệp gia đình nào làm điều này, trừ Amata.

Mục tiêu của gia tộc khi ban hành ‘hiến pháp’ nói trên, là nhằm tuyển chọn ra những thành viên ưu tú và tốt nhất trong gia tộc để phục vụ cho Amata. Thế hệ của chúng tôi sẽ không sống mãi, chúng tôi rồi cũng sẽ qua đời, nhưng ‘hiến pháp’ của gia tộc sẽ sống mãi", bà Somhatai Panichewa kết luận.

Theo Quỳnh Như (Trí Thức Trẻ)

 

Nổi bật