Bán nước mía lãi 2 triệu/ngày
Có thể thấy ở Hà Nội hay bất cứ thành phố lớn nào, cứ nắng nóng là những quán nước mía ven đường lại mọc lên như nấm sau mưa. Thậm chí, có nhiều tuyến đường có đến hơn 10 quán hàng bán nước mía. Bởi mùa hè, nhu cầu giải khát của người dân tăng cao.
Cùng với đó, nước mía được đánh giá không chỉ là loại nước giải nhiệt nhanh mà còn tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, để mở một quán nước mía không khó khi chỉ cần có mặt bằng và máy móc.
Về máy móc, trên thị trường hiện có nhiều loại máy ép nước mía giá cả dao động từ 2 đến 15 triệu đồng. Máy càng đắt càng có nhiều chức năng, linh kiện bằng inox bảo đảm độ sạch sẽ, ép nhanh và nhiều nước hơn sản phẩm rẻ tiền.
Từ đầu mùa hè, chị Nguyễn Thị Hương, một người bán nước mía tại phố Tân Mai (Hoàng Mai – Hà Nội) luôn mang về doanh thu từ 1 triệu đến 2 triệu mỗi ngày.
Chị Hương cho biết, một cây mía mua tại chợ đầu mối tính ra cả chi phí vận chuyển chừng 9.000 đồng. Ép 1 cây mía được khoảng 4 cốc nước, bán mỗi cốc 10.000 đồng. Như vậy, một cây mía cũng có lãi chừng 30.000 đồng. Những ngày trời càng oi nóng, thì bán nước mía càng chạy.
Ngoài việc bán nước mía tại chỗ, chị Hương còn bán nước mía trên “chợ online”. Theo đó, bằng việc tham gia các hội, nhóm bán hàng trên Facebook chị Hương Hoàng bán nước mía theo lít với giá 30.000 đồng/lít kèm theo đá và cốc nhựa. Khách mua từ 5 lít trở lên, giá còn 25.000 đồng.
Chở chục tạ đá viên mỗi ngày, kiếm tiền triệu
Nắng nóng mùa hè, nhu cầu giải nhiệt luôn tăng cao, vì vậy mà đá viên cũng là một trong những mặt hàng tiêu thụ rất lớn. Nhiều cơ sở làm đá liên tục “cháy hàng” và các cơ sở làm đá phải tăng cường nhân lực cùng thời gian sản xuất đá gần như 24/24.
Cùng với các cơ sở làm đá thì những người bán đá dạo cũng kiếm tiền triệu mỗi ngày. Tuy nhiên, công việc chở đá và bán đá dạo cũng khá vất vả. Hàng ngày, những người chở đá thường phải chạy ngoài đường dưới cái nắng đôi lúc đến hơn 40 độ C.
Theo anh Phạm Quốc Quân, một người bán đá viên dạo tại Trung Liệt (Đống Đa – Hà Nội) thì tuy chạy đá trời nắng nhưng thù lao cũng khá khẩm. Mỗi chuyến chở được chừng 3 tạ đá, cũng được 500.000 đồng/chuyến, trừ chi phí cũng lãi khoảng 250.000 đồng.
Một ngày bình thường chở 4 – 5 chuyến, riêng những ngày nắng nóng chở 7 – 8 chuyến/ngày. Thậm chí, những ngày nắng nóng giá đá tăng do các cơ sở sản xuất tăng giá nên thu nhập cũng thêm được thêm phần nào.
“Tuy có vất vả nhưng công việc cũng quen rồi. Ngại nhất không phải là trời nắng nóng đi chở đá, mà ngại nhất là mỗi khi cháy hàng, điện thoại reo liên hồi mà không có đủ đá mang cho mọi người dùng. Khách hàng từ các quán ăn, nhà hàng đến cả những quán trà đá, nước mía hay những hộ gia đình.
Nhiều ngày nắng nóng, tôi chở đá liên tục từ 4 giờ sáng cho đến tận nửa đêm. Tuy ngủ ít nhưng vẫn nhủ lòng, đây là nghề của mình và chỉ có mùa hè mới kiếm tiền được. Chứ nghề đá mùa đông thì lại túc tắc và chơi dài” anh Quân nói.
Giá đá túi tại Hà Nội hiện dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/túi. Thậm chí những ngày nắng nóng, nhiệt độ lên đến 40 độ C, giá đá túi còn tăng lên mức 12.000 đồng – 15.000 đồng/túi.
Sửa điều hòa “quên ăn quên ngủ” thu về vài triệu mỗi ngày
Những ngày nắng nóng, để gọi được một người thở sửa điều hòa ngay và luôn để sửa chữa, bảo dưỡng chiếc điều hòa đang có vấn đề là rất khó. Bởi, gần như thợ sửa điều hòa đều đã kín lịch hẹn. Do đó, để tìm được một người thợ sửa điều hòa thì người dùng sẽ phải đợi từ 5 – 7 ngày hoặc thậm chí là lâu hơn nữa.
Anh Phạm Quốc Chiến (Tổ 37, Định Công Thượng – Hoàng Mai – Hà Nội) một người thợ sửa điều hòa cho biết, mỗi ngày anh phải đi làm từ 7 giờ sáng cho đến 23 giờ đêm. Nhiều hôm còn làm xuyên đêm do lượng khách hàng quá đông. Không chỉ sửa chữa mà anh Chiến còn nhận lắp đặt, tháo dỡ điều hòa.
“Năm nào cũng thế, với thợ sửa điều hòa thì mùa hè chính là thời điểm kiếm tiến để tiêu cả năm. Ngày nào cũng “đầu tắt mặt tối” đi làm từ sáng sớm và nửa đêm mới về đến nhà. Nhiều hôm về mệt quá đi ngủ luôn không cả ăn uống, tắm táp.
Tuy nhiên, mùa đông thì lại chơi dài. Mùa đông ít việc việc, chủ yếu đi bảo dưỡng điều hòa 2 chiều cho các công ty, cửa hàng là chính. Do vậy, mùa hè chính là mùa mang lại thu nhập cao”, anh Chiến nói.
Theo anh Chiến, nhờ sửa điều hòa mà tính ra mỗi ngày anh cũng có thu nhập khoảng 3 – 5 triệu đồng.
“Nhiều khi, khách quen hay người nhà gọi điện nhờ sửa điều hòa cũng đành khước từ vì lịch làm việc đã có sẵn. Ai đăng kí trước thì mình phải làm trước cho người ta. Như vậy, mới giữ được chữ tín. Về mùa hè, đôi khi tiếng chuông điện thoại reo không dám nghe. Bởi vì, sợ người nhà nhờ sửa mà từ chối thì ngại”, anh Chiến nói.
Theo anh Chiến, người dùng thường có tâm lý chỉ khi hỏng hoặc khi cận kề mùa hè mới bảo hành hay bảo dưỡng điều hòa nên thường phải chờ đợi do thợ sửa điều hòa kín lịch.
Cho nên, anh Chiến khuyên người dùng nên tiến hành bảo dưỡng, kiểm tra điều hòa từ khoảng tháng 1 đến tháng 3 Dương lịch, khi đó, thợ sửa điều hòa ít việc, họ có thể đến bảo dưỡng nhanh chóng và làm cẩn thận. Khi đó, giá thành cũng rẻ hơn lúc cao điểm.
Theo Hoàng Lê (VietQ)